Các ràng buộc của luật về tội cho vay lãi nặng hiện hành làm cơ quan tố tụng bó tay trong việc xử lý hình sự các chủ tín dụng đen nhưng từ ngày 1-7 tới, luật đã “cởi trói”.
Kiếm lợi khủng từ những vụ mua bán, "hoá phép" đất lúa thành đất ở
- Cập nhật : 15/11/2015
(Bat dong san)
Đất lúa đang ngày càng được Nhà nước bảo vệ chặt chẽ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vậy nhưng, tại làng Brel (xã Ia Dêr, Ia Grai, Gia Lai) lại đang có những vụ việc mua bán, “hóa phép” kiếm lời hàng chục tỷ đồng trên những mảnh ruộng.
Những vụ làm ăn siêu lợi nhuận
Những vụ làm ăn siêu lợi nhuận này diễn ra tại khu vực cánh đồng lúa của làng Brel (xã Ia Dêr, Ia Grai, Gia Lai), nơi giáp danh với tổ 3 (phường Thống Nhất, TP Pleiku).
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều bà con dân tộc thiểu số ở xã Ia Der, một số người đã mua đất trồng lúa của nhiều người dân với giá vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/sào; sau đó phân lô bán với giá thấp nhất là 100 triệu đồng/100m2.
Điều đáng nói, việc làm này là trái với quy định của luật pháp, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia đã được Chính phủ quy định rõ ràng trong Nghị định 42/2012/NĐ-CP và một số quy định khác. Tuy nhiên đến nay không có một biện pháp ngăn chặn nào của chính quyền địa phương, nên sự việc vẫn cứ tiếp diễn ngày càng rầm rộ....
Anh Puih Mliu (SN 974, trú làng Brel) cho biết, trước đây anh có 1 sào lúa ở khu vực giáp danh với tổ 3, phường Thống Nhất. Khoảng 7 năm trước, gia đình anh được người đàn ông gọi là N. (trú phường Thống Nhất) tới hỏi mua với giá 45 triệu đồng đổi kèm 3 sào đất lúa khác cũng nằm trên cánh đồng này nhưng gần nhà anh Mliu. Thấy quá “lời” nên anh Mliu đã đồng ý cuộc trao đổi trên.
Tuy nhiên, khi biết ông N. san đắp đất, “xẻ” miếng ruộng thành từng lô chừng 100m2/lô, bán với giá thấp nhất là 100 triệu đồng/lô. 1 sào đất rộng 1000m2, ông N. bán ít nhất cũng được cả tỷ bạc, anh Mliu mới ngẩn người tiếc.
Cũng có hơn 2 sào đất ở vị trí trên, cách đây khoảng 5 năm, ông Bút (trú làng Jut 1, Ia Dêr) đã bán cho ông Ngọc với số tiền 250 triệu đồng. Ông Bút cho biết, sau khi bán hơn 2 sào đất trên, ông đã dùng tiền để xây nhà và mua một số thứ khác. Hiện gia đình ông không còn ruộng để trồng lúa: “Người ta đổ đất, xây nhà ở rồi cứ vứt rác và đi vệ sinh ra ruộng nhà mình, bẩn quá nên mình không muốn làm nữa mà bán lấy tiền”, ông Bút cho biết.
Nhà có 6 đứa con, nhưng bà Puih H’Mel (làng Jut 1) chỉ còn hơn 2 sào đất lúa ở khu vực giáp danh trên. Chừng ấy đất chia cho 6 người con để trồng lúa thì quá ít, trong khi có người hỏi mua với giá cao, nên bà H’Mel đã bán cho ông N. với số tiền 800 triệu đồng. Số tiền này bà H’Mel đã chia cho 6 đứa con để đi mua ruộng chỗ khác trồng lúa.
Anh Siu Hrin- Trưởng thôn Brel cho biết, trước kia, khu vực trên vẫn thuộc cánh đồng lúa của làng, người dân vẫn làm lúa 2 vụ bình thường. Khoảng 7, 8 năm nay, nhiều gia đình có ruộng ở khu vực giáp ranh với thành phố đã bán cho một số người đàn ông tên Ngọc, Chung… với giá vài chục triệu đến vài trăm triệu/sào. Từ khi mua đất lúa của người dân trong xã, những người trên đã múc đất ở khu vực giáp làng chở ra những đám ruộng đã mua để san lấp. Sau khi san đất xong, họ phân thành từng lô chừng 100m2/lô, rồi bán với giá rẻ nhất là 100 triệu đồng/lô (tùy từng vị trí). Một ha đất lúa, họ bán cả chục tỷ đồng.
Tình trạng này cứ xảy ra liên tục trong những năm qua, khiến diện tích trồng lúa của người dân càng bị thu hẹp. Không chỉ vậy, việc biến đất lúa thành đất ở của những “nhà đầu cơ” trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sản xuất lúa của người dân. “Trước đây toàn bộ khu vực trên là đất trồng lúa, người dân trồng 2 vụ lúa, nhưng giờ vụ đông xuân không trồng được vì thiếu nước. Họ đổ đất xây nhà làm cho mương dẫn nước vào ruộng khó, mùa mưa thì nước thoát không kịp nên mương nước bị sạt lở mạnh, còn mùa khô thì không có nước nên giờ vụ đông xuân không thể trồng lúa được”, ông Hrin bức xúc.
Ông Hrin cho biết thêm, việc biến khu ruộng trên thành khu dân cư còn làm ảnh hưởng đến đường đi vào ruộng của bà con: “Người dân mình không biết, cứ thấy tiền là bán. Có người bán hết ruộng để xây nhà, mua xe… khi hết tiền chắc phải đi nhặt ve chai mà sống quá. Họp tiếp xúc cử tri ở xã mình đã nói rất nhiều nhưng không thấy ai trả lời gì. Vì khi họ xây hết nhà thì dân mình không còn đường đưa máy móc vào ruộng được nữa, cũng không còn đường để vận chuyển lúa nên buộc họ phải bán lần lần. Khi người dân bán đất thì không cần thông qua Trưởng thôn, nhưng khi khiếu kiện thì cứ bắt mình đi lên đi xuống”.
Vô tư “biến hóa”
Theo người dân, khu vực đất trên là đất ruộng và vẫn được họ trồng lúa 2 vụ/năm. Vậy nhưng, bất chấp những quy định của Nhà nước về việc cấm chuyển đổi đất lúa thành mục đích sử dụng khác (trừ một số trường hợp đặc biệt), và khuyến khích, hỗ trợ cho người dân khai hoang, mở rộng diện tích đất trồng lúa, thì một số “nhà đầu cơ” trên lại “biến” đất lúa thành đất trồng cây hàng năm, rồi phân lô bán kiếm lời trước sự “thờ ơ” của chính quyền địa phương.
Không chỉ vậy, những lô đất trên sau khi được bán, hàng chục hộ dân đã xây nhà ở thành công mà không cần chuyển mục đích sử dụng, không cần giấy phép xây dựng: “Đất nhà mình là đất trồng cây hàng năm, mình xây không có giấy tờ gì hết, trước đây cứ lo người ta tới dỡ nhà nhưng giờ thì ở đây gần cả trăm ngôi nhà xây lên rồi. Cả khu đất trống này đã có người mua hết rồi, lô rẻ nhất là 100 triệu”, một người dân cho biết.
Trong vai người đi tìm mua đất để ở, PV liên hệ với một chủ lô đất có chiều ngang 5m, và dài gần 30m. Chủ lô đất này hô giá 45 triệu đồng/m ngang, anh ta khẳng định đất nhà mình là đất lúa, giờ không cần nữa nên bán lại.
Trước tình trạng trên, bà Bùi Thị Nguyên Sáng - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Ia Grai cho biết, việc tách bìa, mua bán đất trên của một số người dân đã đầy đủ giấy tờ, hồ sơ nên đủ điều kiện để sang nhượng, tách bìa.
Việc những ruộng lúa được “biến” thành đất trồng cây hàng năm trên giấy tờ, và múc đất ở khu vực gần đó đổ lên đất ruộng làm thay đổi hiện trạng đất, thuộc trách nhiệm của Phòng TN&MT huyện Ia Grai, nhưng khi chúng tôi liên hệ với ông Chu Sỹ Mởn - Trưởng phòng thì ông Mởn từ chối làm việc.
Anh Đặng Lương Minh Điệp - cán bộ Địa chính xã Ia Dêr xác nhận, trước đây khu vực trên là đất trồng lúa, đất của nhà bà H’Mel bán cho ông Ngọc là đất lúa nhưng không hiểu sao trên giấy tờ được “biến” thành đất trồng cây hàng năm (?). Và hiện tại, ở khu vực đất mà ông Sáu Ngọc và ông Chung đang phân lô bán trên có 3 lô vẫn còn là đất trồng lúa.
Anh Điệp cho biết, việc xây nhà của người dân trên tại khu vực trên là trái phép, chưa có hộ nào có đất ở và giấy phép xây dựng, xã đã xử phạt nhiều trường hợp. Tuy nhiên, trước việc có nhiều người dân đã và đang xây nhà trái phép ở khu vực trên thì xã đã yêu cầu họ làm hồ sơ, để chuyển đất trồng cây hàng năm thành đất ở. Và có đến 70% số hồ sơ đang được chuyển đổi sắp thành công.
Cũng theo anh Điệp, khu vực “biến” đất lúa thành những vụ làm ăn siêu lợi nhuận trên kéo tới khu vực trồng rau của các hộ dân gần đó có diện tích hơn 18ha.
Được biết, khi muốn chuyển mục đích đất lúa thành đất khác, chuyển đất trồng cây hàng năm sang sử dụng mục đích khác đã được Nhà nước cấm trong các Nghị định đã ban hành rất rõ ràng (trừ trường hợp đặc biệt) nhằm đảm bảo về an ninh lương thực quốc gia. Và khi chuyển mục đích sử dụng, khi chuyển thành khu dân cư phải có Quyết định cho phép của UBND tỉnh. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về những Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai về những sự vụ trên thì anh Điệp nói không có.