Cà phê độn bắp, đậu nành, hương liệu tẩm ướp hay một giọt tinh chất phù phép thành cà phê có lẽ không còn xa lạ. Hàng loạt bạn đọc hỏi cứ phải uống cà phê hóa chất hay sao? Cà phê không phải cà phê gây hệ lụy ra sao?
Nhà giàu "săn" đồ lạ chơi tết
- Cập nhật : 03/01/2016
(Tieu dung)
Tết bây giờ không chỉ là ăn ngon, mặc đẹp, biếu quà sang mà nhiều người còn phải bỏ công săn tìm những đồ ăn, vật trang trí, quà biếu tặng độc đáo cho những ngày Tết. Vì vậy, trước Tết cả mấy tháng, nhiều người cũng phải bỏ công “lên rừng, xuống biển” để đi săn đồ quý.
Rủ nhau mua thịt lợn V.I.P
Những năm gần đây, loại thịt lợn đặc biệt được gọi bằng những cái tên như lợn V.I.P, lợn “Hoàng gia” được nhiều người săn mua dù giá đắt hơn thịt lợn thường rất nhiều. Đây là những chú lợn được nuôi đặc biệt, chẳng hạn như được nghe nhạc, được ăn bằng những thức ăn đặc biệt bao gồm cám ngô, gạo phối trộn với các loại thực phẩm khác như thảo dược, thuốc Bắc, giun quế, sâu chít… Nắm bắt được xu hướng đó, rất nhiều chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư nuôi lợn sạch theo những mô hình này, và đến thời điểm này đã khẳng định hiệu quả khi đánh trúng tâm lý người tiêu dùng. Đến thời điểm này, hầu hết các trang trại lợn đặc biệt như vậy đã được bán hết, khách mua lợn có khi phải đặt hàng trước cả nửa năm.
Trang trại lợn của anh Nguyễn Văn Huy (Đan Phượng, TP Hà Nội) là một trong những trang trại nuôi lợn “đặc biệt” như vậy. Theo anh, giống lợn V.I.P nuôi ở trang trại của anh là giống lợn lai giữa lợn thường và lợn mán Hòa Bình. Lợn không chỉ được nuôi trong chuồng mà còn phải có một khoảng sân rộng để lợn vận động, nhờ vậy lượng thịt mỡ bị tiêu gần hết. Lợn được nuôi bằng cám ngô, gạo, đậu tương và có bổ sung thêm bột sâu chít, bột thuốc Bắc.
Do nguyên liệu đắt tiền, thời gian nuôi lâu trong khi cân nặng lợn chỉ đạt vài chục cân sau 5-6 tháng nuôi nên lợn sâu chít có giá rất cao. Dù vậy loại lợn đặc biệt này vẫn rất đắt khách.
Tương tự như vậy, rất nhiều trang trại nuôi lợn ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình… cũng đã đầu tư nuôi những loại lợn đặc biệt như vậy.
Anh Vũ Thanh Bình, chủ một trại nuôi lợn giun quế ở Sóc Sơn (TP Hà Nội) cho biết, năm nay lượng khách tìm mua lợn nuôi bằng giun quế ở trang trại của anh tăng đột biến, có lẽ do tâm lý lo sợ thực phẩm bẩn và cũng do thông tin về trang trại lợn đặc biệt của nhà anh được nhiều người biết đến hơn. Khách đặt hàng trước cả 2-3 tháng và đến giờ thì gần 100 con lợn sắp đến tuổi xuất chuồng của nhà anh đã không còn một con nào trong khi khách vẫn liên tục gọi điện đặt lợn.
Hàng chục triệu đồng mua gà quý
Gà Đông Tảo (Đông Cảo) vốn được biết tới là giống gà tiến Vua xưa kia. Ngày nay, loại gà này được nhiều người mua về làm thịt Tết hoặc biếu tặng. Gà Đông Tảo nổi bật ở đôi chân to, xù xì bởi lớp vẩy da sắp xếp không theo hàng, thông thường nuôi khoảng 1 năm sẽ trưởng thành có khối lượng từ 5-6 kg. Huyện Khoái Châu, Hưng Yên là “đại bản doanh” của những trang trại gà Đông Tảo với số hộ nuôi quy mô lớn lên tới hàng trăm hộ.
Theo các chủ trang trại, năm nay nhu cầu gà Đông Tảo có tăng hơn so với năm ngoái, giá lên tới 300.000-500.000 đồng/kg có những con thuần chủng giá trị lớn trên 10-15 triệu đồng. Anh Trưởng, chủ một trại nuôi gà tại Đông Tảo cho biết đối với giống gà này, chân càng to, càng xù xì thì lại càng bán được giá. Loại thông thường chỉ khoảng vài triệu đồng mỗi con, nhưng có những con giá lên tới… 40 triệu đồng, đắt gấp hàng chục lần những con cùng cân nặng.
Gà rừng được coi là món quà độc và phù hợp để ăn và biếu Tết, vì vậy không ít người đã bỏ công về tận các tỉnh miền núi để săn loại gà này. Những năm gần đây, ở Hà Nội còn có cả những mối chuyên lên miền núi thu gom gà rừng để phục vụ cho người có nhu cầu chơi Tết. Nhiều hộ dân cũng đã nuôi được gà rừng để bán, nhưng giá cũng phải chăng, 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/con, nhưng với gà rừng tự nhiên thì giá tăng chóng mặt vì gà rừng tự nhiên đã cạn kiệt, có khi người bản địa đi bẫy cả ngày vẫn trắng tay. Con gà rừng tự nhiên dáng đẹp như gà rừng lông ngũ sắc có khi giá lên tới 3-4 triệu đồng/con, thậm chí vẫn có thể tăng nữa vào dịp cận Tết.
Ngoài ra nhiều giống gà, chim quý khác cũng được các trang trại nuôi với quy mô lớn để phục vụ nhu cầu thịt và làm cảnh của giới có tiền. Chẳng hạn như gà sư tử Ba Lan hiện đang được rao bán trên thị trường với giá từ 1-4 triệu đồng/con, tuỳ trọng lượng và tuổi của gà. Điểm đặc biệt của giống gà sư tử là có một chùm bông trên đầu lớn và xum xuê, bờm xờm kéo xuống tận cổ. Loại gà này có nhiều loại màu lông khác nhau như vàng, đen, trắng… được nhiều người mua về làm cảnh.
Chim quý đắt khách
Chim công, chim trĩ hoàng đế, vịt uyên ương… cũng là các loài gia cầm được săn lùng để làm cảnh, nhất là trong dịp Tết, giá dao động 10-30 triệu đồng/con. Ngoài làm cảnh thì những loại gia cầm cảnh này còn tượng trưng cho những điều may mắn nên được nhiều người ưa chuộng. Chẳng hạn vịt uyên ương được coi là biểu tượng của hạnh phúc và chung thủy trong hôn nhân. Chim trĩ hoàng đế được giới chơi chim đánh giá là loại thuộc dòng “quý tộc” với quan niệm sẽ mang lại tài lộc, may mắn, giá dao động 25-30 triệu đồng/con. Các loại chim trĩ khác như trĩ đỏ, chim trĩ xanh, chim trĩ vàng cũng được nhiều người tìm mua bởi mức giá rẻ hơn một chút, khoảng 10-20 triệu đồng/cặp.
Đặc biệt chim công được mệnh danh là loại chim đẹp nhất thế giới những năm gần đây được rất nhiều trang trại nuôi vì nhu cầu ngày càng cao. Tuy nhiên, vì nuôi loại chim này khá mất công sức nên mỗi trang trại cũng chỉ có trên dưới chục đôi và chỉ bán cho những khách hàng quen, khách hàng doanh nghiệp là chủ yếu, giá dao động 15-20 triệu đồng/con và thường bán theo cặp.
Theo ông Khởi, một chủ trang trại nuôi chim ở Tiên Du, Bắc Ninh thì năm nay, nhiêu khách đặt mua công hơn hẳn mọi năm nên gia đình ông cũng không đủ công để bán - “Chúng tôi chỉ bán một ít, còn lại phải giữ để nhân giống vì công rất khó nhân giống”. Ông Khởi cũng cho biết thêm khách mua công thường đặt trước cả vài tháng, đặt cọc tiền rồi nhờ gia đình ông nuôi, Tết mới về bắt. Chim công đắt khác, ngoài vẻ đẹp ở bộ lông dùng để trang trí nhà cửa, biệt thự…; thịt chim công cũng có giá trị dinh dưỡng rất cao, là một vị thuốc quý.
Cá anh vũ “tiến vua”
Là loài cá “tiến vua” nên cá anh vũ được nhiều người có điều kiện mua về ăn hoặc biếu tặng. Thời điểm cận Tết, các cửa hàng và cả trên mạng xã hội đang nhộn nhịp rao bán giống cá quý hiếm này với giá lên tới vài triệu đồng một kg. Theo các chủ hàng thì hiện cá anh vũ ngày càng khan hiếm, nhất là cá sống. Cá chết cấp đông thì giá rẻ hơn nhiều, chỉ khoảng dưới 1 triệu đồng/kg, nhưng cá sống thì một con cá có khi giá lên tới cả chục triệu đồng.
Cá anh vũ là loài sống ở vùng nước sâu và thường trốn trong hang đá, nên rất khó bắt cá. Thông thường vào mùa lạnh, cá ra khỏi hang kiếm ăn nên người dân phải lặn xuống đáy sông, dùng lưới vây bắt cá. Sau khi bắt được cá, người thợ sẽ lấy dây xâu miệng cá lại, sau đó các thương lái đến tận nơi mua.
Để cá có thể sống được và quen với môi trường mới, người ta bỏ lên lồng bè để cho cá tự lành vết thương, rồi mới vận chuyển được. Hiện cá anh vũ ở các sông miền Bắc gần như không có, vì vậy các thương lái phải vận chuyển hàng nghìn km từ Tây Nguyên ra nên giá càng đắt đỏ.
Nguồn thức ăn chủ yếu của cá anh vũ là rêu bám đá, sống ở vùng nước sạch, thường ở trong hang sâu nước chảy xiết, nên rất chậm lớn. Để đạt được trọng lượng từ 4-8kg, cá anh vũ phải có tuổi thọ từ 10 đến 15 năm.
Tuy nhiên, theo một chủ hàng bán cá anh vũ thì do nhu cầu lớn nên những năm gần đây, nhiều cửa hàng đã bán loại cá khác dưới tên gọi cá anh vũ. Đặc điểm của cá anh vũ “xịn” là môi dưới và mũi trước của cá nhìn rất rõ nét, màu hồng nhạt, có nốt chấm chấm. Cá anh vũ không có râu, mình cá có 12 hàng vảy xếp đều nhau từ bụng lên lưng vây. Đặc biệt giống cá anh vũ đầu vàng, hay có tên gọi khác là hoàng anh vũ - cũng là một giống cá anh vũ nhưng khác hoàn toàn hai loại cá trên.
Cá anh vũ đầu vàng có khối u trên đầu, không hề có môi dưới, giá cá anh vũ này rất đắt, lên tới 2-2,5 triệu đồng/kg. Hiện nay, mọi người thường nhầm lẫn cá anh vũ với hai loại cá, đó là cá dầm xanh và cá éc. Đây cũng là các loại cá quý nhưng không quý bằng cá anh vũ và giá tất nhiên cũng rẻ hơn rất nhiều.