Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nhất thiết phải giao một đầu mối quản lý, chịu trách nhiệm về nợ công, thay vì phân tán, cắt khúc cho 3 cơ quan như hiện nay.
Vì sao xăng không thể 'cõng' 8.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường?
- Cập nhật : 22/05/2017
Sức mua của người dân yếu không thể gánh thêm gánh nặng thuế là một trong 3 lý do được ông Nguyễn Đức Hùng Linh, đưa ra lý giải vì sao không thể tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu lên 8.000 đồng/lít.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được tăng từ 1.000đ lên 3.000 đồng/lít vào năm 2015 đề bù cho phần thuế nhập khẩu xăng dầu giảm từ 35% xuống 20% theo lộ trình cắt giảm thuế trong cam kết thương mại ASEAN. Trước đó, từ năm 2012 đến 2015, thuế nhập khẩu xăng dầu đã được tăng từ 0% lên 35% để bù đắp thâm hụt ngân sách. Gần đây lại tiếp tục có đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường lên tối đa 8.000 đồng/lít.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) có 3 lý do để thấy rằng việc tăng thuế này là không nên vì cân đối ngân sách đang ở trạng thái tốt, không cần thiết phải áp dụng các biện pháp tận thu; sức mua người dân yếu, không thể gánh thêm gánh nặng thuế và cuối cùng là kinh tế Việt nam tăng trưởng chậm vì sức cầu yếu, vì vậy muốn thúc đẩy tăng trưởng cần phải có giải pháp kích cầu, bao gồm giảm thuế, không phải tăng thuế.
Cụ thể, về lý do đầu tiên, cân đối ngân sách đang ở trạng thái tốt, không cần thiết áp dụng các biện pháp tận thu theo ông Linh, thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2017 đạt 396,4 nghìn tỷ, tăng +17,8% so với cùng kỳ năm trước trong khi chi ngân sách là 393,3 nghìn tỷ tăng +9,8% si với cùng kỳ. Tốc độ thu ngân sách đã tăng nhanh hơn nhiều, nhờ vậy cán cân ngân sách đã chuyển sang thặng dư +3,1 nghìn tỷ trong khi cùng kỳ thâm hụt -53,6 nghìn tỷ.
Mức tăng 17.8% của thu ngân sách 4 tháng cao hơn khá nhiều mức tăng của dự thu cả năm 2017 là 10,1%. Thu ngân sách tăng tốt là nhờ thuế thu nhập cá nhân tăng 26,1%, thuế liên quan đến xuất nhập khẩu tăng 21,4%, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp tăng trở lại sau năm 2016 giảm sút do áp dụng nhiều chính sách ưu đãi. Chi ngân sách tăng chậm hơn tăng thu nhưng mức +9,8% vẫn cao hơn mức tăng dự chi cả năm là +7,5%.
“Như vậy, có thể thấy nhờ thu tăng mạnh nên cán cân ngân sách đạt trạng thái thặng dư. Với các khoản thu thuế có tính ổn định tương đối cao và chi được kiểm soát, đặc biệt chi thường xuyên, bội chi ngân sách sẽ không còn là rủi ro lớn cho ổn định vĩ mô”, ông Linh cho hay.
Nguyên nhân thứ hai, được ông Linh chỉ ra là sức mua người dân yếu, không thể gánh thêm gánh nặng thuế. Ông Linh dẫn số liệu, chỉ số bán lẻ trong 3 năm gần đây đang có chiều hướng giảm. 4 tháng đầu năm 2015 và 2016, tăng trưởng bán lẻ lần lượt là 8% và 7,5%. Sang 4 tháng 2017, chỉ số bán lẻ giảm xuống chỉ còn 6,7%.
“Khi thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng từ 1.000 tăng lên 3.000 đồng/lít, thu thuế bảo vệ môi trường đã tăng thêm 31 nghìn tỷ, tương đương 0,9% tổng bán lẻ của năm 2016. 0,9% là con số lớn nếu so với tăng trưởng bán lẻ của 4 tháng đầu năm 2017 là 6,7%. Nếu tiếp tục tăng từ 3.000 lên 8.000 đồng/lít, người tiêu dùng sẽ phải đóng thêm 75 nghìn tỷ, bằng 2,1% tổng bán lẻ”, ông Linh tính toán.
“Tăng trưởng bán lẻ giảm cho thấy sức tiêu dùng giảm, thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân chậm cải thiện. Nếu tăng thuế, chất lượng cuộc sống của người dân nói chung còn giảm hơn nữa. Người tiêu dùng đã phải đóng 2 khoản thuế lớn là thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân, cả 2 khoản thuế này đều đã tăng mạnh. Thay vì giảm thuế để giúp cải thiện cuộc sống, đặt thêm gánh nặng thuế bảo vệ môi trường là điều không hợp lý”, ông Linh cho biết thêm.
Nguyên nhân thứ ba, theo ông Linh là do kinh tế Việt nam tăng trưởng chậm vì sức cầu yếu, vì vậy muốn thúc đẩy tăng trưởng cần phải có giải pháp kích cầu, bao gồm giảm thuế, không phải tăng thuế.
Từ năm 2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đã được giảm dần từ 25% xuống 20%, thuế trước bạ đối với ô tô cũng được giảm từ 20% xuống 10%.
Nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp có nguồn vốn tái đầu tư, tạo ra tăng trưởng trong tương lai thì giảm thuế trước bạ ô tô không có lý giải thuyết phục. Tỷ lệ nội địa hóa ô tô thấp nên giảm thuế trước bạ thực chất lại là kích cầu cho nước ngoài và làm tăng nhập siêu. Ô tô là mặt hàng đắt tiền vì vậy giảm thuế trước bạ cũng là giảm thuế cho nhóm nhỏ có thu nhập cao. Tăng thuế xăng dầu, ngược lại, đang đánh vào đại đa số người dân, trong đó nhóm thu nhập trung bình và thấp chịu tác động nhiều nhất.
“1.000 đồng là nhỏ nên nếu được giảm, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chi tiêu cho những khoản thiết yếu. Hàng hóa thiết yếu lại thường có tỷ lệ nội địa hóa cao như lương thực, thực phẩm. Như vậy không chỉ chất lượng cuộc sống của đa phần người dân được cải thiện mà sức cầu với hàng hóa nội địa nhất là nông sản sẽ gia tăng”, ông Linh nói.
Do đó theo ông Linh, tăng thuế bảo vệ môi trường do đó không chỉ đi ngược với các giải pháp kích cầu mà còn tạo ra sự bất bình đẳng cho nhóm thu nhập trung bình thấp và làm giảm sức tiêu thụ hàng nội địa.
NGUYỄN THẢO
Theo Bizlive.vn