Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên nhưng khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực còn rất lớn.
Tất cả cơ hội với TPP mới chỉ là giả định
- Cập nhật : 18/03/2016
(Tin kinh te)
Tất cả các cơ hội với TPP hiện nay đều được xây dựng trên các giả định và nếu giả định đó thay đổi thì cơ hội của chúng ta sẽ thay đổi theo dù ta đã có TPP, theo Trưởng đoàn đám phán TPP của Việt Nam, thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.
Bên cạnh yếu tố giả định đó, yếu tố thứ hai là cơ hội tự nó không biến thành lợi ích; cơ hội chỉ đến với ai dậy sớm và nỗ lực. Thứ ba, cơ hội có thể bị phân chia không đồng đều. Và thứ tư, cơ hội luôn đi kèm với thách thức, chừng nào doanh nghiệp thay đổi tâm thế của mình, dám chấp nhận cạnh tranh, rời khỏi vòng tay vỗ về của nhà nước mới có thể tồn tại.
Và cuối cùng, để nắm bắt cơ hội đó không chỉ doanh nghiệp phải làm việc mà cả Chính phủ cũng phải đặt mình vào môi trường cạnh tranh với các chính phủ khác về chất lượng thể chế và chất lượng điều hành.
Đây là những thông điệp quan trọng được ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đám phán TPP của Việt Nam, chia sẻ với gần 300 đại diện doanh nghiệp và nhà đầu tư tại TPHCM sáng nay, 17-3, tại hội thảo “Đối thoại TPP: Cơ hội nào cho Doanh nghiệp tại Việt Nam ?” do Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Công ty KPMG phối hợp tổ chức.
Chúng tôi xin lược ghi lại bài phát biểu của ông Khánh dưới đây:
TPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Trên cuộc chơi toàn cầu, TPP giờ không còn là mối quan tâm riêng của 12 nước thành viên mà các nước khác cũng tìm thời điểm thích hợp để tham gia. Mặc dù TPP còn phải chờ Quốc hội Việt Nam, lưỡng viện Hoa Kỳ và các cơ quan lập pháp của các nước thành viên phê chuẩn mới được đưa vào cuộc sống, nhưng các doanh nghiệp thì không thể chờ đến khi nước đến chân. Bạn không thể quản lý những gì mà bạn không hiểu rõ.
TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đang tham gia là những yếu tố chủ chốt để có thể thay đổi cuộc chơi.
TPP như các bạn biết, sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước tới nay với 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Vì sao gọi là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới? Bởi vì nó đặt ra không chỉ các vấn đề thương mại truyền thống như thương mại hợp tác và dịch vụ, mà nó còn đặt ra các vấn đề mới với các yếu tố thương mại mới xuất hiện đầu thế kỷ 21, như các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng… trong đó có những vấn đề Việt Nam lần đầu tiên tham gia đàm phán như mở cửa thị trường mua sắm chính phủ, thương mại lao động cũng như môi trường, các vấn đề xã hội… Đây thực sự là hiệp định có phạm vi điều chỉnh rất mạnh và cam kết sâu hơn rất nhiều so với các khu vực thương mại tự do Việt Nam đã tham gia nên ta gọi là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Với Việt Nam thì sao?
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. Từ năm 1995, ta đã trở thành thành viên ASEAN và biết đến xóa bỏ thuế nhập khẩu cho các nước ASEAN chính là xóa bỏ hàng rào thuế cho chính đối thủ cạnh tranh của mình.
Năm 2000 ta ký hiệp định thương mại song phương BTA với Mỹ và lần đầu tiên ta biết đến thế nào là mở cửa thị trường dịch vụ cho bên ngoài. Tất cả các thương hiệu lớn nước ngoài sau đó đã có mặt ở Việt Nam như hệ quả của việc mở cửa thị trường dịch vụ và BTA. Và lần đầu tiên với BTA ta biết thế nào là cam kết về các quy tắc quản lý đầu tư quốc tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Năm 2007 Việt Nam bước vào WTO và lần đầu tiên chúng ta biết thế nào là xóa bỏ cái gọi là giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu cũng như toàn bộ các hình thức hạn chế số lượng, định lượng với hàng xuất nhập khẩu như hạn ngạch...
Liệt kê ra như vậy để cho thấy, Việt Nam đã hội nhập từ 20 năm nay nên việc tham gia TPP không phải lần đầu tiên ta hội nhập kinh tế quốc tế. Với một hành trang 20 năm tôi nghĩ chúng ta đủ tự tin để bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và Việt Nam không chỉ đàm phán TPP mà cả các hiệp định thương mại tự do quan trọng khác.
Vị thế của Việt Nam đã khác
Vị thế của Việt Nam đã khác từ trước khi đàm phán TPP và sau khi đàm phán tôi xin khẳng định vị thế của Việt Nam còn cao hơn. Việt Nam được mời tham gia đàm phán TPP ngay từ đầu với tám nước đầu tiên (khởi động đàm phán TPP vào tháng 3-2010).
Vì sao họ mời Việt Nam? Vì điều đầu tiên họ tin vào Việt Nam nghiêm túc trong thực thi các cam kết quốc tế. Thứ hai Việt Nam là đất nước có dân số lớn, thời điểm đó có hơn 80 triệu dân hứa hẹn một thị trường có sức mua lớn, đem lại giá trị gia tăng lớn cho các nước khác. Thứ ba Việt Nam là nước duy nhất hiện nay trên thế giới có quan hệ thương mại tự do với tất cả các thị trường lớn nhất thế giới từ thị trường ASEAN hơn 600 triệu dân, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật, Canada, Úc và đặc biệt là Cộng hòa Liên bang Nga. Việt Nam là nước duy nhất kết nối với tất cả thị trường lớn đó bằng quan hệ thương mại tự do. Nếu như có một người nào đó đầu tư vào Việt Nam người đó sẽ có cơ hội kết nối với tất cả các thị trường đó. Điều đó giải thích sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đặt Việt Nam vào vị thế rất khác sau khi kết thúc đàm phán TPP.
Tiếp đó Việt Nam sẽ có điều kiện thực thi đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ đặc biệt trong bối cảnh khu vực đang diễn ra cạnh tranh gay gắt. Giữ vững ổn định chính trị xã hội là yếu tố rất cần cho làm ăn. Nhà đầu tư đến với ta trong đó lý do quan trọng là kinh tế chính trị ổn định.
Nhiều cơ hội...
Khác với các lần trước, ở lần đàm phán hiệp định này (TPP) các doanh nghiệp đã đi theo song hành với đoàn đàm phán và tham gia góp ý rất sâu. Sự chủ động của họ là khác hẳn và lớn hơn các lần trước và khi đàm phán kết thúc rất nhiều người trong số họ đã sơ bộ nhận định vấn đề và lên kế hoạch cho mình.
Tuy nhiên, bản thân TPP - như các bạn đã biết - nó tạo nên xung lực mới cho xuất khẩu, gần như tất cả các mặt hàng đều hưởng lợi, với cơ hội xuất hiện trên tất cả các thị trường.
Cơ hội cũng đến như xung lực mới cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vì như tôi đã nói, Việt Nam trở thành điểm giao thoa duy nhất kết nối với tất cả các thị trường nên lần này chắc chắn sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng thêm và họ sẽ nhìn vào Việt Nam như địa điểm để họ tiếp cận các thị trường lớn. Tôi tin rằng đó là lý do một thế hệ nhà đầu tư nước ngoài khác sẽ đem chuỗi sản xuất của họ đến với chúng ta và Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất đó.
Rất nhiều các nhà đầu tư lớn đã di chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam trong thời gian qua. Chúng ta có cơ hội để tham gia và trở thành người cung ứng của chuỗi đó. Có thể bây giờ doanh nghiệp Việt chưa nắm bắt cơ hội đó nhưng nếu nỗ lực ta sẽ nắm bắt được. Khi kinh tế tăng trưởng, đầu tư nước ngoài nhộn nhịp sẽ tạo cơ hội cho tất cả các ngành kinh tế khác. Bất kể ngành nào cũng có cơ hội. Đó là đặc điểm của làn sóng đầu tư lần này.
Cơ hội lớn khác từ TPP là sự đúc rút kinh nghiệm quản lý trên thế giới thông qua các thành tựu tốt nhất, trong rất nhiều lĩnh vực, được tổng kết thành các bộ quy tắc của TPP. Nếu Việt Nam có thể tuân thủ các bộ quy tắc này thì ta sẽ có điều kiện cải thiện vị thế quản trị quốc gia và đặc biệt là môi trường chính sách. Với tất cả các quy tắc yêu cầu sự công khai minh bạch, không phân biệt đối xử, hành xử khách quan của bộ máy nhà nước sẽ đem lại rất nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
… nhưng chỉ là giả định
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Khánh “xin nhấn mạnh”. Thứ nhất, cơ hội chỉ là dựa trên các giả định. Các chuyên gia, báo chí đã nói nhiều về các thuận lợi và cho rằng Việt Nam sẽ tăng tốc trong những năm sau TPP. Họ đưa ra những dự báo hết sức tốt. Và cũng như WTO ta đã có sự hào hứng rất lớn rồi sau WTO vốn đầu tư gián tiếp ồ ạt đổ vào rất mạnh năm 2007. Nhưng họ không lường trước được hai sự kiện: khủng hoảng tài chính nổ ra 2008 và khủng hoảng nợ công tiếp theo đó. Chúng đã làm điều kiện thay đổi vì thế tôi mới nói cơ hội Việt Nam cất cánh là giả định. Cần tỉnh táo nhận thức rằng cơ hội đó được giả định với điều kiện nền kinh tế ổn định, đồng tiền của các quốc gia ổn định, một số nền kinh tế lớn không chậm tốc. Nếu nó thay đổi đi thì cơ hội của ta vì thế sẽ thay đổi theo dù ta đã có TPP rồi.
Thứ hai, cơ hội tự thân nó không biến thành lợi ích. Cơ hội chỉ đến với ai dậy sớm, nỗ lực. Ngành dệt may được cho rằng có cơ hội lớn nhưng sẽ vẫn có doanh nghiệp dệt may thất bại. Cơ hội tự thân nó không chuyển hóa thành lợi ích và tùy thuộc vào nỗ lực của từng chủ thể, từng doanh nghiệp có nắm bắt được nó hay không và chính phủ có tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt tốt nó hay không.
Thứ ba, cơ hội có thể bị phân chia không đồng đều. Báo chí đã nói các công ty nước ngoài nắm bắt hết cơ hội của TPP. Nhưng đó là cuộc sống, người nào chuẩn bị tốt hơn sẽ nắm bắt tốt hơn và tôi thấy dường như doanh nghiệp nước ngoài đang có sự chuẩn bị tốt hơn.
Và cuối cùng cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Thách thức với doanh nghiệp là sức ép cạnh tranh, thay đổi tâm thế của chính mình, dám chấp nhận cạnh tranh và và chủ động đổi mới sáng tạo. Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước từ xưa tới nay yên ổn trong vòng tay vỗ về của nhà nước nhưng theo TPP sự vỗ về đó sẽ hết, họ sẽ phải tự thân vận động theo đúng cơ chế thị trường, chừng nào họ chấp nhận cạnh tranh họ mới có thể tồn tại.
Vậy các doanh nghiệp hỏi tôi làm thế nào để nắm bắt cơ hội của TPP? Tôi không biết. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc chung tôi xin chia sẻ.
Thứ nhất, hội nhập cũng như tham gia TPP không phải việc riêng của chính phủ mà là sự nghiệp của chính các doanh nghiệp. Vì sao tôi nói vậy? Vì ta phải gạt bỏ suy nghĩ và câu hỏi Nhà nước sẽ làm gì để hỗ trợ chúng tôi? Thật sự tôi chưa bao giờ nhận được câu hỏi đó từ Eurocham và Amcham, hoặc các doanh nghiệp nước ngoài, mà tôi chỉ nhận được các câu hỏi của doanh nghiệp Việt Nam: Làm gì để phổ biến thông tin về TPP cho chúng tôi? tài liệu tuyên truyền của anh đâu? Sách hướng dẫn dâu? Tài liệu, sách hướng dẫn TPP đã có rồi, Nhà nước đã và chắc chắn sẽ làm, và có doanh nghiệp cầm sách trên tay rồi vẫn hỏi… Đó là sự khác biệt, nên điều đầu tiên chắc chắn mỗi doanh nghiệp phải chủ động. Ta phải bước vào thị trường với tâm thế cạnh tranh chủ động chứ không phải chấp nhận và hỏi Nhà nước ở đâu.
Tiếp theo xin đừng cạnh tranh chỉ bằng giá, đó là ta đang tự cắt vào thịt của mình, cạnh tranh kiểu đó không bao giờ bền mà hãy cạnh tranh bằng chữ tín và chất lượng, hãy để họ thấy rằng ta biết giữ chữ tín.
Điều nữa, hãy chú ý đến quản trị hiện đại. Nhiều công ty vẫn quản trị gia đình theo kiểu "công ty của tôi nên điều hành theo cách của tôi."
Doanh nghiệp hãy đi nhiều hơn để thấy bên ngoài họ đang làm thế nào. Đặc biệt với doanh nghiệp miền Bắc, chỉ cần vào đến TPHCM thôi để thấy một quán ăn ở TPHCM đã khác so vơi quán ăn miền Bắc thế nào.
Cuối cùng tôi xin nhấn mạnh ta đang bước vào kỷ nguyên của kinh tế số và hãy đi xa bằng kinh tế số. Ví dụ câu chuyện niêu cá kho của lãng Vũ Đại khi làm ra không bán được, sau đó khi sử dụng Facebook thì làm không đủ bán. Khi tôi sang Mỹ thì Google coi đây là câu chuyện thành công của Việt Nam. Internet tạo ra cơ hội lớn cho tất cả mọi người, hãy phát huy tinh thần khởi nghiệp theo hướng đó.
Chính phủ cũng phải cạnh tranh
Chính phủ có thể làm gì? Tôi không thể đại diện cho chính phủ, cá nhân tôi chỉ là trưởng đoàn đàm phán. Thủ tướng mới đây thông qua bài viết của mình đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng Chính phủ và Quốc hội sẽ có chương trình hành động cụ thể, sẽ coi trọng ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nợ công và ngân sách.
Việc thứ hai Chính phủ có thể làm là liên tục hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia và có tư duy mới, tức là thực hiện vai trò của nhà nước kiến tạo. Điều đó có ý nghĩa rất lớn, thay vì suy nghĩ làm thế nào quản lý thật chặt, tư duy điều hành của Chính phủ chuyển sang hướng làm thế nào để kiến tạo. Thay vì đưa ra quy định đảm bảo an toàn nhất cho nhà quản lý thì đưa ra quy định làm sao để tạo thuận lợi nhiều nhất cho doanh nghiệp và từ tư duy đó sẽ thay đổi cách làm của Chính phủ. Đó là công khai minh bạch, hành xử vô tư khách quan không phân biệt doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.
Công khai mới chỉ là một vế của phương trình và vế kia là khi người dân và doanh nghiệp phản hồi lại dứt khoát anh phải trả lời chứ không phải nhận câu hỏi đó là để yên trong ngăn bàn. Nên việc Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đang làm là chứng minh tư duy mới của Chính phủ, là tăng cường tương tác giữa chính phủ với doanh nghiệp. Một Chính phủ đang thay đổi tư duy, vậy nếu họ sẵn sàng lắng nghe thì chúng ta hãy lên tiếng.
Tôi không thể trả lời câu hỏi tôi có thể làm gì để giúp các bạn. Các bạn hãy nói với bí thư Đinh La Thăng điều đó và nói với chính phủ rằng hãy làm a, b, c để giúp chúng tôi nắm bắt cơ hội của TPP.
Trong bài viết của Thủ tướng mới đây có một ý rất quan trọng lần đầu tiên được Chính phủ khẳng định, là nếu đặt hàng hóa dịch vụ, doanh nghiệp vào môi trường cạnh tranh thì từ đây trở đi cũng phải đặt Chính phủ vào môi trường cạnh tranh. Chính phủ Việt Nam phải cạnh tranh với chính phủ của các nước trong khu vực về chất lượng thể chế và chất lượng điều hành.
Hồng Phúc
Theo TheSaigontimes.vn