Trong thời gian gần đây, tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam xuất hiện sản phẩm nước giặt dạng viên thay cho nước giặt/bột giặt truyền thống. Nhưng liệu viên nước giặt chỉ mang lại những điều tích cực?
Uống trăm triệu lít rượu, thất thu ngàn tỷ đồng
- Cập nhật : 23/05/2016
(Kinh te)
Mỗi năm, hàng trăm triệu lít rượu không dán tem theo quy định tuồn ra thị trường. Lợi nhuận thu được từ sản xuất kinh, doanh rượu không dán tem rất lớn. Trong khi dân buôn giàu lên nhờ rượu không tem còn ngân sách thất thu ngàn tỷ và người dùng đối mặt rủi ro an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sản lượng rượu thủ công không tem nhãn trên cả nước hàng năm khoảng 230 triệu lít. Đây là mặt hàng hầu như không quản lý về chất lượng, tiêu thụ và thu thuế. Thực tế này gây thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế. Đây là nghịch lý khi ngân sách đang khó khăn, phải tăng đôn đáo đòi nợ và siết chi tiêu từng đồng.
Tràn ngập rượu không tem
Hàng ngày, vào bất cứ nhà hàng, quán ăn, hay cửa hàng tạp hóa hay thậm chí là quán nước vỉa hè... từ thành phố đến nông thôn, người tiêu dùng đều có thể mua rượu dễ dàng. Nhiều nhà hàng, quán ăn có hàng chục loại rượu bày bán, đa số là không dán tem theo quy định. Có loại có nhãn mác, có loại không; có loại đóng chai nhưng có loại cũng chỉ rút từ thùng phuy hay múc từ ra chum bán cho khách.
Đây là sản phẩm của các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhưng không đăng ký và thực hiện dán tem theo quy định của nhà nước. Giá các loại rượu này khá rẻ. Một lít rượu trắng thường có giá từ 30 - 60 ngàn đồng. Một số loại đóng chai (500-750ml) có nhãn mác của có cơ sở sản xuất hay phân phối nhưng không dán tem khoảng 80 - 100 ngàn đồng/chai.
So với các loại rượu có thương hiệu, kiểm định và dán tem quản lý thì mức giá trên rẻ hơn nhiều. Vì thế, rượu không tem nhãn đang bán tràn ngập trên thị trường. Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, hiện tại rượu chính thức được nhà nước quản lý, có khai báo, có dán tem và nộp thuế hàng năm, chỉ vào khoảng 67 - 69 triệu lít. Đây là một con số khá nhỏ bé so với tổng sản lượng rượu tiêu thụ trên thị trường.
Theo quy định, rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, bị hạn chế và có kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế lại không kiểm soát được. Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2012 NĐ-CP về sản xuất kinh doanh rượu, có hiệu lực từ 1/1/2013.
Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phải đăng ký kinh doanh và giấy phép do cơ quan quản lý cấp. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho các DN (có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại) phải đăng ký với chính quyền địa phương.
Không hề phức tạp, các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu chỉ phải đăng ký, rượu đưa ra thị trường thực hiện dán tem để đảm bảo được kiểm soát chất lượng và thu thuế. Tuy nhiên, rượu không dán tem, không đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn sản xuất thoải mái, bày bán tràn ngập, gấp hơn 3 - 4 lần số rượu đăng ký.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, số lượng các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rượu đăng ký với các cơ quan chức năng hiện chỉ chiếm 20%, còn lại là trôi nổi.
Thất thu thuế lớn
Số liệu của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, chỉ hơn 60 triệu lít rượu quản lý được, mỗi năm thu ngân sách khoảng 800 tỷ đồng.
Hơn 230 triệu lít rượu không dán tem, không khai báo, thì không thu được đồng tiền thuế nào. Ít ra số thuế thu từ rượu hàng năm, phải gấp 3-4 lần hiện tại, nếu quản lý tốt. Đó là một con số khổng lồ lên đến hàng ngàn tỷ, ông Việt nhận định.
Hiện tại, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu trên 20 độ là 55%, sẽ tăng dần lên 60% vào 1/1/2017 và 65% vào 1/1/2018. Như vậy, trong giá bán 1 lít rượu hiện nay, gần 2/3 là thuế các loại. Điều này lý giải vì sao giá rượu có xu hướng tăng. Tuy nhiên, từ đây có thể thấy, rượu không dán tem dù giá bán có thấp hơn nhưng với tỷ lệ thuế như trên thì rượu không dán tem thực chất rất đắt và dân buôn loại rượu này lãi cực lớn.
Không dán tem, tức là không được kiểm soát chất lượng, trốn thuế, gây mất an toàn cho người tiêu dùng, trốn thuế và nhất là tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, không khuyến khích sản xuất hàng hóa an toàn, quản lý theo quy chuẩn.
Theo ông Việt, với thực tế trên, đánh thuế rượu cao, cũng đồng nghĩa với việc mang đến “phần thưởng lớn” cho những kẻ làm hàng lậu. Đánh thuế cao, trong khi thị trường thả nổi, không quản lý được, sẽ khiến cho rượu không dán tem ngày càng tràn lan. Bởi trốn được thuế đương nhiên sẽ thu lợi nhuận lớn, nên càng làm mạnh.
Khảo sát thực tế tại các địa phương như Hải Dương, Hưng Yên... của các thành viên Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho thấy, có những cơ sở thu gom, chế biến, phân phối rượu có quy mô lớn. Không ít cơ sở tại thời điểm khảo sát tồn dư hàng chục ngàn lít rượu, doanh số bán đạt cả tỷ đồng/tháng, sau khi trừ các chi phí, vẫn còn lãi khoảng 40%.
"Đây là khoản lợi nhuận khổng lồ, đang làm giàu cho các ông chủ cơ sở chế biến phân phối rượu không đúng quy định. Tăng thuế, nhưng chỉ thu được của gần 70 triệu lít, trong khi hơn 230 triệu lít còn lại không quản lý được thì bất công cho người làm đúng quy định", một chuyên gia về kiểm toán bình luận.
Không chỉ gây thất thu thuế, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, hầu hết các loại rượu không dán tem đang lưu hành trên thị trường đều không đủ tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tiêu chuẩn QCVN. Do nấu và pha chế bằng phương pháp thủ công, nên việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thường không đảm bảo. Các loại rượu này luôn chứa hàm lượng các độc tố cao hơn mức cho phép, gây tác hại lớn với người dùng mà rõ nhất là các vụ ngộ độc rượu.
Các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan... đều quản lý mặt hàng rượu không chính thức rất hiệu quả. Các nước này giao trách nhiệm cho 1 số đầu mối lớn thu mua rượu trong dân tự nấu để thực hiện việc kiểm soát chất lượng, phân phối và thu thuế. Cùng với đó, thực hiện một mức thuế phù hợp, đi cùng và các cơ chế khuyến khích thu mua, lẫn chế tài đủ mạnh để hạn chế việc sản xuất kinh doanh bừa bãi hướng đến một ngành sản xuất an toàn và chống thất thu.
"Vấn đề này, Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước nhưng không đem lại hiệu quả", ông Việt nói.