Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị định 47/2017/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Lao động Việt bị bóc lột tiền lương tại Úc
- Cập nhật : 21/11/2017
Sinh viên Việt Nam và châu Á nói chung làm việc tại các nhà vườn ở Úc đang bị “cướp trắng” tiền công khi chỉ được trả một nửa mức lương tối thiểu theo quy định.
Khảo sát của đại học Kỹ thuật Sydney và đại học New South Wales công bố ngày 21/11 cho thấy nhiều sinh viên hoặc người nước ngoài tạm trú tại Úc được trả lương không công bằng đối với những công việc như thu hoạch trái cây, làm vườn, nhân viên phục vụ nhà hàng, nhân viên tính tiền, phụ bếp, rửa xe...
Cụ thể, có 30% người được khảo sát trả lời chỉ nhận được một nửa tiền công so với mức lương tối thiểu của lao động phổ thông là 22,13 AUD/giờ (378.000 đồng). Mức lương này được tính vào thời điểm khảo sát cuối năm 2016, theo AFP.
Công việc nhận được mức lương thấp nhất là thu hoạch trái cây, rau củ, làm vườn khi có một phần lao động nước ngoài chỉ được trả 5 AUD/giờ (85.000 đồng).
Laurent Van Eesbeeck (người Bỉ, 25 tuổi) hái cà chua cho một nhà vườn ở bang Queensland bức xúc rằng anh chỉ được trả 5 AUD/giờ. “Tôi thấy thất vọng với nhà vườn Úc. Đối với tôi, đó là sự bóc lột và tôi không muốn làm việc ở đây nữa”, Eesbeeck nói.
Hơn nữa, những người từ châu Á như Việt Nam, Trung Quốc hoặc Đài Loan được trả lương thấp nhất (khoảng 17 AUD/giờ) trong khi những người từ khối các nước nói tiếng Anh như Anh, Ireland, Mỹ thì được trả cao hơn (khoảng 35-41 AUD).
Bên cạnh đó, nhiều lao động còn phải tuân theo một số quy định khác của chủ thuê như bị giữ hộ chiếu, phải trả tiền đặt cọc trước khi làm.
Giảng viên luật Bassina Farbenblum thuộc đại học New South Wales cho biết đa phần những sinh viên quốc tế này nghĩ rằng tất cả những người có visa tương tự mình cũng bị trả lương thấp nên họ thường cam chịu chấp nhận.
Tình trạng này được đánh giá là một cơn đại dịch lan truyền khắp các ngành nghề ở Úc. Bà Farbenblum kêu gọi chính quyền và doanh nghiệp cần hành động để giải quyết vấn nạn này. Hiện có hơn 900.000 người định cư tạm thời tại Úc (sinh viên, người du lịch...) và chiếm 11% thị trường lao động nước này.
Theo Thanh Niên