tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-05-2018

  • Cập nhật : 12/05/2018

Walmart chi 16 tỷ USD thâu tóm startup thương mại điện tử lớn nhất Ấn Độ

Ngày 9/5, hãng bán lẻ Walmart công bố sẽ trả khoảng 16 tỷ USD để thâu tóm gần 77% cổ phần của Flipkart - hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Ấn Độ, hãng tin CNN cho biết.

"Ấn Độ là thị trường ưu tiên đối với chúng tôi", Giám đốc điều hành (CEO) Doug McMillon của Walmart cho biết. "Chúng tôi sẽ đang hành động để định vị vị trí của công ty trong tương lai tại thị trường này".

Thương vụ này được tuyên bố vài tuần sau khi Walmart bán hết cổ phần tại chuỗi siêu thị Asda tại Anh.

Theo Paula Rosenblum - đối tác quản lý tại Retail Systems Research, việc rút khỏi thị trường bán lẻ đã bão hòa của Anh và dồn nguồn lực tới Ấn Độ cho thấy Walmart đang có cách tiếp cận khôn ngoan hơn so với chiến lược "nông nổi" đã áp dụng khi tấn công thị trường Trung Quốc trước đây.

"Walmart nhận thấy cuộc chiến kéo dài tại thị trường châu Âu", Matt Sargent - chuyên gia bán lẻ tại hãng tư vấn Magid nói và nhận định rằng việc Walmart nhắm tới Ấn Độ cho thấy "mong muốn tiếp tục tập trung vào phân khúc có tăng trưởng cao hơn".

CEO McMillon cũng cho biết Walmart sẽ ưu tiên các khoản đầu tư có thể giúp tạo ra doanh số và lợi nhuận mới. Tại Mỹ, điều này đồng nghĩa với chuyển sang chiến thuật thu hút những khách hàng thu nhập cao mua sắm trực tuyến, mở rộng phân khúc khách hàng thu nhập thấp tại các khu vực ngoại ô và nông thôn.

Tháng 6 năm ngoái, Walmart đã thâu tóm một số thương hiệu bán lẻ trực tuyến Bonobos, hợp tác với các startup giao thực phẩm và xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại điện tử với Jet.com.

Tuy nhiên, trên thị trường bán lẻ trực tuyến Mỹ, Walmart phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ Amazon và đang tìm kiếm các cơ hội ở nước ngoài.

Walmart bắt đầu mở rộng ở nước ngoài từ năm 1991, thành lập một công ty liên doanh ở Mexico. Đây hiện cũng là thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng bán lẻ này với hơn 2.300 cửa hàng.

Hiện tại, Walmart vận hành hơn 6.300 cửa hàng tại 27 quốc gia, bao gồm ở châu Phi, Mỹ Latin, Trung Mỹ, châu Á và Canada. Khoảng 25% trong doanh thu 500 tỷ USD năm ngoái của hãng này đến từ các thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, trong 5 năm qua, doanh thu quốc tế của Walmart đã giảm 12%. Đầu năm nay, hãng này đã phải tuyển một CEO mới về điều hành kinh doanh ở nước ngoài.

Trước đó, Walmart từng cố gắng tấn công thị trường Đức và Hàn Quốc nhưng rời cả hai nước này khoảng 10 năm trước. Theo Wall Street Journal, hãng này đang cân nhắc việc rút khỏi Brazil sau khi phải đóng hàng chục cửa hàng trong vài năm gần đây.

Kể từ khi thâu tóm cổ phần chuỗi siêu thị Asda ở Anh năm 1999, Walmart đã phải vật lộn cạnh tranh với các đối thủ nội địa. Và giờ đây, công ty này tìm cách đón đầu xu hướng tại Ấn Độ - nơi cũng phải cạnh tranh với Amazon.

"Mọi người đều đang hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành 'Trung Quốc tiếp theo'", Scott Galloway - giáo sư trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, cho biết.

Cả Walmart và Amazon đều đang cạnh tranh giành thị phần trực tuyến tại Ấn Độ - thị trường mà Walmart nhận định đang tăng trưởng nhanh gấp 4 lần bán lẻ truyền thống.

Theo Morgan Stanley, doanh thu trực tuyến tại Ấn Độ có thể đạt 200 tỷ USD vào năm 2026. CEO của Amazon Jeff Bezos cũng nhận định Ấn Độ là thị trường có tiềm năng rất lớn và tuyên bố sẽ đầu tư 5 tỷ USD vào đây. Hiện Amazon đã là hãng bán lẻ trực tuyến lớn thứ 2 tại Ấn Độ với khoảng 30% thị phần, theo ước tính của Morgan Stanley.

Về phía Walmart, công ty này đang áp dụng chiến lược liên doanh tại thị trường Ấn Độ. "Flipkart là hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Ấn Độ. Việc hợp tác với công ty này giúp Walmart lập tức có được vị thế để bắt kịp với Amazon tại đây".

Tại Ấn Độ, Walmart có "cơ hội làm điều họ vẫn luôn rất giỏi, đó là bán hàng hóa với mức giá hợp lý tới thị trường đại chúng", Paula Rosenblum - đối tác quản lý tại Retail Systems Research nói.

Sau khi tuyên bố thâu tóm cổ phần Flipkart ngày 9/5, cổ phiếu Walmart sụt khoảng 4% khi các nhà đầu tư lo ngại rằng thương vụ "khủng" này có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của công ty.(VNeconomy)
-------------------------------

Mời Tập đoàn viễn thông Thụy Điển tham gia cổ phần hóa MobiFone

Đó là đề nghị của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi tiếp ông Zaman, chủ tịch Tập đoàn viễn thông Comvik Việt Nam, chiều 11-5.

Mời Tập đoàn viễn thông Thụy Điển tham gia cổ phần hóa MobiFone - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (giữa, phải) tại buổi tiếp Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg (giữa, trái) cùng lãnh đạo Tập đoàn viễn thông Comvik - Ảnh T.CHUNG

Tại buổi tiếp ở Hà Nội, ông Zaman cho biết Comvik quan tâm đến việc Chính phủ tiến hành cổ phần hóa Công ty viễn thông di động MobiFone. Với nền tảng sẵn có về công nghệ và vốn, Comvik sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cổ phần hóa MobiFone.

Cũng theo ông Zaman, 10 năm trước, Comvik đã có hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Bưu chính - viễn thông Việt Nam (VNPT). Hiện Comvik đang thực hiện chương trình chuyển đổi công nghệ số 6G, không dùng tiền mặt. 

Mục tiêu mà Comvik hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam là muốn đưa Việt Nam thành nước hàng đầu về công nghệ chuyển đổi.

Đáp lại lời đề nghị của ông Zaman, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ rất hoan nghênh Comvik tiếp tục quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam, tham gia vào quá trình cổ phần hóa của MobiFone.

Theo Phó thủ tướng, như kế hoạch trước đây của Chính phủ, MobiFone sẽ phải hoàn tất kế hoạch cổ phần hóa trong năm 2018. Tuy nhiên, có một số vướng mắc trong việc đầu tư của doanh nghiệp nên việc hoàn thành cổ phần hóa chưa thể thực hiện ngay.

"Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin - truyền thông và MobiFone chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2019 và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa MobiFone trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Một điểm quan trọng là phải xác định rõ sự cần thiết của các nhà đầu tư chiến lược, tiêu chí cần thiết đối với nhà đầu tư chiến lược, tỉ lệ Nhà nước nắm giữ cổ phần, tỉ lệ bán đấu giá công khai và bán cho nhà đầu tư chiến lược" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.(Tuoitre)
--------------------------

Việt Nam – Trung Đông đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư

Việt Nam và Trung Đông có nhiều tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Diễn đàn thương mại Việt Nam và Trung Đông” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty MIG và RELAM – Dubai tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11/5. 

Đại diện Công ty Relam Investment và MIG Holdings ký thỏa thuận hợp tác về việc triển khai TRADE – HUB tại Việt Nam. 

Trung Đông – thị trường tiềm năng 

Ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Trung Đông là khu vực thị trường lớn với dân số trên 300 triệu người. Đây cũng là thị trường có sức mua lớn, khả năng chi trả cao trong khi các yêu cầu về mặt kỹ thuật không quá khắt khe. Mỗi năm Trung Đông nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD về lương thực, thực phẩm; dự kiến giá trị nhập khẩu đến năm 2035 là 70 tỷ USD. Trong khu vực Trung Đông có nhiều thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt như Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập-Xê út, Iran… 

Trao đổi thương mại Việt Nam  - Trung Đông đã có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian gần đây. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Đông đạt 12 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông đạt 9 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Đông khoảng 3 tỷ USD. Ngoài các mặt hàng như lương thực, nông sản, Trung Đông còn là thị trường có nhu cầu lớn điện thoại di động, thiết bị điện tử, về hàng tiêu dùng, da giày….là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. 

Trong khối Trung Đông, UAE hiện là đối tác kinh tế, thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt hơn 5 tỷ USD. Ông Trịnh Vinh Quang, Đại sứ Việt Nam tại UAE cho rằng, Việt Nam và UAE là những nền kinh tế có nhiều thế mạnh bổ sung cho nhau; trong đó, Việt Nam là cửa ngõ của để các doanh nghiệp UAE tiếp cận thị trường khối ASEAN, ngược lại UAE chính là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường ở khu vực Trung Đông. 

Ông Obaid al dhaheri, Đại sứ UAE tại Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam là đối kinh tế hàng đầu của UAE tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam  - UAE có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, hai bên có thể thúc đẩy hợp tác trong các ngành năng lượng tái tạo, luyện kim (nhôm, thép), sửa chữa tàu biển, hóa dầu, hóa chất, cơ khí chế tạo... 

Về hợp tác đầu tư, doanh nghiệp UAE đã bước đầu tham gia các dự án đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như: cơ sở hạ tầng, bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất, du lịch dịch vụ... Cho đến nay, UAE có hơn 14 dự án đầu tư trực tiếp với trị giá khoảng trên 26 triệu USD (không tính góp vốn đầu tư gián tiếp dưới tên các đối tác khác) tại Việt Nam và xu hướng đầu tư này đang tiếp tục tăng lên. 

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, kết quả hợp tác thương mại, đầu tư giữa  Việt Nam – Trung Đông thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của đôi bên. Cụ thể, mặc dù trao đổi thương mại tăng trưởng từng năm nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Đông mới chiếm hơn 1% kim ngạch nhập khẩu của khu vực này. Ngược lại, mặc dù các nước Trung Đông có thế mạnh về xuất khẩu dầu khí, hóa chất, nguyên liệu phục vụ sản xuất, hàng công nghiệp, sản phẩm công nghệ cao là những sản phẩm Việt Nam có nhu cầu lớn nhưng kim ngạch trao đổi các mặt hàng này còn rất ít. 

Thêm vào đó, mặc dù các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Trung Đông mang tính bổ sung rất tốt cho nhau nhưng trên thực tế, cán cân thương mại hai bên đang có sự mất cân bằng rõ nét, Việt Nam xuất siêu còn Trung Đông thâm hụt thương mại khá lớn. 

Đẩy mạnh hợp tác kết nối doanh nghiệp 

Ông Lê Thái Hòa cho rằng, Việt Nam và các nước Trung Đông có quan hệ tốt đẹp về mặt chính trị, ngoại giao, tiềm năng hợp tác kinh tế cũng rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Tuy nhiên, do sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, tập quán kinh doanh nên cộng đồng doanh nghiệp hai bên chưa có nhiều thông tin cũng như cơ hội hợp tác cụ thể. 

Vì vậy, để khai thác tốt khu vực thị trường Trung Đông các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ những đặc điểm về tập quán kinh doanh cũng như các quy định, chứng nhận cần thiết khi xuất khẩu vào thị trường Trung Đông. Đặc biệt, đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm cần có chứng nhận Halal (những quy định được phép theo Luật Hồi giáo) 

Thêm vào đó, mặc dù các nước Trung Đông có tiềm lực tài chính mạnh, khả năng thanh toán cao nhưng đó cũng là lý do một số đối tượng lợi dụng để lừa đảo thương mại. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, kiểm chứng thông tin về uy tín, lịch sử  giao dịch của đối tác cũng như thảo luận các phương thức thanh toán ít rủi ro nhất trước khi ký kết hợp đồng và giao hàng. 

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam chia sẻ, thị trường Trung Đông có nhu cầu rất lớn đối với các mặt hàng gạo, cà phê, tiêu, thủy sản. Đây là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. 

Theo ông Đỗ Hà Nam, các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường Trung Đông có thể thông qua thị trường Dubai vì đây là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất của khu vực, đồng thời là cửa ngõ, là nơi trung chuyển hàng hóa đi khắp Trung Đông. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tham gia các hội chợ thương mại hàng năm tại Dubai để có thể gặp gỡ trực tiếp những nhà mua hàng đến từ tất cả các nước Trung Đông và khu vực lân cận, qua đó cắt giảm các khâu trung gian và thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài. 

Để tăng cường việc kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Đông, Công ty Relam Investment (UAE) và MIG Holdings (Việt Nam) đã ký thỏa thuận hợp tác về việc triển khai TRADE – HUB tại Việt Nam. Đây là nền tảng trang mạng thương mại đã được Relam Investment triển khai ở nhiều quốc gia nhằm kết nối kinh doanh trực tuyến toàn diện. 

Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc MIG Holdings cho biết, TRADE –HUB Việt Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7/2018, được đầu tư để trở thành trung tâm kết nối các nhà sản xuất, thương mại, cung ứng dịch vụ, tổ chức tài chánh và nhà đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Đông. Trong đó, bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các cơ hội hợp tác kinh doanh, kết nối dịch vụ logistics, tư vấn phương thức thanh toán phù hợp với từng thị trường cũng như kiểm tra năng lực của các của các đối tác, từ đó giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. 

Ông Phương chia sẻ, TRADE –HUB Việt Nam hướng tới hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc marketing, xúc tiến thương mại. Đồng thời giúp họ cắt giảm thủ tục và chi phí khi hợp tác với các đối tác thứ cấp thông qua việc kết nối người mua và người bán, cũng như chia sẻ dịch vụ logictis đối với các đơn hàng nhỏ. 

Ở lĩnh vực đầu tư, ông Neil Madgegor Giám đốc điều hành Savil Việt Nam cho biết, đầu tư từ Trung Đông vào Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, tập trung vào các lĩnh vực bất động sản và công nghệ cao. Tuy nhiên các nhà đầu tư Trung Đông thường nghiên cứu thị trường rất kỹ, mong muốn sự minh bạch, rõ ràng trong hợp tác cũng như ưu tiên lựa chọn các đối tác có năng lực quản trị tốt nhằm đảm bảo thành công khi đầu tư lớn. 

Vì vậy, để đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Trung Đông các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch, cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp và chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư từ đó nâng cao khả năng hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của cả hai bên.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục