tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Việt Nam đang ở trình độ của cuộc cách mạng công nghiệp nào?

  • Cập nhật : 30/07/2017

Gần đây, chúng ta nói nhiều đến cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 như một thách thức và cơ hội để phát triển đất nước.

pgs-ts ta cao minh - dai hoc bach khoa ha noi.

PGS-TS Tạ Cao Minh - Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tuy nhiên trong thực tế, phần lớn các ngành công nghiệp của nước ta còn ở vị trí của cuộc CMCN lần thứ nhất và lần thứ hai (CMCN 1.0, CMCN 2.0). Cụ thể, việc xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, cầu, cống, bến cảng, sân bay...) gần đây được tiến hành mạnh mẽ; đó chính là các công đoạn của thời kỳ CMCN 1.0 mà đặc trưng là cơ khí hóa, phát triển đường sắt nhờ sự ra đời động cơ hơi nước.

Đường sắt Việt Nam rất lạc hậu, tốc độ tàu thấp do khổ đường ray hẹp từ thời Pháp thuộc, thường xuyên có tai nạn do xung đột với giao thông đường bộ. Mặc dù sản xuất được điện từ lâu nhưng chúng ta chưa chế tạo được nhiều chủng loại động cơ, chưa sản xuất được các máy công cụ vốn là động lực chính cho dây chuyền lắp ráp, sản xuất hàng loạt - một đặc trưng của CMCN 2.0. Chúng ta chỉ chế tạo được động cơ không đồng bộ công suất nhỏ và vừa cho các ứng dụng đơn giản như bơm nước, quạt gió, băng tải... Hầu hết các dây chuyền công nghệ và dây chuyền lắp ráp hiện nay được nhập ngoại.

Do vậy, không thể nói rằng chúng ta đã làm xong CMCN 2.0, càng không thể nói chúng ta đã thực hiện CMCN 3.0, bởi việc tự động hóa toàn diện sản xuất - đặc trưng của giai đoạn này - còn xa vời với công nghiệp Việt Nam.

Dù vậy, một số ngành đã bắt kịp CMCN 3.0 như công nghệ thông tin, viễn thông và đã có một số yếu tố của CMCN 4.0 như in 3D (đã tạo ra một mảnh sọ nhân tạo để vá sọ cho bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2016), trí tuệ nhân tạo (đã có một số sản phẩm).

May mắn thay, CMCN 4.0 diễn ra dựa trên các tiến bộ của công nghệ số, học máy, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo - những lĩnh vực cần nền tảng toán học ngành mà Việt Nam đào tạo khá tốt. Việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học dữ liệu và các lĩnh vực liên quan sẽ cho phép chúng ta “thu hẹp khoảng cách số” trong nhiều ngành, có thể tạo ra sự đột phá.

Để làm chủ công nghệ số, cần đầu tư hiệu quả cho các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng chọn lọc, nghĩa là cần rất nhiều thay đổi ở các viện, trường, doanh nghiệp, và đương nhiên cả trong định hướng chiến lược của Nhà nước.

Theo Khoa học và Phát triển

Trở về

Bài cùng chuyên mục