Quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước trong những doanh nghiệp từng được ví như gà đẻ trứng vàng được đưa ra trong bối cảnh ngân sách đang gặp khó khăn.
Doanh nhân Việt còn lo gì ở ván bài TPP?
- Cập nhật : 16/10/2015
(Doanh nhan)
Theo TS Thành, để phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng như hiện nay, doanh nghiệp Việt phải chú trọng tới khâu sử dụng người tài, phát triển công nghệ tốt nhất. Tiếp đó, phải quan tâm tới tài chính, tiền và quản trị rủi ro cũng như hiểu biết về phát luật để bảo vệ chính mình.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là bước ngoặt với nền kinh tế Việt Nam với cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn có quy mô chiếm tới 40% GDP và 30% tổng thương mại toàn cầu. Được đánh giá là nước phát triển thấp nhất trong 12 quốc tham thành viên nhưng đồng thời nếu tận dụng tốt lợi thế, đây sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam “cất cánh”. Tuy nhiên, những lo lắng không phải không tồn tại!
Doanh nhân lo thách thức nhiều hơn cơ hội
Chia sẻ tại buổi toạ đàm do Báo Điện tử Diễn đàn đầu tư tổ chức tuần qua, ông Phí Ngọc Trịnh - Phó Tổng Giám đốc CTCP May Hồ Gươm nhìn nhận, đối với ngay cả ngành dệt may vốn được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất thì TPP cũng mang lại nhiều thách thức hơn cơ hội.
"TPP đàm phán được 5 năm và nhiều doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính, nguồn vốn đã đổ vào Việt Nam mở nhà xưởng rất lớn, có nhà xưởng 10.000-20.000 lao động, gấp hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp Việt. Thực tế lợi ích mang về cho doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế", ông Trịnh nhấn mạnh.
Dưới góc độ đại diện một doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT CTCP Chăn nuôi chế biến xuất nhập khẩu Aprocimex băn khoăn: “Bên cạnh những cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà nước cũng cần phải đóng vai trò là “bà đỡ” để hỗ trợ cho doanh nghiệp”.
Theo ông Lý: “Nếu Việt Nam hội nhập sâu thì Nhà nước nhất thiết phải điều chỉnh chính sách. Bởi nếu không thì doanh nghiệp rất dễ bị tổn thương bởi vốn thì ít, xuất khẩu giá trị gia tăng cũng rất thấp. Khi anh thấy chính sách của anh đã lỗi thời, không phát triển, anh buộc phải thay đổi. Tất nhiên không thể một sớm một chiều”.
Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc công ty TNHH Luật Smic - ông Bùi Hồng Hải cho rằng, tham gia TPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội được tham gia sân chơi lớn với những đối thủ, bạn hàng mạnh từ đó chính bản thân các doanh nghiệp này sẽ tự mình nâng cao năng lực nội tại của chính bản thân.
Tuy nhiên, đứng trước những cơ hội đó, nếu các doanh nghiệp Việt không tự cải thiện để nâng cao năng lực của mình thì chính những cơ hội đó lại trở thành thách thức với doanh nghiệp Việt.
"Theo tôi, hiện nay khả năng tự vệ của các doanh nghiệp nội địa hiện tại còn rất thấp. Để nâng cao khả năng tự vệ của mình, các doanh nghiệp cần hoàn thiện cơ chế nội bộ để có thể có bộ máy nhanh chóng cập nhật và thích nghi với các quy định của pháp luật hiện hành", ông Hải nhận định.
Đừng nhắc mãi điệp khúc “năng lực cạnh tranh kém"
Trao đổi về các cơ hội mà hội nhập mang lại, nhiều chuyên gia từng cho rằng, để tận dụng còn phải xem Việt Nam đặt mình ở đâu trong xu hướng toàn cầu hoá này. Bên cạnh đó, cần lưu ý tới việc Việt Nam có động cơ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy quá trình đổi mới, cải cách hay không.
“Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là về cạnh tranh, đặc biệt là với những lĩnh vực mà vị thế cạnh tranh chưa được mạnh như chăn nuôi”, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành: “Việt Nam là anh hùng hay liều? Tôi nghĩ liều cũng thể hiện một phần anh hùng. Bởi chúng ta phải chấp nhận chọn rủi ro để phát triển hoặc không rủi ro và đứng yên tại chỗ”.
TS Thành phân tích thêm, để phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng như hiện nay, doanh nghiệp Việt phải chú trọng tới khâu sử dụng người tài, phát triển công nghệ tốt nhất. Tiếp đó, phải quan tâm tới tài chính, tiền và quản trị rủi ro cũng như hiểu biết về phát luật để bảo vệ chính mình. Ông cũng lưu ý tới việc phát triển thị trường ngách khi Việt Nam mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư trong nước.
Còn theo GS.TS Nguyễn Mại, khi đánh giá giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cần phải dựa trên thực tế của 2015 chứ không nên lúc nào cũng nhắc lại điệp khúc “năng lực cạnh tranh kém”.
“Năm 2014 Việt Nam đã vươn lên đứng đầu các nước Đông Nam Á với 29,4 tỷ USD, nằm trong top đầu các nước Đông Nam Á và có thứ hạng ở châu Á và thế giới về viễn thông. Các doanh nghiệp Viettel với chiến lược của doanh nghiệp đi sau đã đầu tư rất có hiệu quả vào 14 nước trên thế giới bằng sản phẩm có chất lượng tốt, giá rẻ; PetroVietnam nhờ liên doanh với các tập đoàn lớn trên thế giới hiện đã có đủ cán bộ có trình độ cao nắm vững công nghệ hiện đại, vươn ra nhiều nước trên thế giới”.
Theo GS Mại, các doanh nghiệp hiện nay đã quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư đổi mới công nghệ, chất lượng kiểu dáng sản phẩm. Vấn đề là cần có chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp, cần cải tiến một cách cơ bản phương thức cấp tín dụng của ngân hàng thương mại dựa trên các dự án đầu tư có hiệu quả.
"Tôi hi vọng rằng với chính sách như vậy, đến năm 2020 chúng ta sẽ có 1 triệu hoặc nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các tập đoàn lớn đủ sức vươn ra khu vực và các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các quy mô lớn gấp 2-3 lần hiện nay để cùng với các doanh nghiệp FDI để trở thành khối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế bình đẳng và cạnh tranh”, GS nói.