Bảng giá xe ô tô Hyundai tháng 8/2018 không có sự điều chỉnh nào về giá so với tháng 7. Dự kiến trong tháng 8 này, Hyundai Thành Công sẽ ra mắt mẫu SUV đô thị cỡ nhỏ là Kona với giá cạnh tranh.
Thuế nhập khẩu xe và linh kiện về 0%, giá ô tô tăng giảm trái chiều
- Cập nhật : 20/05/2018
Sau khi giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% từ đầu năm 2018, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận hai doanh nghiệp nhập được một số xe về phân phối với giá giảm đáng kể. Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn cung, một số doanh nghiệp đã tăng nhẹ giá xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Giảm "nhỏ giọt"
Đầu năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN giảm về 0% cũng là lúc Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô có hiệu lực với nhiều điều kiện khắt khe.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, khi xe nhập khẩu với mức thuế ưu đãi 0%, giá xe sẽ giảm từ 20 - 25% so với trước đây. Tuy nhiên, Nghị định 116/2017/NĐ-CP ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe khiến xe nhập khẩu khó về Việt Nam.
Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, năm 2018 được xem như cột mốc quan trọng nhất của thị trường ô tô Việt, đó là Việt Nam phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo hiệp định ATIGA của ASEAN. Trên thực tế, ATIGA không có ảnh hưởng tới sản xuất lắp ráp xe trong nước. Tuy nhiên, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0% cũng là lúc Nghị định 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực, không doanh nghiệp nào có thể nhập được xe về.
Theo đó, điểm đáng chú ý của Nghị định 116/2017/NĐ-CP là yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểu loại ô tô (VTA) xuất khẩu sang Việt Nam đã gây khó cho doanh nghiệp, thậm chí có ý kiến cho rằng đây là quy định chỉ có ở Việt Nam, không phù hợp với thông lệ quốc tế và không ai khác người tiêu dùng trực tiếp bị ảnh hưởng.
Diễn biến từ đầu năm đến nay cho thấy, toàn thị trường Việt Nam chỉ có hai doanh nghiệp là Honda và GM nhập khẩu được xe về phân phối. Cụ thể, trong tháng 3 vừa qua Honda nhập khẩu được lô xe khoảng 2.000 chiếc với 4 dòng sản phẩm là CR-V, Civic, Jazz và Accord. Đây cũng là lô xe nhập khẩu nguyên chiếc đầu tiên về Việt Nam kể từ khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0% từ đầu năm 2018.
Trong 4 sản phẩm trên, sản phẩm CR-V được nhiều người tiêu dùng mong đợi nhất có giá bán từ 963 triệu đồng đến 1,073 tỷ đồng, rẻ hơn gần 200 triệu đồng so với mức giá năm 2017. Cùng với Honda, mới đây GM Việt Nam cũng nhập được mẫu xe thể thao đa dụng Chevrolet Trailblazer từ thị trường Thái Lan về phân phối với giá bán từ 859 triệu đồng đến 1,075 tỷ đồng. Đồng thời công bố giảm giá luôn cho dòng xe này từ 30 đến 80 triệu đồng…
Không may mắn như Honda hay GM, từ đầu năm 2018 đến nay những mẫu xe nhập khẩu vốn “ăn khách” như Toyoto Fortuner, Ford Exploer, Toyota Land Prado, For Ranger… đã không được nhập khẩu như doanh nghiệp công bố trước đó do chưa hoàn tất thủ tục theo Nghị định 116. Khi xe nhập khẩu không về được thì cũng là lúc xe cũ được dịp “ăn nên làm ra”, tăng giá bán từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, tùy mẫu xe và đời xe.
Cùng chung cảnh ngộ của xe nhập khẩu từ ASEAN, các dòng xe nhập khẩu từ châu Âu nói chung và từ Đức nói riêng đang chịu thuế nhập khẩu 70% cũng bị ảnh hưởng lớn từ những quy định mới của Nghị định 116. Do đó, từ đầu năm đến nay, chưa có bất kỳ mẫu xe nào của Audi, BMW hay Volkswagen được thông quan để phục vụ nhu người tiêu dùng trong nước.
Theo tiết lộ của một số doanh nghiệp, những lô xe nhập khẩu từ trước năm 2018 hiện nguồn cung không còn nhiều nên doanh nghiệp đang nỗ lực hoàn tất thủ tục nhập khẩu để đưa xe về phân phối. Dự kiến sau khi hoàn thành thủ tục, đến đầu qúy 3 tới doanh nghiệp mới có thể có xe bàn giao cho khách hàng.
Được đà tăng giá
Trong khi xe nhập khẩu về Việt Nam khó khăn, nguồn cung khan hiếm từ đầu năm đến nay thì xe sản xuất lắp ráp trong nước dù được giảm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt và được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện ưu đãi 0% theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP, nhưng một số nhà sản xuất lại tăng giá bán ở một số mẫu xe. Cụ thể, đầu tháng 5, Nissan Việt Nam bất ngờ tăng thêm 10 triệu đồng đối với mẫu Sunny XL, lên mức 438 triệu đồng và tăng 11 triệu đồng đối với bản XV, lên mức 479 triệu đồng.
Cùng với Nissan, Mitsubishi Motors Việt Nam cũng tăng giá bán đối với mẫu xe Outlander bản cấp thấp 2.0 CVT thêm 15 triệu đồng, nâng giá bán xe từ 808 triệu đồng lên 823 triệu đồng trong tháng 5 này. Tương tự, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) cũng tăng 5 triệu đồng đối với mẫu Kia Cerato 1.6L số sàn lên mức 530 triệu đồng và tăng 6 triệu đồng với mẫu Cerato 2.0 lên mức 635 triệu đồng. Đồng thời tăng 30 triệu đồng đối với 2 phiên bản sedan và hatchback của mẫu Mazda 2 lần lượt lên mức 529 triệu đồng và 569 triệu đồng…
Theo đánh giá của giới chuyên doanh, dù xe sản xuất lắp ráp trong nước được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện 0% từ đầu năm, nhưng để được hưởng mức thuế này, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 đến năm 2021, sau đó là mức 5 từ năm 2022.
Đặc biệt, Nghị định 125/2017/NĐ-CP nêu rõ, để được hưởng mức thuế ưu đãi này, xe lắp ráp trong nước chở người từ 9 chỗ trở xuống, loại có dung tích xilanh từ 2.500cc trở xuống, doanh nghiệp phải đạt sản lượng chung 8.000 chiếc hay sản lượng riêng tối thiểu 3.000 chiếc/mẫu xe từ ngày Nghị định ký ban hành đến 30/6/2018.
Sau đó, sản lượng này sẽ tăng theo các năm. Đến năm 2022, sản lượng chung tối thiểu doanh nghiệp phải đạt 27.000 chiếc và sản lượng riêng tối thiểu là 10.000 chiếc cho 1 mẫu xe/năm. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đạt được sản lượng quy định này. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cho rằng, dù được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện về 0%, từ khi đặt hàng đến khi có linh kiện về cần có thời gian khoảng 6 tháng cộng thêm thời gian lắp ráp nên phải có độ trễ.
Giới chuyên doanh cũng nhìn nhận, trong khi xe nhập khẩu khó về, nhập khẩu linh kiện về sản xuất lắp ráp trong nước cần có độ trễ nên việc doanh nghiệp tăng giá một số mẫu xe ở thời điểm này cũng là điều dễ hiểu và theo quy luật thị trường. Hay việc doanh nghiệp cắt giảm bớt một số chi tiết trên xe để giảm giá bán, ngoài việc tăng sức cạnh trạnh trong phân khúc còn góp phần giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội sở hữu dòng xe mà họ yêu thích.
Còn theo thống kê của VAMA trong 4 tháng đầu năm nay cũng cho thấy, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt 80.681 xe các loại, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Xét về xuất xứ xe, trong khi doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 8% thì xe nhập khẩu giảm tới 47% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này thể hiện có rất ít xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam từ đầu năm đến nay...
Liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập đoàn công tác liên ngành với sự tham gia của các Bộ Công Thương, Tài chính làm việc với 17 doanh nghiệp nhập khẩu theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp ngày 19/3 về thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo kết quả, trong đó có nội dung “quản lý chất lượng ô tô nhập khẩu”. Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau thời gian thực hiện Nghị định 116 và Thông tư 03, các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị về Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (VTA).
Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thống nhất thực hiện hướng dẫn doanh nghiệp việc chấp nhận một số thay đổi của kiểu loại xe thực tế nhập khẩu so với VTA, nếu sự thay đổi này không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy chuẩn hiện hành của Việt Nam...
Theo Văn Xuyên (TTXVN)