Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Vinafood 2, cho biết như vậy về kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với nhiều sai phạm của tổng công ty này
Dự án dầu khí Bir Seba: Biểu tượng hợp tác Việt Nam-Algeria
- Cập nhật : 11/12/2015
(Kinh te)
Ngày 11/12, Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - tổ chức lễ đón dòng dầu thương mại đầu tiên tại mỏ Bir Seba, Lô 433A&416B, Algeria.
Đây là sự kiện mang ý nghĩa chính trị, kinh tế quan trọng trong bối cảnh vô vàn khó khăn đối với công nghiệp dầu khí thế giới khi giá dầu giảm sâu như hiện nay.
Dự án thăm dò khai thác dầu khí tại mỏ Bir Seba do PVEP liên doanh cùng các đối tác là Công ty Quốc gia Algeria (Sonatrach), Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí Thái Lan (PTTEP) với quyền lợi tham gia lần lượt là 40%, 25% và 35%.
Đây là dự án thành công đầu tiên của PVEP cũng như của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại nước ngoài từ khâu đầu tiên là tham gia đấu thầu quốc tế tới khâu thăm dò do đội ngũ nhân sự PVEP trực tiếp điều hành trong Giai đoạn thăm dò thẩm lượng, từ năm 2003 đến 2008.
Liên doanh Bir Seba được thành lập vào năm 2009, với tổng vốn đầu tư 1,26 tỷ USD. Hiện, dự án được điều hành bởi Công ty điều hành chung Groupment Bir Seba (GBRS) do các bên trong liên doanh thành lập theo quy định của Hợp đồng phân chia sản phẩm đối với giai đoạn phát triển khai thác.
Ông Hoàng Ngọc Đông, Giám đốc Công ty PVEP-Algeria cho biết liên doanh Bir Seba đang trong quá trình phát triển và khai thác giai đoạn 1 tại mỏ Bir Seba. Tính đến nay, liên doanh đã khoan 16 giếng, trong đó có 4 giếng được khoan trong giai đoạn thăm dò và thẩm lượng, còn 12 giếng được khoan trong giai đoạn phát triển mỏ.
Hiện tại dự án đang khai thác với sản lượng trung bình khoảng 20.000 thùng dầu/ngày theo đúng thiết kế. Sản lượng khai thác của dự án đã đạt mốc khai thác một triệu thùng dầu thương mại vào ngày 4/11/2015.
Bám sát kế hoạch tổng thể đã đặt ra, trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện giai đoạn I, ổn định khai thác, tiếp tục triển khai giai đoạn II, phấn đấu nâng sản lượng khai thác toàn lô lên 40.000 thùng/ngày vào đầu năm 2020.
Ông Đông cũng đánh giá tốt sự hợp tác giữa PVEP, Sonatrach và PTTEP trong việc thực hiện thành công dự án này. Theo ông Đông, để có được kết quả trên còn là có sự quyết tâm táo bạo và bước đột phá của các cấp lãnh đạo PVEP/PVN trong công cuộc tìm dầu ở các vùng đất xa xôi trong đó có châu Phi.
Ông Đông nêu rõ việc khai thác mỏ Bir Seba đã khẳng định vị thế của người Việt Nam trong hành trình tìm dầu ở nước ngoài, đặc biệt là tại dự án này, phía Việt Nam đã tự lực tự cường ngay từ những ngày đầu để tìm kiếm, thăm dò rồi phát hiện ra mỏ này, sau đó là xây dựng hệ thống khai thác để đến ngày gặt hái kết quả trên một đất nước xa xôi cách thủ đô Hà Nội trên 10.000km tại sa mạc Sahara có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới.
Ngành dầu khí Việt Nam đã vươn ra nhiều nước trên thế giới như Venezuela, Nga..., trong đó Algeria là khu vực có nhiều tiềm năng dầu khí. Quốc gia Bắc Phi này là một trong ba nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu châu Phi, với trữ lượng ước tính khoảng 5,7 tỷ tấn (38 tỷ thùng), sản lượng gần 180.000 tấn/ngày (tương đương 1,2 triệu thùng/ngày), xếp thứ 12 về sản lượng sản xuất và đứng thứ 9 về sản lượng xuất khẩu.
Về khí đốt, Algeria có trữ lượng khoảng 4.500 tỷ m3 với sản lượng 60 tỷ m3/năm và là nước sản xuất khí tự nhiên hàng đầu châu Phi, nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai vào châu Âu và đứng thứ 4 thế giới.
Tỉnh Hassi Messaoud ở sa mạc Sahara, nơi có mỏ Bir Seba, nằm cách thủ đô Alger hơn 600km về phía Nam, được xem là thủ phủ dầu mỏ của Algeria vì tại đây tập trung tất cả các loại dịch vụ dầu khí, cũng như rất nhiều các công ty dầu mỏ lớn của thế giới và của nước chủ nhà.
Có hai doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đặt trụ sở tại đây là PVEP và Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD).
Hiện nay, bên cạnh những cán bộ quản lý, nhân viên người địa phương, hơn 30 cán bộ, kỹ sư người Việt Nam đang làm việc cho PVEP-Algeria trong đó có 12 người thường trực làm việc tại mỏ Bir Seba, số còn lại làm việc tại văn phòng công ty tại Hassi Messaoud. Trong số này có những người đã có thâm niên làm việc tại quốc gia Bắc Phi này được 8 năm.
Đi tìm dầu, khoan thấy dầu, và khai thác được dầu thương mại tại khu vực sa mạc Sahara, nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới là thành công của những người làm dầu khí Việt Nam. Thành công này sẽ giúp PVEP/PVN mở rộng cánh cửa đầu tư ra nước ngoài và Bir Seba được xem là một biểu tượng cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Algeria.
Theo phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến thăm chính thức Algeria cuối tháng 5/2015, việc khai thác dòng dầu đầu tiên sẽ đem lại lợi ích cho hai doanh nghiệp dầu khí nói riêng và giữa hai nước nói chung. Đây là một biểu tượng hợp tác thành công giữa hai nước; là thành quả của sự hợp tác kiên trì lâu dài giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Algeria và sẽ là một đóng góp thiết thực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước; tạo động lực để hai bên mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới./.