tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bí quyết làm thổ cẩm của người Nùng ở Lạng Sơn

  • Cập nhật : 29/09/2015

(Lang nghe)

Sau khi dệt những mảnh vải bằng khung cửi gỗ, người dân thu hái cây chàm về ngâm vào chum nước cả tháng cho đến khi nhàu nát, sau đó chắt lấy nước rồi trộn một ít vôi, nhân hạt đào phai giã nát và ngâm vải vào đó.

hoa tiet tho cam cua nguoi nung phan sinh. anh: hong van.

Họa tiết thổ cẩm của người Nùng Phàn Sình. Ảnh: Hồng Vân.

 

Vải diềm bâu nhuộm nước lá chàm chuyên để may trang phục truyền thống của người Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, mỗi chi, nhánh của dân tộc Nùng lại có cách trang trí, thêm bớt họa tiết riêng biệt. Không chỉ có quần áo mà cả vỏ gối, túi xách, tay nải, khăn đội đầu, khăn trải bàn... của người Nùng Cháo, Nùng Ing, Nùng Phàn Sình đều làm bằng vải chàm.

Sau khi dệt những mảnh vải bằng khung cửi gỗ có kích thước bề ngang 40 cm, người dân thu hái lấy cây chàm về ngâm vào chum nước hàng tháng trời cho đến khi lá nhàu nát. Sau đó họ mới chắt lọc lấy nước rồi trộn một ít vôi, nhân hạt đào phai giã nát và khoắng đều tạo thành thứ nước hỗn hợp màu xanh lam đậm hay còn gọi là màu chàm.

Công đoạn nhuộm chàm cũng rất cầu kỳ. Mỗi ngày phải hai lần vớt vải từ chum nước nhuộm chàm ra phơi khô rồi lại ngâm vào chum. Liên tục lặp lại công đoạn đó trong vòng một tháng mới được tấm vải chàm ưng ý. Nếu làm hỏng một trong các công đoạn này coi như tấm vải không thành, phải bỏ đi làm lại.

Việc thêu thùa với con gái người Nùng trước kia rất được coi trọng, nhìn vào từng đường kim mũi chỉ có thể biết được đâu là cô gái khéo léo, đảm đang. Khi về nhà chồng họ sẽ mang theo chăn, gối tự làm và coi đó như “của hồi môn” cho hạnh phúc lứa đôi. Tất cả họa tiết thổ cẩm đều được thêu tay trên nền vải chàm truyền thống. Đó là sự cách điệu họa tiết hình hoa lá, mặt trời...

phu nu nguoi nung khi theu thuong khong can dung khung. anh: hong van.

Phụ nữ người Nùng khi thêu thường không cần dùng khung. Ảnh: Hồng Vân.

 

Vừa chăm chút từng đường kim mũi chỉ cho sản phẩm, bà Nông Thị Nghị ở xã Hòa Cư (Cao Lộc) vừa giải thích, nếu thêu sai một màu chỉ sẽ phải dỡ ra thêu lại rất mất công. Họa tiết thổ cẩm được phối hợp giữa nhiều màu chỉ, thêu riêng từng màu. Bà Nghị thường tranh thủ buổi trưa rảnh rỗi để thêu thùa. Nếu làm liên tục thì mất 3 ngày mới thêu xong áo gối truyền thống có 9 bông hoa.

Thông thường, phụ nữ người Nùng Phàn Sình khi thêu không mấy khi sử dụng đến khung thêu. “Người nào thêu càng đều, càng đẹp thì càng thể hiện được khả năng tư duy, bàn tay khéo léo trên nền chàm, nên từ trước đến nay tôi vẫn thêu trơn như thế này”, người đàn bà 62 tuổi cho biết.

Trên những chiếc áo chàm, phần khuy áo được làm thủ công, đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Phải tốn hơn 3 ngày mới khâu xong hàng khuy áo đều đặn, đẹp mắt. Đối với những chiếc vỏ gối dài 1,2 m và 1,8 m, tất cả họa tiết thổ cẩm được thêu trên nền vải chàm, họa tiết đối xứng. 

Ông Chu Minh Lợi (62 tuổi, chồng bà Nghị) bảo từ ngày mở cửa hội nhập, hàng hóa các nước tràn vào, thanh niên nam nữ người dân tộc nhanh chóng tiếp cận, thay thế những bộ trang phục màu chàm bằng các loại quần áo vải hoa, vải bò. Ngay cả những người cao tuổi trước đó mặc quần áo chàm cả ngày, nay cũng cất trang phục truyền thống vào rương, hòm.

Vì thế ít người còn mặn mà với việc làm sản phẩm thêu thủ công trên vải chàm. Những chiếc túi vải, khăn, gối... không còn xuất hiện trong cuộc sống hiện đại mà thay vào đó là sản phẩm may sẵn. “Không còn ai mặc quần áo Nùng Phàn Sình xịn nữa đâu, họ mua vải kẻ may áo, vải phin bóng may quần. Cũng kiểu dáng truyền thống, nhưng chất liệu thay đổi rồi”, ông Lợi buồn bã nói.

ong chu minh loi ben tam tho cam theo nhieu hoa van hinh hoa la, mat troi. anh:hong van.

Ông Chu Minh Lợi bên tấm thổ cẩm theo nhiều hoa văn hình hoa lá, mặt trời. Ảnh:Hồng Vân.

 

Tiếc cho thổ cầm truyền thống đang dần mai một, ông Lợi là một trong số ít người ở huyện Cao Lộc còn duy trì công việc nhuộm chàm và thêu sản phẩm từ vải chàm. Ông tự hào bảo, dù mất công sức, nhưng sản phẩm làm ra đường chỉ rất chắc chắn, màu vải chàm không phai, hoa văn độc đáo đậm nét dân tộc, đường thêu điêu luyện và mềm mại.

Ông Hoàng Văn Lương, Chủ tịch xã Hòa Cư (Cao Lộc) cho biết, chính quyền đã đến tuyên truyền, vận động người dân tích cực giữ gìn trang phục truyền thống, nghề thêu thổ cẩm cổ truyền. Nhưng điều khó khăn nhất là lớp trẻ hiếm người còn yêu thích, dành thời gian cho việc thêu những chiếc túi, gối. Bảo tồn và duy trì nghề thêu thổ cẩm cũng đang là một trong những vấn đề cấp thiết trong quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục