90% doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về triển vọng thương mại 12 tháng sắp tới nhưng lơ là các thị trường nội khối trong khu vực và thích thị trường xa như Mỹ, châu Âu...
Hiệp định CPTPP được ký kết, doanh nghiệp ngành nào hưởng lợi?
- Cập nhật : 09/03/2018
Nhiều nghiên cứu cho rằng, lợi ích mà Việt Nam được hưởng từ CPTPP với sự vắng mặt của Mỹ ít hơn nhiều so với TPP trước đó, vì Mỹ chiếm đến 60% GDP của khối và khoảng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam...
Rạng sáng ngày 9/3 theo giờ Việt Nam, Bộ trưởng phụ trách Kinh tế của 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã tham gia Lễ ký kết chính thức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Santiago, Chile.
Trước đó, Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nguyên thủy với 12 thành viên rơi vào tình trạng bấp bênh hồi đầu năm ngoái khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận, nói rằng ông muốn tập trung vào ưu tiên bảo vệ công ăn việc làm ở Mỹ.
Nhiều nghiên cứu cho rằng, lợi ích mà Việt Nam được hưởng từ CPTPP với sự vắng mặt của Mỹ ít hơn nhiều so với TPP trước đó, vì Mỹ chiếm đến 60% GDP của khối và khoảng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; và trong 11 nước thành viên tham gia CPTPP, Việt Nam đã ký kết hiệp đinh thương mại đa phương và song phương với hầu hết các quốc gia ngoại trừ Peru, Canada và Mexico.
Cụ thể, với CPTPP, GDP Việt Nam dự báo chỉ tăng thêm 1,32%, trong khi với TPP khi có Mỹ là 6,7%. Xuất khẩu với CPTPP tăng thêm 4%, trong khi TPP là khoảng 15%. CPTPP làm tăng nhập khẩu 3,8%, còn TPP tăng nhập khẩu 10,5% nhờ việc mở rộng thị trường xuất khẩu khi tiếp cận thêm 3 thị trường mới là Canada, Mexico and Peru.
Theo nhận định của các chuyên gia tại công ty chứng khoán HSC, một số ngành như sản xuất, công nghiệp nhẹ và dịch vụ; và dịch vụ tài chính sẽ là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong khi đó ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm và các ngành yêu cầu vốn lớn khác sẽ bị ảnh hưởng do sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài với nguồn vốn lớn hơn và chuyên môn tốt hơn.
Còn theo các chuyên gia tại công ty chứng khoán BSC, một số ngành như dệt may, thuỷ sản, ngân hàng có thể được hưởng lợi từ CPTPP, tuy nhiên, độ lan toả tới các ngành này là không lớn.
Cụ thể, đối với ngành dệt may, kim ngạch xuất nhập khẩu dệt may và da giày giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP là đáng kể (khoảng 16%), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với khi Mỹ chưa rút khỏi hiệp định (ước tính khoảng 70% đối với xuất khẩu dệt may da giầy và 22% đối với nhập khẩu NPL dệt may).
Do đó, BSC cho rằng, động lực tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đóng góp bởi CPTPP sẽ không đáng kể do kim ngạch xuất nhập khẩu đối với 10 nước CPTPP còn lại không quá lớn, nhất là khi so sánh với TPP khi còn Mỹ.
Trước đây TPP được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn với dệt may xuất khẩu bởi có sự tham gia của Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam đóng góp tới 48,3% tổng kim ngạch.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn là thị trường cung cấp đến 50% bông nguyên liệu cho ngành sợi dệt trong nước. Còn trong các nước thành viên CPTPP hiện tại, Nhật Bản là đối tác nhập khẩu sản phẩm dệt may từ Việt Nam lớn nhất cũng chỉ có kim ngạch khoảng 3,11 tỷ USD (~ ¼ kim ngạch của Hoa Kỳ), tiếp đến là Canada (556 triệu USD).
Trong khi đó, 7/10 nước thành viên còn lại của CPTPP đã ký kết những hiệp định thương mại song phương và đa phương với Việt Nam, dành nhiều ưu đãi cho ngành dệt may. Trong số 3 quốc gia chưa ký kết các thỏa thuận ưu đãi thương mại với Việt Nam, Canada là quốc gia có tiềm năng nhất trong đẩy mạnh doanh thu xuất khẩu hàng may mặc.
Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng may mặc của Canada lên tới 5 tỷ USD (ước tính cho 2017), trong đó khoảng 40% đến từ thị trường Trung Quốc (Trademap, 2016).
Kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng năm của Việt Nam sang Canada hiện mới chỉ khoảng 556 triệu USD (~10,3%) trong điều kiện chưa có cam kết thương mại nào giữa hai quốc gia, thấp hơn so với tỷ trọng của Campuchia hay Bangladesh nhưng lại chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh hơn từ 3-5% và khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu dệt may từ Việt Nam vào Canada sẽ có thêm lợi thế về thuế nhập khẩu.
Canada và Hoa Kỳ có nhiều nét tương đồng nên sẽ dễ dàng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận và đẩy mạnh thị trường này.
Với ngành thuỷ sản, hiện EU đã vươn lên đứng đầu thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, theo sau là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU đạt giá trị 1,215 tỷ USD (+21,2% so với cùng kỳ). Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng trưởng chậm lại và bị sụt giảm nhẹ -2,5% về kim ngạch.
Nguyên nhân chính là do Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao đối với 2 mặt hàng tôm và cá tra, khiến các mặt hàng này bị giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ.
Các nước trong CPTPP hàng năm nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD tương đương khoảng 23% tổng kim ngạch ngành thủy sản, trong đó riêng thị trường Nhật Bản chiếm khoảng 15%. Theo BSC, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ vào thị trường này sẽ hưởng lợi.
Đối với ngành ngân hàng, đây được coi là ngành được lợi gián tiếp từ các hiệp định thương mại tự do. Cùng với đà tăng trưởng của kinh tế, CPTPP sẽ gián tiếp đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành ngân hàng thông qua tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tín dụng và các dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế thông qua xuất nhập khẩu, đầu tư gián tiếp và trực tiếp.
TRẦN THÚY
Theo Bizlive.vn