Thời gian gần đây, các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng việc sử dụng sổ đỏ giả đang ngày càng phức tạp.
Các dự án tai tiếng của ông chủ Mường Thanh
- Cập nhật : 06/07/2017
Bên cạnh các sự cố về phòng cháy chữa cháy, hàng loạt dự án của Tập đoàn Mường Thanh từng vi phạm xây vượt tầng hoặc không phép.
Giám đốc Công an Hà Nội vừa cho biết cơ quan điều tra đang chờ ý kiến của Bộ Công an để khởi tố sai phạm tại Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh), do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch. Nguyên nhân là 12 dự án mà doanh nghiệp đã triển khai trên địa bàn thủ đô đều có dấu hiệu trốn thuế, dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý nhà ở.
Trước đó, lãnh đạo thành phố từng nhiều lần ký văn bản gửi thanh tra, công an thành phố và các đơn vị liên quan về việc thanh tra toàn diện các dự án do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư hoặc hợp tác đầu tư kinh doanh trên địa bàn Hà Nội.Tên tuổi của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên gắn với các dự án nhà giá rẻ khi năm 2012 mở bán chung cư Đại Thanh với mức chỉ 10 triệu đồng một m2. Chủ doanh nghiệp là ông Lê Thanh Thản, người sở hữu Tập đoàn Mường Thanh, chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Sau đó, doanh nghiệp này triển khai một loạt các dự án khác với mức giá gốc chỉ trên dưới 15 triệu đồng và được gắn với "thương hiệu" nhà giá rẻ. Song trên thực tế, để mua một căn hộ, khách hàng thường phải chịu thêm giá chênh từ 2 đến 5 triệu đồng mỗi m2, tùy từng căn.
Tuy nhiên, những dự án do đơn vị này làm chủ đầu tư cũng từng xảy ra hàng loạt sự cố và nằm trong danh sách thanh tra. Một trong những sự cố nghiêm trọng nhất của chủ đầu tư này là vụ cháy tại tòa nhà CT4A khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) diễn ra hồi cuối năm 2015. Đám cháy bốc lên từ phía tầng hầm của toà nhà CT4A sau đó lan rộng theo đường dây điện, hộp kỹ thuật lên các tầng cao. Ít nhất 3 người bị ngạt khói được đưa đi cấp cứu, 3 lính cứu hỏa bị kiệt sức và ngất xỉu sau khi cứu hộ các nạn nhân, cùng với đó là hàng chục chiếc xe máy bị hỏng hoàn toàn, 375 xe máy khác bị cháy một phần và nhiều thiệt hại khác về tài sản.
Tòa nhà CT4A là một trong 3 tòa nhà nằm trong Khu đô thị Xa La cao 34 tầng, có 2 tầng hầm với tổng diện tích khoảng 4.600 m2. Đây là một trong khu tổ hợp chung cư được chủ đầu tư đưa vào hoạt động sớm nhất, khoảng 6 năm nay. Tuy nhiên, vụ cháy tại tầng hầm tòa nhà CT4A không phải là sự cố lần đầu với các dự án của đơn vị này. Trước đó, chung cư HH4A Linh Đàm và CT5 Xa La cũng báo cháy khu kỹ thuật các tầng. Từ năm 2013, 2014, cũng tại Xa La, tòa CT5 và CT6 đã xảy ra cháy, nổ trạm biến áp. Và gần đây, những sự cố tương tự cũng từng xảy ra tại Tổ hợp dự án nhà thương mại HH (Linh Đàm).
Về sự cố cháy khi đó tại CT4 Xa La, lãnh đạo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết, chủ đầu tư phớt lờ nhiều yêu cầu phòng cháy mặc dù dự án đã được đưa vào hoạt động từ nhiều năm. Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy từng ra quyết định xử phạt đối với chủ đầu tư do để xảy ra bốn lỗi ở khu tòa nhà này gồm: đưa nhà và công trình vào hoạt động khi chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy; không tổ chức thực hiện kiến nghị của cơ quan phòng cháy chữa cháy; thi công lắp đặt không đúng thiết kế về phòng cháy đã được duyệt; không trình hồ sơ thẩm định lại về phòng cháy chữa cháy khi thay đổi giấy phép xây dựng (bỏ khu vực trung tâm thương mại chuyển thành căn hộ để bán).
Sau khi xảy ra vụ cháy khi đó, một loạt dự án của đơn vị này làm chủ đầu tư bị thanh tra. Trong đó, tại dự án Khu đô thị mới Đại Thanh - Cầu Tó, phường Thanh Liệt, quận Thanh Trì, khi lực lượng phòng cháy chữa cháy đi kiểm tra, phần tầng hầm, góc máy bơm nước chưa xây tường ngăn lửa theo quy định.
Đại diện chủ đầu tư lúc đó cũng giải thích, đơn vị này đang trong quá trình bổ sung, khắc phục yêu cầu của cơ quan phòng cháy tại các dự án. Tuy nhiên, trong danh sách các dự án vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội vừa được công bố cách đây vài ngày vẫn bao gồm cả 13 dự án của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên. Một trong những lỗi vi phạm phổ biến khác của chủ đầu tư này là tình trạng xây vượt tầng, không phép. Thanh tra từng kết luận các dự án như Đại Thanh, VP5 Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ... xây vượt từ 2 đến 3 tầng so với quy định. Tình trạng xây vượt tầng khiến ở các dự án này số lượng cư dân sinh sống thực tế cao hơn nhiều so với phê duyệt. Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, có tổ hợp 4 tòa nhà cao từ 39 đến 45 tầng, mỗi tầng 24 căn hộ. Theo quyết định từ năm 2014, khu vực này gồm các tòa nhà thấp tầng, tổng dân số trên 10.500. Trên thực tế riêng tổ hợp chung cư của Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu đã có tới hơn 11.000 người đang sinh sống dẫn tới quá tải về hạ tầng tiện ích, nơi đỗ xe...
Rất nhiều dự án của Tập đoàn Mường Thanh tại Hà Nội đều xây dựng vượt tầng so với phê duyệt. Ảnh: Bá Đô
Tại tổ hợp dự án nhà thương mại giá rẻ mang tên HH của chủ đầu tư này tại khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) gồm 12 tòa nhà cao từ 36 đến 41 tầng cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đây cũng là khu tổ hợp nhà giá rẻ lớn nhất của chủ đầu tư này, cho đến hiện tại. Tổ hợp tòa nhà cũng cao vượt trội so với các khu căn hộ quanh khu vực của các chủ đầu tư khác từ 10 đến 20 tầng. Lãnh đạo thành phố Hà Nội từng cho biết, dự án vi phạm nghiêm trọng với lỗi xây dựng không phép, xây dựng quá chiều cao quy định, xây cả vào khu không được phép xây như các vị trí quy hoạch dải cây xanh, không đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy.
Hạ tầng không đảm bảo chất lượng, trong khi số lượng cư dân sinh sống lớn khiến nhiều tiện ích của các dự án này bị quá tải. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào các mùa hè xảy ra phổ biến tại chung cư Đại Thanh, VP3 Linh Đàm... nhiều năm nay khiến cư dân hơn một lần căng băng rôn để gây sức ép với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế, tình trạng xây vượt tầng không chỉ xảy ra ở các dự án nhà ở, mà một loạt công trình khách sạn của Tập đoàn Mường Thanh tại nhiều tỉnh, thành khác như tại Khánh Hòa, Buôn Mê Thuột, Thanh Hóa, Quảng Ninh... cũng tương tự khiến các địa phương nhiều lần xử phạt hoặc đình chỉ thi công.
Một trong những dự án mới nhất tại Hà Nội đang được Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên triển khai là Thanh Hà Cienco 5 (Hà Đông) sau khi mua lại của Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land). Thương vụ này cũng vướng phải những lùm xùm khi một số lãnh đạo Cienco 5 cho rằng có dấu hiệu để mất vốn nhà nước và đề nghị dừng chuyển nhượng. Hoạt động bán hàng của chủ đầu tư này sau đó cũng từng bị "tuýt còi" khi cơ quan công an có văn bản yêu cầu dừng hoạt động huy động vốn do có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trả lời VnExpress về thông tin cơ quan công an đang tiến hành xem xét khởi tố sai phạm tại Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên, một lãnh đạo Tập đoàn Mường Thanh cho biết chưa thể phát biểu gì vào lúc này.
Ngọc Tuyên
Theo Vnexpress