Sau vụ tiệm vàng Ngọc Phát tại Đồng Nai vừa bị nhóm người Trung Quốc lừa bán lô vàng cám giả 58 kg với giá 10 tỷ đồng, nhiều tiệm vàng đang cảm thấy rất lo lắng.
[Hồ sơ đại án Phạm Công Danh]: Cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Phạm Công Danh
- Cập nhật : 08/09/2016
(Phap luat)
Phạm Công Danh đang đối diện mức án tù cao nhất lên đến 30 năm theo đề nghị của Viện kiểm sát.
Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã qua hơn 40 ngày xét xử và đang trong thời gian nghị án. Bản án sơ thẩm cho các bị cáo sẽ được Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đưa ra vào ngày 9/9 tới đây.
Đại án 9.000 tỷ còn được gọi là đại án Phạm Công Danh bởi Phạm Công Danh là “nhạc trưởng” chỉ đạo các nhân viên dưới quyền làm sai trái dẫn đến thất thoát tài sản của VNCB và làm cho ngân hàng thua lỗ nặng nề.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, Phạm Công Danh đã vi phạm hai hành vi là cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng và cho vay sai quy định.
Cụ thể, cáo trạng của VKS nêu rõ, Phạm Công Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống corebanking gây thiệt hại cho VNCB 63,276 tỷ đồng; chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, Q.10, TPHCM gây thiệt hại 581,6 tỷ đồng; chỉ đạo rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý, không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích tại VNCB trên các ủy nhiệm chi và rút 300 tỷ tại VNCB không có hồ sơ vay (liên quan 6 sổ tiết kiệm của 3 cá nhân nhóm bà Bích); chỉ đạo việc phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng. Tổng thiệt hại của hành vi này là hơn 7.037 tỷ đồng.
Ở hành vi cho vay sai quy định, Phạm Công Danh với vai trò là chủ tịch HĐQT VNCB đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo các đồng phạm sử dụng pháp nhân của 14 công ty để xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp Hội đồng quản trị không có thật; sử dụng các lô đất thực chất là đất của Tập đoàn Thiên Thanh, chỉ đạo định giá nâng giá trị các lô đất thuộc SVĐ Chi Lăng và 209 Trường Chinh ở Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo; chỉ đạo sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh; chỉ đạo chuyển khoản hoặc rút tiền mặt bằng các hồ sơ vay VNCB tổng cộng 4.700 tỷ đồng, sau khi trừ đi tài sản đảm bảo thì gây thiệt hại cho VNCB 2.096 tỷ đồng.
Tổng cộng, Phạm Công Danh phải có trách nhiệm với khoản tiền 9.133 tỷ đồng.
Tại phiên luận tội của Viện kiểm sát ngày 16/8, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù tội cố ý làm trái quy định, 20 năm tù vi phạm cho vay của các tổ chức tín dụng, tổng cộng hình phạt của 2 tội là 30 năm tù.
Tại các phiên xét hỏi, bào chữa và tranh tụng, trả lời trước tòa, Phạm Công Danh khi thì viện lý do sức khỏe yếu để không nhớ, không trả lời, khi thì xin trình bày nguồn cơn khiến bị cáo rơi vào cảnh này, lúc lại xin lỗi khách hàng, nhân viên vì bị cáo mà liên lụy.
Với các hành vi cố ý làm trái, Danh khai rằng vì ngân hàng khi ấy quá khó khăn, thanh khoản cạn kiệt nên bị cáo phải trả lãi ngoài để huy động vốn cứu ngân hàng. Có thời điểm bị cáo phải trả lãi ngoài 3-4%/tháng và riêng số tiền vay của nhóm bà Trần Ngọc Bích đã trả lãi ngoài tổng cộng tới 2.700 tỷ đồng.
Nhưng nguồn cơn gây nên tội lỗi, Danh cho rằng vì đã vay tiền của ngân hàng và nhóm bà Bích để trả 3.600 tỷ đồng cho bà Hứa Thị Phấn nhưng không lấy được tài sản ra để bán như dự tính ban đầu trước khi vào ngân hàng, nên bị cáo cứ phải lấy khoản vay sau trả cho khoản vay trước. Bị cáo cũng cho rằng tình hình khó khăn còn phải có trách nhiệm của lãnh đạo ngân hàng cũ vì nợ xấu là do nhóm đó gây nên.
Riêng đối với phần làm khống hồ sơ thuê trụ sở, bị cáo cho rằng đó là hồ sơ thật chứ không phải khống.
Với khoản tiền của nhóm bà Trần Ngọc Bích, Phạm Công Danh khai rằng không làm việc với bà Bích mà làm việc với ông Trần Quý Thanh và việc vay mượn là của ông với nhóm đó chứ không liên quan tới ngân hàng VNCB. Phạm Công Danh một mực cho rằng bị cáo không chỉ đạo nhân viên cho nợ chứng từ đối với nhóm bà Bích.
Về hành vi cho vay sai quy định, Phạm Công Danh khai rằng bị cáo có thể khắc phục được 100% và xin tòa cho cơ hội khắc phục. Bị cáo cho rằng nếu sử dụng phương pháp định giá 1.260 tỷ hoặc 2.600 tỷ đồng mà cơ quan điều tra cho rằng có lợi nhất cho bị cáo là không phù hợp, bị cáo có thể tìm người bán được giá cao hơn nhiều để đảm bảo khắc phục hậu quả hoàn toàn.
Sau khi nghe xét xử và bào chữa cùng những tranh luận của bị cáo và các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh, Viện kiểm sát đồng tình về áp lực của ngân hàng giai đoạn đó nhưng không chấp nhận vì áp lực đó mà bị cáo làm bừa, làm ẩu việc nâng cấp khống Corebanking, ủy thác đầu tư, thuê mặt bằng, vay khống tiền của ngân hàng… gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho ngân hàng.
Liên quan đến các khoản tiền có khả năng thu hồi vì phạm tội mà có, VKS cho rằng việc đó không đồng nghĩa với việc bị cáo đã khắc phục hậu quả, mà chỉ là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo mà thôi. Do đó, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố của Danh về 2 tội trong cáo trạng nhưng đề nghị HĐXX cân nhắc xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông Danh so với mức án đề nghị vì trong quá trinh lấy lời khai và xét hỏi Danh đều thành thật khai báo.
Được nói lời sau cùng trước khi tuyên án, bị cáo Phạm Công Danh xin lỗi các nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh vì bị liên lụy và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ tội nhất có thể cho các bị cáo đó. Bị cáo cũng xin Tòa giúp thu hồi khoản tiền 3.600 tỷ đồng đã trả cho bà Phấn, 2.700 tỷ đồng lãi ngoài trả cho nhóm Trần Ngọc Bích để góp phần khắc phục hậu quả.