tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“Loạn” giá xuất khẩu lao động

  • Cập nhật : 11/04/2016

(Tin kinh te)

Chiếm 60% trên tổng số lao động đi nước ngoài, Đài Loan là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng thu phí “trên trời” và nạn bỏ trốn khiến Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ đánh mất thị trường này.

anh truong van quyet da phai tra 6.300 usd de sang dai loan lam viec. anh: t.hang.

Anh Trương Văn Quyết đã phải trả 6.300 USD để sang Đài Loan làm việc. Ảnh: T.Hằng.

Điều đáng nói là mặc dù từ năm 2012 Bộ LĐ-TB-XH đã có quy định các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) chỉ được thu phí môi giới ở mức 4.000 USD, nhưng nhiều DN vẫn “vượt rào”.
“Tuyển trực tiếp nên rẻ hơn”
Việt Nam bắt đầu đưa LĐ sang Đài Loan làm việc từ năm 1999, nhưng số lượng tăng mạnh trong 4 năm gần đây. Hiện có khoảng 170.000 LĐ Việt Nam đang làm việc trong 4 lĩnh vực ở Đài Loan, gồm: sản xuất chế tạo và công nghiệp chiếm 85%; hộ lý, y tá, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện và giúp việc gia đình 13%; số còn lại là làm việc trong lĩnh vực xây dựng, nông, lâm, ngư nghiệp, với thu nhập bình quân 600 - 700 USD/tháng. 


Khi gõ từ khóa: “Tuyển dụng XKLĐ Đài Loan”, Google cho hơn 320.000 kết quả. Từ thông tin tuyển dụng XKLĐ Đài Loan 2016 của Công ty XKLĐ Bimexco đăng tải trên mạng, ngày 30/3, chúng tôi đến một địa chỉ tuyển LĐ tại khu tái định cư X5, P.Mỹ Đình, Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội). Không có biển hiệu hay băng rôn khuếch trương tuyển dụng, ngôi nhà cao tầng chỉ có một tấm biển khiêm tốn nhưng lại mang dòng chữ Trung tâm đào tạo thuộc Công ty CP cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom.
Sau màn chào hỏi: “Sao biết chỗ này? Ai là người giới thiệu đến đây?”, nhân viên công ty chỉ lên tầng 2 gặp người đàn ông tên Kiên, cán bộ tuyển dụng. Biết khách có nhu cầu đi Đài Loan, ông Kiên vồn vã: “Trong tháng 4, công ty có rất nhiều đơn hàng tuyển làm việc trong nhà máy. Sướng nhất là nắng không đến mặt, mưa chẳng đến đầu. Chúng tôi tuyển LĐ trực tiếp, người LĐ không phải chờ lâu. Sau khi làm hộ chiếu, xin giấy xác nhận không tiền án, cứ mang giấy tờ đến đây. Mọi thủ tục chỉ trong vòng 1 tháng là có thể lên đường”.
Khi chúng tôi thắc mắc về tên biển hiệu khác với thông tin đăng tải trên mạng, ông Kiên phân bua: “Trước đây tôi từng là nhân viên của một công ty XKLĐ. Giờ trung tâm này thuộc Tổng công ty CP xuất nhập khẩu xây dựng Bạch Đằng. Thực ra công việc không liên quan đến tổng công ty, nhưng việc đó không quan trọng, miễn đây là nơi cuối cùng để đưa LĐ sang Đài Loan”. Về mức phí và đào tạo ngoại ngữ, tay nghề trước khi đi, ông Kiên cho biết: “Đài Loan không khắt khe, ai muốn học thì học. Còn giá, mỗi công việc một khác. Tiền chi phí dao động từ 5.000 - 5.800 USD.
Khảo sát tại một số DN khác ở Hà Nội, giá đi Đài Loan đều bị đội lên từ 1.000 - 2.000 USD. Tại Trung tâm XKLĐ Vinagimex, trên phố Phạm Tuấn Tài, Q.Cầu Giấy, nhân viên Lan thừa nhận chi phí đi Đài Loan không có mức giá sàn. Mỗi đối tác có một mức phí khác nhau nên chi phí mỗi đơn hàng không giống nhau. “Nếu khám sức khỏe đạt yêu cầu, người LĐ chỉ phải đóng tiền đặt cọc từ 5 - 10 triệu đồng. Bao giờ trúng tuyển mới đóng, chi phí khoảng 5.000 USD. Thời gian chờ đợi từ 1 - 3 tháng”, nhân viên này nói.
Trong khi đó, tại chi nhánh Công ty CP cung ứng LĐ và thương mại Hải Phòng (Halasuco) trên phố Trần Vỹ, Q.Cầu Giấy (Hà Nội), phí đi Đài Loan lại có mức giá cao hơn, khoảng 5.500 đến hơn 6.000 USD. Một nhân viên của công ty giải thích: “Người LĐ đóng chi phí cao sẽ có nhiều giờ làm thêm. Đơn hàng rất nhiều, ngày nào cũng có chuyến bay. LĐ phổ thông hay có tay nghề đều thoải mái lựa chọn việc. Ở đây tuyển trực tiếp nên rẻ hơn nhiều nơi”.
 
dang tuyen thong tin ghi dia chi cong ty xkld bimexco, nhung bien hieu lai de trung tam dao tao thuoc cong ty vietcom - anh: tran ho.

Đăng tuyển thông tin ghi địa chỉ Công ty XKLĐ Bimexco, nhưng biển hiệu lại đề Trung tâm đào tạo thuộc Công ty Vietcom - Ảnh: Trần Hồ.

 

Quét rác, dọn nhà vệ sinh lấy tiền trả nợ
Lao động Việt Nam chịu mức phí cao nhất
Ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng ban Quản lý LĐ Việt Nam tại Đài Loan, cho biết từ sau năm 2012, Bộ LĐ-TB-XH có nhiều biện pháp chấn chỉnh các DN giảm phí cho người LĐ xuống còn 4.000 USD. Tuy nhiên, nhiều LĐ vẫn phải trả mức phí từ 5.000 - 6.000 USD. So với các nước, phí môi giới của Việt Nam vẫn cao hơn. Cụ thể, Philippines tổng chi phí từ 2.800 - 3.200 USD; Indonesia từ 3.500 - 3.800 USD phí đối với công; Thái Lan khoảng 2.500 USD.  

 

Cuối tháng 2, qua đường dây nóng Báo Thanh Niên, chị Trần Thị Hương, quê tỉnh Hà Tĩnh kêu cứu nhờ giúp đỡ gửi đơn lên cơ quan chức năng đòi lại số tiền 6.200 USD đi Đài Loan mà chị đã trả cho một công ty môi giới có trụ sở ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội).
Chị Hương bức xúc: “Trước khi sang Đài Loan, tôi làm công việc tự do ở nhà. Tình cờ, qua Facebook thấy công ty này tuyển đi Đài Loan nên liên hệ đăng ký đi. Mọi việc rất nhanh chóng, tôi được công ty thông báo trúng tuyển. Nhưng vừa đặt chân đến Đài Loan 1 ngày, tôi bị trả về nước vì bác sĩ nghi tôi bị lao phổi, dù trước đó khám ở Việt Nam không mắc bệnh tật gì”.
Khi chúng tôi đề nghị chị Hương cung cấp hóa đơn, chứng từ nộp tiền, chị Hương cho biết, tất cả người LĐ khi đến nộp tiền đều bị người của công ty yêu cầu bỏ túi xách, điện thoại ở ngoài. Thực tế, công ty đã thu của người LĐ 6.200 USD nhưng trong hóa đơn chỉ ghi 4.000 USD kèm theo lời giải thích, phải ghi thấp thì cơ quan chức năng mới duyệt cho đi. Chưa hết, người LĐ phải học thuộc lòng những câu trả lời cơ quan chức năng như: các khoản phí đều đúng, không nộp thêm khoản nào khác cho công ty và cho bất kỳ ai… Rất may, sau khi biết chị Hương đi phản ánh, công ty này đã trả lại cho chị 4.700 USD.
“Vậy là chưa làm việc được ngày nào để trả nợ, tôi mất 1.500 USD. Một chuyến du lịch Đài Loan 2 ngày quá đắt đỏ”, chị Hương cay đắng kể.
Trong chuyến công tác sang Đài Loan giữa tháng 3, PV Thanh Niên có dịp tiếp xúc với số LĐ Việt Nam đang làm việc tại TP.Đào Viên. Vấn đề bức xúc nhất mà người LĐ phản ánh chính là mức phí môi giới quá cao. Anh Trương Văn Quyết, quê Diễn Châu (Nghệ An) cho hay, để sang Đài Loan anh đã phải trả 6.300 USD chưa bao gồm tiền đặt cọc cho Công ty XKLĐ Constrexim ở Hà Nội. Sang bên này, tháng nào có tăng ca thì đỡ, còn không chẳng đủ tiền gửi về cho bố mẹ trả nợ.
“Chúng tôi ở nông thôn lấy đâu ra tiền vốn mà đi. Toàn bộ tiền đi hơn 100 triệu đồng bố mẹ tôi phải cắm bìa đỏ cho ngân hàng. So với LĐ các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines, phí môi giới của Việt Nam cao hơn rất nhiều. Tôi đã viết đơn khiếu nại gửi Văn phòng Văn hóa Đài Bắc, nhưng 5 - 6 tháng chưa thấy thông tin hồi âm”, anh Quyết buồn bã nói.
Đồng cảnh ngộ là anh Nguyễn Văn Đại, quê Yên Bình (Yên Bái) đang làm việc tại Nhà máy lắp ráp thiết bị cơ khí Đức Sỹ (TP.Đào Viên). Do ở quê khó làm ăn, hai vợ chồng cùng bàn bạc đi XKLĐ. Anh Đại đi trước mất phí 5.500 USD, còn vợ đi sau qua Công ty XKLĐ CTM ở Hà Nội phí 6.800 USD. “Tổng cộng cả hai vợ chồng hết 270 triệu đồng, tất cả đi vay nợ hoàn toàn. Mấy tháng rồi không có việc làm thêm, vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa. Ở nhà còn bố mẹ già và con nhỏ, không biết tiết kiệm thế nào cho đủ tiền trả nợ”, anh Đại nói.
Theo lời anh Đại, công ty quản lý rất chặt chẽ, muốn kiếm việc làm thêm cũng khó. Một số bạn bè của anh ở công ty khác cũng không có việc làm thêm. Ngoài giờ làm ở công ty, các LĐ phải đi quét rác, dọn nhà vệ sinh để lấy tiền trang trải nợ nần ở quê nhà.
 

Theo Báo Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục