Mạo danh cán bộ cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng, thậm chí làm giả các trang mạng bán hàng trực tuyến hoặc thông báo trúng thưởng... là thủ đoạn được các đối tượng dùng để lừa chủ thẻ cung cấp thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản.
Sự thật về cà phê “nguyên chất”: Có dẹp được cà phê “đểu”?
- Cập nhật : 20/07/2016
Như Tuổi Trẻ phản ánh trong các số báo trước, thực trạng cà phê "đểu” hiện đang ở mức báo động, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người dùng.
Đậu nành rang cháy đen trở thành nguyên liệu chính cho ra lò những mẻ cà phê "nguyên chất" hiện nay. Ảnh chụp tại cơ sở chế biến cà phê ở Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Liệu có dẹp được cà phê "đểu", giải pháp nào để người tiêu dùng có thể chủ động mua được cà phê nguyên chất, cà phê sạch thật sự? Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia và đại diện cơ quan chức năng.
* Ông Vương Ngọc Tuấn (phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN - Vinastas):
Cần minh bạch thành phần trong gói cà phê
Trong ly cà phê có gì là câu hỏi mà chúng tôi mong muốn giải đáp cho người tiêu dùng từ lâu nay. Kết quả khảo sát gần 400 mẫu cà phê được Vinastas thu thập tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Sóc Trăng, Lâm Đồng... trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7-2016 cũng chỉ trả lời phần nào câu hỏi ấy.
Lần này, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát xem có bao nhiêu lượng caffeine trong cà phê, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất khiến cà phê trở thành thức uống được phổ biến trên thế giới hiện nay.
Và kết quả cho thấy thực trạng đáng báo động là có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không có hàm lượng caffeine, trên 30% mẫu cà phê có lượng caffeine không đáng kể.
Như vậy, chịu thiệt thòi nhất là những người có thói quen sử dụng cà phê mua tại các quán cà phê bệt, vỉa hè, xe đẩy, căngtin bệnh viện, trường học... vì thức uống họ thưởng thức không có cà phê hoặc rất ít cà phê.
Hương cà phê mà họ “hít hà” khi uống chỉ là “tinh chất cà phê” hoặc hương liệu chứ không phải mùi tự nhiên của thức uống này.
Có một thực tế, người tiêu dùng, đặc biệt người lớn tuổi, uống cà phê lâu năm có thói quen sử dụng loại cà phê trộn, không có caffeine với các đặc tính như đen, đậm, sánh, quyện nên khi thưởng thức cà phê thật lại... không quen, rất khó thay đổi ngay. Do đó, khi nêu ra hiện trạng này, Vinastas mong muốn người tiêu dùng chủ động điều chỉnh hành vi.
Thưởng thức cà phê sạch đúng nghĩa là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan ban ngành nhằm tiếp tục có khảo sát sâu hơn về những nguy cơ độc hại, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp sản xuất cà phê phải công khai thành phần trong sản phẩm để người tiêu dùng chủ động lựa chọn và cơ quan chức năng cũng có cơ sở để kiểm tra, xử lý.
* Ông Phan Hoàn Kiếm (chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM):
Tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất cà phê
Sau đợt phối hợp kiểm tra hàng loạt đơn vị sản xuất, gia công cà phê mới đây, chúng tôi sẽ sớm đưa các mẫu cà phê đi kiểm định, đồng thời xác minh việc sử dụng nguyên phụ liệu để sản xuất cà phê của các cơ sở này để sớm công bố cho người tiêu dùng.
Thời gian tới, các đội quản lý thị trường quận huyện sẽ rà soát tất cả cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn để giám sát chặt chẽ.
Theo quy định, sở y tế và chính quyền địa phương cấp phép được giao trách nhiệm quản lý các quy định an toàn vệ sinh. Do đó, ngoài việc kiểm tra các giấy tờ kinh doanh, hóa đơn nguyên phụ liệu đầu vào, chúng tôi phải phối hợp với cơ quan liên quan để xác định chất lượng có đúng công bố hay không.
Thực tế, các vi phạm phổ biến được ghi nhận tại các cơ sở sản xuất này là vi phạm nhãn hàng hóa cũng như không xác định nguồn gốc, hóa đơn chứng từ nguyên liệu.
Việc xử phạt với lỗi cà phê trộn đậu nành hay bắp rất khó do đến nay vẫn chưa có quy chuẩn đối với sản phẩm cà phê, mà cho phép doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Do đó, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra hàm lượng caffeine cũng như đánh giá mức độ an toàn của sản phẩm.
Theo tôi, đã đến lúc VN cần có bộ quy chuẩn cho sản phẩm cà phê, trong đó buộc doanh nghiệp phải nghiêm túc công bố các thành phần của sản phẩm để cơ quan chức năng giám sát cũng như người tiêu dùng lựa chọn.
Theo Tuổi Trẻ Online