GS Trần Đình Long: Thách thức lớn xây dựng bộ giống quốc gia khi Việt Nam gia nhập TPP
- Cập nhật : 04/05/2016
(Tin kinh te)
Đồng bằng Sông Cửu Long có tới hơn 100 giống lúa đang được trồng phổ biến trong đó chỉ 3-4 giống có thể đạt giá bán từ 600 – 700 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu bình quân chỉ đạt dưới 400 USD/tấn.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới nhưng giá bán gạo rất rẻ, giá trị hạt gạo của Việt Nam so với các nước còn thấp trong khi đó Việt Nam chưa có bộ giống chuẩn quốc gia. Chúng tôi đã có trao đổi với Giáo sư Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, thành viên HĐQT CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC) về vấn đề này.
Thưa ông, Việt Nam đang hướng đến xây dựng bộ giống chuẩn quốc gia, ông có thể cho biết bộ giống phải đảm bảo các tiêu chí gì để trở thành giống quốc gia?
GS Trần Đình Long: Tiêu chí giống quốc gia nếu lấy giống lúa làm ví dụ thì giống phải có năng suất và có chất lượng cao, giá bán phải đạt từ 600-800 USD/tấn gạo, giá trị thu được từ một đơn vị diện tích phải cao cấp 4, 5 lần so với lúa bình thường, bên cạnh đó thị trường tiêu thụ phải bền vững, với khối lượng lớn, 3 tiêu chí ấy nếu được sẽ đạt tiêu chuẩn giống quốc gia.
Tuy nhiên còn một số đặc tính khác như khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chịu hạn, ngập mặt, chịu rét.. Các tiêu chí này phải có tính khác biệt và phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nếu chỉ nhập về và phân lập ra thì không phải là giống quốc gia.
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội giống cây Trồng Việt Nam và là một thành viên HĐQT của Công ty giống cây trồng Trung ương, ông có thể cho biết tại sao thời điểm này Việt Nam chưa có bộ giống chuẩn quốc gia và NSC có biện pháp gì đóng góp vào bộ giống quốc gia không thưa ông?
GS Trần Đình Long: Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến ngoạn mục về lợi thế cạnh tranh các cây trồng chính, cây lương thực thực phẩm trong đó lúa gạo cà phê, hạt Điều, hồ tiêu… Việt Nam có năng suất cà phê thứ nhất thế giới, sản lượng gạo xuất khẩu đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, khi chúng ta gia nhập TPP thì thách thức rất lớn, như đồng bằng Sông Cửu Long có tới hơn 100 giống lúa đang được trồng phổ biến trong đó chỉ 3-4 giống có thể đạt giá bán từ 600 – 700 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu bình quân chỉ đạt dưới 400 USD/tấn.
Bài toán ở đây không phải chúng ta không có giống tốt mà là khâu tổ chức sản xuất của chúng ta có vấn đề. Khi vào TPP Việt Nam phải có bộ giống quốc gia, nhưng hiện nay các giống đã được công nhận “gọi là giống quốc gia” nhưng tiêu chí chưa đạt, chủ yếu là nhập nội và chọn lọc, một số giống được tạo ra bằng phương pháp lai hữu tính hoặc đột biến có tính khác biệt nhưng giá trị thương phẩm không cao.
NSC là công ty giống cây trồng lớn nhất VN kết hợp với công ty giống cây trồng miền Nam, có thể nói là Tập đoàn về giống cây trồng. Hiện nay tỷ lệ các giống độc quyền của công ty này lên đến 70%, tuy nhiên những giống đang độc quyền này trong giai đoạn hiện tại ở trong nước có thể đáp ứng được thị trường nhưng sắp tới để hội nhập phải có giống mang thương hiệu quốc gia.
Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, cách đây 10 năm, giống do hệ thống chính quy nhà nước là của các viện nghiên cứu, các trường đại học chiếm 70% và giống của các công ty, các cá nhân tổ chức phi chính phủ làm ra chiếm 30%, năm 2015 thì giống của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước lại chiếm trên 70%.
Chiến lược lâu dài của NSC là phải tạo được các giống có tính khác biệt của VN, do đó phải xây dựng các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, tăng cường nguồn nhân lưc để có thể làm được giống mang thương hiệu quốc gia, đây là việc không thể thực hiện trong một thời gian ngắn mà yêu cầu về nguồn nhân lực rất cao, đầu tư lớn.
Một công ty nước ngoài làm ra giống mới đã đầu tư lên tới 200 triệu USD một giống, trong khi đó số tiền đầu tư tạo ra giống mới của Việt Nam còn rất thấp, do đó chiến lược của NSC sẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, các Trung tâm nông nghiệp công nghiệp cao để tạo ra sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới nhất của thế giới để cải tiến các giống của VN, kết hợp phương pháp hiện đại với sự trợ giúp của kỹ thuật phân tử (Molecular marker), phương pháp lai trở lại (backrossing) hoặc lai quy tụ gen nhờ marker ( Marker-Assisted Gen Pyramiding) để cải tiến các giống hiện có.
Ví dụ cải tiến giống lúa RVT (giống lúa thơm của NSC) có thể kháng bệnh, thích ứng rộng…giống được cải tiến sẽ có tính khác biệt, có thể xác định được trình tự gen và đăng ký với ngân hàng gen quốc tế, từ đó NSC sẽ chủ động xây dựng thương hiệu gạo quốc gia trên cơ sở giống lúa RVT mới.
Trong năm 2015, 2016 Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi hiện thượng Elnino, đồng bằng sông Cửu Long hạn hán nhiều, việc này ảnh hưởng đến kinh doanh của NSC không thưa ông?
GS Trần Đình Long: Sản phẩm của NSC phân phối cho nông dân, cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng đã xuất khẩu sang một số nước như Myanmar, Lào, Campuchia, Trung Quốc…
Ảnh hưởng to lớn của biến đổi khí hậu đã hiện hữu, đặc biệt tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp. NSC đã hình dung ra những khó khăn ấy và đã xây dựng chiến lược cho những năm sau, thậm chí kế hoạch sản xuất hạt giống của 2017, 2018 đã được chuẩn bị trước, nên KQKD của NSC năm 2016 không bị ảnh hưởng.
NSC mới khánh thành khu chế biến hạt giống tại Hà Nam, kế hoạch cho năm 2016 đã có đủ số lượng giống đáp ứng nhu cầu thị trường. Chúng tôi hướng đến việc tạo giống chiu hạn và chịu ngập mặn, về mặt kinh doanh HĐQT đã nhìn xa và đã chuẩn bị trước nên sẽ không bị động.
VN chưa có nhiều cánh đồng mẫu lớn, sản xuất của nông dân hiện vẫn rất manh mún, NSC có biện pháp gì hỗ trợ nông dân cùng làm cho năng suất cây trồng cao hơn không thưa ông?
GS Trần Đình Long: Cánh đồng mẫu lớn đã hình thành ở An Giang và nhiều nơi khác tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng để mở quy mô lớn hơn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt khâu liên kết tổ chức sản xuất.
Trước kia NSC chỉ sản xuất giống lúa và ngô và chỉ bán hạt giống, nhưng hiện tại, NSC đã đi vào chuỗi sản phẩm, sản xuất giống, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, đồng bộ, làm ra hạt gạo, tổ chức chế biến và xây dựng thương hiệu tạo ra sản phẩm cuối cùng, giúp nông dân từ A-Z. Không những gạo hạt dài (Indica), gạo hạt tròn (Japonica) mà còn các sản phẩm khác như dưa lưới, ngô thực phẩm, rau cao cấp...
Giống biến đổi gen không làm tăng năng suất
Xu hướng các công ty giống cây trồng quốc tế sử dụng các giống biến đổi gen để cho năng suất cao và có thể ngăn ngừa sâu bệnh, nhưng người dân vẫn chưa hiểu rõ về khái niệm này, quan điểm của ông về cây trồng biến đổi gen, NSC nghiên cứu cây trồng biến đổi gen như thế nào?
GS Trần Đình Long: Trước hết phải khẳng định đối với cây trồng biến đổi gen, hiện nay thế giới có 3 trường phái: ủng hộ hoàn toàn, như Mỹ hay một số nước châu Mỹ và phản đối hoàn toàn như một số nước châu Âu: Pháp, Scotand… trường phái thứ ba là tiếp cận có chọn lọc: chỉ áp dụng đối với một số đối tượng nhất định, như Bông, cây lâm nhiệp, hoa cây cảnh, chưa áp dụng đối với cây lương thực cây thực phẩm cho người như lúa gạo…
Quan điểm VN lựa chọn lộ trình và chúng ta chọn đối tượng như đối với cây bông, cây lâm nghiệp, hoa, hoàn thoàn có thể sử dụng cây biến đổi gen nhưng cây thực phẩm như lúa gạo phải suy nghĩ để tiếp cận phù hợp.
Hiện nay bộ Nông nghiệp và PTNT đã công nhận 4 giống ngô biến đổi gen của Monsanto (Mỹ), nhưng những giống ngô biến đổi gen này chỉ có 2 tính trạng là kháng được thuốc trừ cỏ nghĩa là trồng cây ngô này khi phun thuôc trừ cỏ thì ngô không chết, nhưng khi dùng thuốc trừ cỏ lại có tác hại lớn đến đất đai, môi trường và sức khỏe con người.
Có nên trồng ngô biến đổi gen hay không? Hiện nay chưa nên trồng trên diện rộng các giống ngô biến đổi gen thay thế các giống ngô đang trồng. Cần có những đánh giá chính xác và toàn diện hơn, vì giống biến đổi gen không làm tăng năng suất mà chỉ kháng thuốc trừ cỏ, hoặc kháng sâu đục thân. Hạt giống ngô chuyển gen có giá 300 ngàn đ/kg, trong khi giống ngô lai của ta chỉ với giá từ 70-80 ngàn đ/kg, mà vẫn có khả năng cho năng từ 8-10 tấn/ha.
Hơn nữa, sản xuất ngô của VN hiện nay có tới trên 80% diện tích là không có tưới nên vấn đề không phải là giống kháng thuốc diệt cỏ, cái mà VN cần là giống ngô chịu hạn. Điều này VN đang làm, lấy gen chịu hạn của lúa mỳ để chuyển vào giống ngô năng suất cao của ta, tương lai không xa, Việt Nam sẽ tạo được giống ngô biến đổi gen của mình, thích hợp với điều kiện sinh thái của Việt Nam.
Lựa chọn của NSC và xu hướng của các nhà khoa học Việt Nam là sử dụng giống ưu thế lai, các giống năng suất cao và chất lượng tốt hiện có, với sự trợ giúp phân tử để quy tụ gen mục tiêu vào các giống trên, tạo ra các giống mới phù hợp với từng vùng sản xuất của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường.
Xin cảm ơn ông.
Phương Mai
(Theo Người Đồng Hành)