Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, trong năm 2015, Việt Nam chi 49,5 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp "ngợp" thông tin hội nhập như chọn buffet
- Cập nhật : 10/09/2015
(Tin kinh te)
Tình trạng quá nhiều thông tin hội nhập khiến cho doanh nghiệp “choáng ngợp” được ví như dẫn doanh nghiệp đi ăn buffet mà không biết chọn món nào ngon.
Ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế cho rằng có quá nhiều thông tin về hội nhập đang khiến cho các DN có tâm lý “sợ hội nhập”.
So sánh với thời điểm cách đây 8 năm khi Việt Nam gia nhập WTO, ông Anh cho biết việc thông tin tuyên truyền về hội nhập chỉ được Bộ Thương mại (PV-nay là Bộ Công Thương) đưa ra. Do đó, nội dung thông tin chuẩn xác và có trọng tâm trọng điểm.
Nhiều thông tin khiến DN sợ hội nhập?
Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin, bên cạnh thông tin chính thống từ Bộ Công Thương, các bộ ngành cũng đưa ra nhiều nguồn tin khác nhau về hội nhập. Đặc biệt là thông tin từ các cơ quan báo chí, cũng tiếp cận từ nhiều nguồn khác nhau.
“Thông tin về hội nhập hiện nay đang có tình trạng trăm hoa đua nở. Có nhiều thông tin đưa ra từ nhiều cơ quan ban ngành, truyền thông, với nhiều nguồn khác nhau. Thậm chí tiếp cận cả nguồn không chính thống”, ông Anh đánh giá.
Thực tế này khiến cho, DN đứng trước tình trạng “choáng ngợp” trước thông tin hội nhập. Dẫn đến, DN không biết chọn lựa thông tin nào hữu ích, thông tin nào đúng và phù hợp để chuẩn bị cho hội nhập.
Ông Anh ví von: “DN đang trong tâm thế giống như người được dẫn vào ăn buffet, có rất nhiều món mà không biết chọn lựa món nào ngon để ăn”.
Bên cạnh đó, việc tổ chức quá nhiều hội thảo, nhưng có những hội thảo hoặc là quá chi tiết, hoặc là không có trọng tâm, trọng điểm, nên không mang lại hiệu quả và lợi ích cho DN.
Đặc biệt, tình trạng đưa thông tin theo kiểu hội nhập gắn với thách thức, khó khăn cũng đang khiến cho DN sợ và e ngại với hội nhập.
“Trước tình trạng này thì chúng tôi đã tổ chức các buổi tập huấn, đưa thông tin, với sự tham gia của nhiều DN và giải thích cặn kẽ từng bước cho DN để DN đỡ sợ về vấn đề này”, ông Anh nói.
DN và Hiệp hội phải chủ động
Theo đó, trong thời gian tới Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế sẽ tăng cường hơn nữa thông tin tuyên truyền. Trong đó tập trung vào 4 điểm mới, cụ thể:
Thứ nhất là có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành, để tránh chồng chéo cho các bộ ngành.
Thứ hai, tuyên truyền có trọng tâm trọng điểm rõ ràng; có kế hoạch tổng thể từng năm, chi tiết từng quý và tháng và phân công chi tiết từng thời kỳ.
Thứ ba, có bộ tài liệu chuẩn và tổ chức nhiều loại hình thông tin chứ không riêng tổ chức hội thảo; bao gồm đăng tải thông tin trên mạng, qua website của bộ ngành, phát tài liệu in dạng tờ rơi và giải thích rõ ràng cho DN.
Thứ tư, khuyến nghị các bộ ngành và đặc biệt là Bộ Công Thương thành lập bộ phận giải thích về các cam kết hội nhập cho DN hiểu rõ hơn và nắm bắt thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, bên cạnh việc chủ động tích cực đàm phán, Bộ Công Thương cũng đang chủ động trong việc tuyên truyền và đưa thông tin về các hiệp định thương mại tự do. Bao gồm cả hiệp định chưa được ký kết, và hiệp định đã ký kết.
Theo đó, Bộ Công Thương soạn thảo các tài liệu, đưa lên website của Bộ; hoặc dưới dạng bản mềm để phát cho DN. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng khuyến nghị các DN, đặc biệt là hiệp hội cần chủ động hơn nữa trong tiếp cận, tìm kiếm thông tin từ các bộ ngành, cung cấp thông tin rõ ràng, cụ thể cho DN.