Cùng với sự bất đồng kéo dài trong nội bộ HĐQT, là sự căng thẳng trong cuộc đua nắm giữ cổ phần tại EFI. EFI vẫn chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2015. Chiếc ghế thứ 5 trong HĐQT vẫn chưa tìm ra báo hiệu cuộc chiến vương quyền sẽ còn dai dẳng tại DN này.
Bộ trưởng GTVT: Trăn trở về lời hứa chưa tròn
- Cập nhật : 03/01/2016
(Kinh te)
Trong 5 năm qua, ngành GTVT ghi được những dấu ấn đậm nét trong phát triển hệ thống giao thông như hoàn thành tuyến đường huyết mạch QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, một số tuyến cao tốc hiện đại… Nhưng dường như Bộ trưởng Bộ GTVT vẫn băn khoăn về tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam chưa thành hình. Và ông coi đó là lời hứa chưa tròn…
Khi những ngày cuối năm 2015 đang khép lại, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trả lời phóng viên Báo điện tử Chính phủ về những điều mà ngành GTVT đã làm được và còn chưa làm được trong nhiệm kỳ 5 năm (2011-2015) vừa qua.
Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: “Món nợ với người dân”
Thưa Bộ trưởng, năm 2015 đã kết thúc nhưng lời hứa làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam của ông đến nay vẫn chưa thực hiện được. Rồi hệ thống đường sắt đô thị, như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đang gặp rất nhiều vấn đề và nhân dân có phần e ngại với chất lượng dự án này… Bộ trưởng nói gì về những trường hợp này?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Như có lần đã trả lời báo chí trước đây, tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác quản lý Nhà nước, đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực GTVT trong phạm vi cả nước. Những vấn đề phóng viên đề cập nêu trên cũng không phải ngoại lệ.
Về hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, mặc dù cá nhân tôi không thể tự ý đưa ra được quyết định, nhưng tôi luôn coi đó là món nợ mình chưa trả được cho người dân.
Đối với tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, Cát Linh-Hà Đông, tiến độ hiện bị chậm khoảng 20 tháng do một số nguyên nhân như năng lực của Tổng thầu EPC, tư vấn giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu; khó khăn trong GPMB… Vì vậy, tháng 9/2014, Bộ đã điều chuyển toàn bộ các dự án đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư về Bộ GTVT, trong đó có dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Hiện nay, khối lượng thực hiện của dự án đạt 67%. Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt, Tổng thầu EPC và các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực hoàn thành cơ bản xây dựng các nhà ga và đường sắt trên cao vào tháng 3/2016.
Bên cạnh đó, vì đây là công trình trọng điểm Nhà nước nên việc kiểm soát chất lượng phải được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra và giám sát thường xuyên. Đến nay, các hạng mục đã hoàn thành thi công cơ bản đáp ứng về chất lượng theo đúng thiết kế.
Ngoài ra, công trình còn hệ thống thiết bị và đoàn tàu cũng đang được Bộ GTVT chỉ đạo tư vấn giám sát, tổng thầu và các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ.
Tháo gỡ cho nhà đầu tư để thu hút vốn BOT
Trong năm nay, nhiều công trình giao thông được đưa vào khai thác, trong đó việc thông xe toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và sắp tới là QL1 (đoạn Thanh Hóa-Cần Thơ) được coi là thành tựu lớn. Thưa Bộ trưởng, khi ngân sách còn khó khăn thì ngành GTVT làm thế nào để có vốn thực hiện các dự án này?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông luôn là vấn đề rất khó khăn. Nhiều công trình chậm triển khai, triển khai rồi phải bỏ dở, tiến độ ì ạch... là do thiếu tiền. Dù Chính phủ luôn cố gắng ở mức cao nhất nhưng mọi thứ đều có giới hạn.
Chúng ta đã tiến một bước rất xa về mặt cơ chế, để từ chỗ một công trình giao thông chỉ trông chờ vào nguồn cấp vốn là ngân sách, đến khi có thể huy động nhiều nguồn lực, chủ yếu là vốn tư nhân từ DN, cá nhân và sắp tới là nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên trên thực tế, những rào cản về tâm lý lẫn sự lạc hậu của một số chính sách khiến nhiều nhà đầu tư ngại bỏ tiền ra đầu tư vào giao thông. Trong khi đó, các yếu tố hỗ trợ như: Môi trường đầu tư chung, thủ tục cấp phép, thủ tục thẩm định năng lực, tốc độ tăng trưởng của vận tải... chưa thật tối ưu, ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn, khiến nhà đầu tư phải cân nhắc trước khi quyết định bỏ tiền đầu tư.
Xác định bản chất của vấn đề như vậy, chúng tôi tìm cách tháo gỡ từng khâu. Khâu nào trong thẩm quyền thì chủ động làm; khâu nào vượt thẩm quyền thì nhanh chóng tham mưu, trình và đề xuất các ý kiến để xin quyết định hoặc chủ trương.
Kết quả là đến thời điểm này, Bộ GTVT đã thu hút được 65 dự án do tư nhân đầu tư với số vốn khoảng 178.165 tỉ đồng (trong đó, năm 2013 huy động được 68.500 tỉ đồng/24 dự án; năm 2014 huy động được 39.000 tỉ đồng/19 dự án).
Theo tôi, để tháo gỡ về cơ chế thì cần cách tư duy đột phá, phân cấp trách nhiệm, khuyến khích những ý tưởng táo bạo, dám làm, dám chịu. Những thủ tục phiền hà, thì dù lớn hay nhỏ, đều phải bị xóa bỏ.
Tái cơ cấu DN: Không thỏa mãn với kết quả đạt được
Công tác tái cơ cấu DN của Bộ GTVT được đánh giá là tốt nhất trong các bộ ngành. Tuy nhiên, còn một số DN vẫn đang “chật vật” tái cơ cấu. Xin Bộ trưởng cho biết hướng giải quyết “điểm nghẽn” này?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Mặc dù đã đạt được những kết quả rất tích cực, nhưng chúng tôi chưa bao giờ cho phép bất kỳ cá nhân hay DN nào thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Chúng tôi luôn xác định tái cơ cấu DN là công tác thường xuyên, liên tục.
Đối với Tổng công ty Hàng hải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sau gần 3 năm thực hiện tái cơ cấu, 2 DN lớn này đã thu gọn quy mô tổ chức, thoái vốn tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính; cổ phần hóa các đơn vị thành viên; dừng các dự án không khả thi, bán, thanh lý các tài sản khai thác không hiệu quả; tích cực đàm phán với các tổ chức tín dụng, các chủ nợ để tái cơ cấu nợ… Với công tác tái cơ cấu lao động, các DN đã tập trung vào tái cơ cấu bộ máy điều hành tổng công ty, tái cơ cấu công tác quản trị, tích cực tìm kiếm thị trường.
Kết quả tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có bước chuyển tích cực về hệ thống dịch vụ hành khách, công tác quản trị từng bước công khai minh bạch, công tác xã hội hóa đã triển khai được tại một số dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng…
Còn đối với Tổng công ty Hàng hải, năm 2014 là năm đầu tiên sau tái cơ cấu, Tổng công ty đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ-Tổng công ty đã được cải thiệt rõ rệt, giảm được khoản lỗ khá lớn. Dự kiến cả năm 2015, DN này lãi 759 tỉ đồng.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, tái cơ cấu DN là nhiệm vụ rất lớn, cần có thời gian, đặc biệt là công tác tái cơ cấu tài chính phải trải qua suốt quá trình đàm phán, thỏa thuận, thống nhất với các tổ chức tín dụng trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa các bên. Công tác cơ cấu lao động, quản trị cũng gặp không ít khó khăn do trực tiếp tác động tới lợi ích của từng cá nhân, tập thể. Do vậy, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng còn rất nhiều việc chưa thể coi là thành công.
Nhưng chúng tôi tin rằng với những kết quả đạt được thì bất cứ nhiệm vụ nào, dù khó khăn đến mấy, nếu quyết tâm cao, chúng ta vẫn có thể tìm ra cách để vượt qua.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!