Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Doanh nghiệp tư nhân: Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai
- Cập nhật : 17/07/2017
Chính thức được tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn từ năm 1991, Lào Cai đã và đang vươn trở thành một trong những tỉnh thành phát triển nhất của khu vực Tây Bắc. Những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai có sự đóng góp rất lớn của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ - du lịch và đặc biệt, đó là nỗ lực của những doanh nghiệp tư nhân..
Khu đô thị Lào Cai – Cam Đường, dự án do các doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư.
Lào Cai có những bước chuyển đáng kể
Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở vị trí “đầu cầu” nối liền vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc với đồng bằng Bắc bộ, chỉ sau 26 năm tái lập tỉnh, Lào Cai đã và đang dần khẳng định vị thế trung tâm kinh tế, văn hóa toàn vùng Tây Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 14,1%/năm. Nếu như vào năm 1991, GDP bình quân đầu người tại Lào Cai chỉ khiêm tốn ở mức 680.000 đồng thì đến năm 2015 con số này đã là 39,4 triệu đồng/năm.
Mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2016-2020 là phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế-xã hội, địa bàn quan trọng về hợp tác quốc tế, giao lưu kinh tế của vùng và cả nước. Để có thể đạt được mục tiêu này, cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các doanh nghiệp tư nhân và tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn vốn là thế mạnh của Lào Cai như: khoáng sản, sản xuất hóa chất; thủy điện, nông nghiệp, xây dựng,…
Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước đã tăng một cách chóng mặt từ chỉ 19 tỷ đồng năm 1991 đến 5.500 tỷ đồng vào năm 2015. Những thành tựu xuất sắc này có đóng góp to lớn của các doanh nghiệp tư nhân Lào Cai với vai trò là những “chiến binh” của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp tư nhân tại Lào Cai đã và đang phát triển mạnh mẽ về số lượng và quy mô, chất lượng hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu. Trung bình hàng năm, hơn 3000 doanh nghiệp tư nhân cùng một lượng lớn các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã tại tỉnh Lào Cai… đóng góp ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Nam Tiến - “chiến binh” của nền kinh tế Lào Cai
Với người dân Lào Cai thì có lẽ không ai lạ gì với cái tên Nam Tiến - một doanh nghiệp tư nhân đã nổi lên như một hiện tượng của Lào Cai từ những năm 2000 đến nay.
Công ty Cổ phần Nam Tiến Lào Cai, tiền thân là Công ty Xây dựng công trình Nam Tiến, được thành lập vào ngày 17/3/1999, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản với số vốn điều lệ ban đầu vỏn vẹn là 700 triệu đồng. Đến tháng 04/2007, công ty thay đổi sang mô hình Công ty cổ phần với tên là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Nam Tiến, đến tháng 10/2010 đổi thành Công ty Cổ phần Nam Tiến Lào Cai.
Đại lộ Trần Hưng Đạo - dự án do Nam Tiến Lào Cai thi công xây dựng năm 2004.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, công ty đã được tín nhiệm, trúng thầu nhiều dự án, tham gia xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm trong và ngoài tỉnh Lào Cai như: Công trình đường đại lộ Trần Hưng Đạo, công trình kè sông Hồng, đường QL4D, QL4E, đầu tư các dự án tiểu khu đô thị số 1, tiểu khu đô thị số 3, tiểu khu đô thị số 5, khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường...
Để ổn định và phát triển doanh nghiệp mang tính bền vững, với phương châm sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, từ cuối năm 2005, Nam Tiến Lào Cai đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác. Cụ thể, Nam Tiến đã đầu tư xây dựng hoàn thành cụm nhà máy Thủy điện Ngòi Xan - Lào Cai, gồm các nhà máy: Vạn Hồ, Ngòi Xan I, Ngòi Xan II, Sùng Vui và nhà máy Trung Hồ với tổng công suất lắp máy 49,5MW.
Hiện Nam Tiến đang tiếp tục đầu tư nhà máy thủy điện Minh Lương, tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai với công suất lắp máy là 28MW, dự kiến đến đầu quý III/2017 phát điện thương mại, các dự án của công ty hàng năm đóng góp hàng trăm triệu KW điện năng hòa lưới điện quốc gia, góp phần đưa ngành công nghiệp phát triển.
Trạm biến áp nhà máy thủy điện Vạn Hồ thuộc cụm thủy điện Ngòi Xan.
Là một trong những đơn vị luôn dẫn đầu trong sự phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh trong tỉnh, có uy tín và ảnh hưởng tích cực trong khối doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, năm 2016, Nam Tiến đã nộp ngân sách 63 tỷ đồng.
Chủ trương hoạt động theo hướng phát triển kinh tế xã hội bền vững, gắn liền lợi ích doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng, vì vậy các lĩnh vực đầu tư kinh doanh của Nam Tiến đều đạt hiệu quả cao, phát triển đồng bộ và bền vững. Nam Tiến đã và đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ doanh nghiệp tư nhân lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lào Cai.
NGỌC DUNG
Theo Bizlive.vn