Câu chuyện nhiều “đại gia” VN bị khởi tố, xét xử, dưới cái nhìn của các doanh nhân người nước ngoài,là do lối làm ăn chỉ thấy lợi trước mắt của nền kinh tế mới nổi và do luật pháp không nghiêm.
Những mánh khóe trộm cắp dữ liệu thẻ ATM
- Cập nhật : 09/08/2017
Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, một số đối tượng người Trung Quốc lén cài đặt thiết bị trộm cắp thông tin của khách hàng tại các cây ATM để hành nghề trộm cắp.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng Việt Nam đã liên tiếp bắt giữ những nhóm đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thông qua hình thức du lịch. Thực chất, những nhóm đối tượng này đến Việt Nam để “hành nghề” trộm cắp. Nhiều cây ATM đặt ở các ngân hàng hay các địa điểm công cộng được các đối tượng sử dụng những thiết bị công nghệ cao để trộm cắp thông tin tài khoản cá nhân của khách hàng nhằm chiếm đoạt tiền.
“Phù thủy” xâm hại cây ATMĐầu tháng 7-2017, qua công tác trinh sát, nắm tình hình địa bàn, Phòng An ninh Tài chính, tiền tệ, đầu tư CATP Hà Nội phát hiện một nhóm đối tượng người Trung Quốc có dấu hiệu lén cài đặt thiết bị trộm cắp thông tin tài khoản của khách hàng nhằm mục đích làm giả thẻ ATM để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, ngày 13-7, tại một số máy ATM của một ngân hàng Trung Quốc có chi nhánh tại Việt Nam xuất hiện nhóm đối tượng gắn máy quay siêu nhỏ và dây ghi hình kèm theo thẻ nhớ. Nhận được thông tin, Phòng An ninh Tài chính, tiền tệ, đầu tư đã tham mưu, hướng dẫn lãnh đạo, nhân viên ngân hàng tăng cường kiểm tra, lắp đặt thêm hệ thống camera để theo dõi, giám sát ghi hình và bố trí lực lượng bảo vệ tại khu vực cây ATM.
Sau gần 2 tuần mật phục, sáng 27-7, tại cây ATM nói trên, lực lượng chức năng phát hiện 2 đối tượng trong nhóm trên tiếp tục quay trở lại cây ATM. Các trinh sát đã bí mật theo dõi và phát hiện nhóm đối tượng này đang tạm trú tại 2 khách sạn trên địa bàn phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội…
Khoảng 18h30 cùng ngày, khi 2 nam thanh niên đến lấy thiết bị, các lực lượng đã ập vào bắt quả tang. Kiểm tra tại nơi cư trú của đối tượng, cơ quan chức năng đã thu giữ 248 phôi thẻ, trong đó có 245 thẻ chưa có dữ liệu và 3 thẻ đã có dữ liệu, thiết bị ghi thông tin vào thẻ, máy quay, ghi âm, máy ghi dữ liệu để in thông tin lên phôi thẻ, 2 máy tính xách tay, nhiều con chíp, thẻ nhớ, phụ kiện để gắn vào bàn phím ATM, pin, máy hàn, băng keo...
Cơ quan chức năng đã làm rõ nhóm đối tượng liên quan trong vụ việc gồm: Shao Hai Meng (SN 1988) trú tại TP Lâm Tấn, tỉnh Sơn Đông; Qu Guo Hui (SN 1979) trú tại TP Chu Hải, tỉnh Quảng Đông; Lu Jin Ghe (SN 1979) trú tại huyện Linh Vân, tỉnh Giang Tây; Li Chun Gui (SN 1975) trú tại TP Côn Minh, Trung Quốc.Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, từ ngày 24-7, nhóm Shao Hai Meng nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn. Sau đó, các đối tượng đã đến các cây ATM trên địa bàn TP Hà Nội gắn các thiết bị điện tử để đánh cắp thông tin tài khoản của khách hàng nhằm mục đích chiếm đoạt tiền. Một số thiết bị được đặt tại các cây ATM trước đó (ngày 13-7) là do một nhóm đối tượng khác thực hiện...
Lật tẩy thủ đoạn phạm tội
Trung tá Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng An ninh Tài chính, tiền tệ, đầu tư cho biết, trong thời gian qua, tình trạng người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc lén cài đặt thiết bị vào các máy ATM tại Việt Nam để ghi dữ liệu, từ đó làm giả thẻ ATM và rút trộm tiền của khách hàng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, gây tâm lý lo sợ cho khách hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, an toàn của các tổ chức tín dụng. Đối tượng hoạt động phạm tội mang tính chất ổ nhóm với phương thức, thủ đoạn tinh vi và có sự phân công công việc chặt chẽ.
“Hình thức đánh cắp thông tin tài khoản chủ thẻ ATM mà bọn tội phạm thực hiện không mới, nhưng đang có xu hướng rộ trở lại. Hầu hết những trường hợp bị đánh cắp thông tin thẻ ATM trong nước đều là những thẻ được làm bằng công nghệ băng từ (thẻ từ). Hiện nay, hầu như các ngân hàng vẫn đang phát hành thẻ ATM sử dụng công nghệ băng từ, là loại thẻ bảo đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu không cao và rất dễ bị sao chép. Trường hợp các khách hàng đi rút tiền tại các máy ATM thì cần quan sát có thiết bị nào lạ hay không. Nếu phát hiện hay có nghi vấn thì không nên giao dịch để tránh những rủi ro mất thông tin, mất tiền, và thông báo ngay cho cơ quan chức năng”, Trung tá Nguyễn Thành Long khuyến cáo.
Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội, hoạt động sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tiền tại các cây ATM khá tinh vi. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn gắn thiết bị sao chép dữ liệu có màu sắc giống màu thân máy ATM ngay trước khe đọc thẻ, khi chủ thẻ đưa thẻ vào để giao dịch, thiết bị này sẽ sao chép thông tin thẻ tín dụng của khách. Đồng thời, trên nóc cabin điểm thẻ ATM có gắn camera bí mật ghi lại số mật khẩu của thẻ. Khi có được các thông tin này, tội phạm sẽ sử dụng thiết bị và phần mềm chuyên dùng để làm giả thẻ, rút trộm tiền.
Thiếu tá Nguyễn Đức Tuấn, Đội trưởng Đội An ninh ngân hàng và chống tội phạm tiền giả, Phòng An ninh Tài chính tiền tệ, đầu tư cho biết, để hạn chế điều này, một số ngân hàng của Việt Nam cũng đã phát hành thẻ ghi nợ sử dụng công nghệ nhận diện dấu vân tay. Tuy nhiên, việc nâng cấp công nghệ của các ngân hàng không đồng bộ do chi phí đầu tư của các ngân hàng khác nhau.
(Theo ANTĐ)