tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Khách tố bị mất tiền oan do nhà mạng “gài bẫy”

  • Cập nhật : 27/08/2015

(Doanh nghiep)

Thấy cước điện thoại tăng đột biến, nhiều khách hàng của Vinaphone và Viettel ngã ngửa khi phát hiện thuê bao của mình lâu nay phải trả tiền cho những gói dịch vụ của nhà mạng mà họ không hề hay biết.

chi hien bay to buc xuc vi bi tru tien oan boi dich vu "chay ngam" cua viettel

Chị Hiền bày tỏ bức xúc vì bị trừ tiền oan bởi dịch vụ "chạy ngầm" của Viettel

 

Cước tăng vọt vì dịch vụ “chạy ngầm” (!?)

Chị Nguyễn Thu Hiền chủ nhân thuê bao 098612xxxx - mạng viễn thông Viettel cho biết, thời gian gần đây, thấy tiền cước điện thoại tăng đột biến, chị tra cứu thì phát hiện thuê bao phát sinh thêm một khoản mới toanh “Tin nhắn dịch vụ gia tăng”. Gọi điện tới tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel, chị Hiền được nhân viên cho biết, thuê bao của chị phát sinh chi phí 15 nghìn đồng/tin nhắn cho đầu số 8658 và 8758. “Vô lý là tôi không có nhu cầu sử dụng dịch vụ này và cũng chưa bao giờ nhắn tin đăng ký dịch vụ gửi tới hai đầu số tổng đài đó”, chị Hiền bức xúc.

Trước thắc mắc của chị Hiền, nhân viên này giải thích, do chị Hiền sử dụng điện thoại có kết nối internet vốn có nhiều dịch vụ mất phí, khi khách hàng click chuột, lập tức những dịch vụ này sẽ tự động kích hoạt và chạy ngầm mà chị Hiền không hề hay biết(!?).

Tương tự như chị Hiền, một khách hàng “ruột” của mạng Vinaphone là chị Hoàng Thúy Mai, chủ nhân thuê bao 094322xxxx cũng bị trừ tiền sử dụng dịch vụ của nhà mạng một cách vô lý. Chị Mai cho hay, ngày 4/7, tổng đài 1348 nhắn tin tới thuê bao của chị mời chào sử dụng dịch vụ “Điểm tin y tế” giá 7 nghìn đồng/tuần. Khoảng hai phút sau đó, đầu số tổng đài này bất ngờ gửi tiếp cho chị một tin nhắn với nội dung chúc mừng chị vì đã đăng ký thành công dịch vụ “Điểm tin y tế”.

Chưa dừng lại ở đó, mấy ngày tiếp theo, hai đầu số tổng đài khác cũng của Vinaphone tiếp tục nhắn tin thông báo chị đã đăng ký thành công các gói dịch vụ của họ trong khi bản thân chị không thể lý giải được mình đã đăng ký khi nào .“Tôi gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của Vinaphone thắc mắc thì một nhân viên khẳng định như đinh đóng cột rằng tôi đã truy cập mạng và đăng ký sử dụng ba gói dịch vụ trên”, chị Mai kể.

Vẫn theo chị Mai, nhân viên Vinaphone cho biết, việc đăng ký ba gói dịch vụ của chị Mai gồm nhiều bước và mất không ít thời gian. Điều khó hiểu ở chỗ, từ lúc nhận được tin nhắn mời chào sử dụng dịch vụ đến khi chị Mai nhận được tin nhắn chúc mừng đăng ký thành công chỉ cách nhau khoảng hai phút?

Muốn không mất tiền đừng dùng smartphone?

Chị Hiền, chị Mai là hai trong số nhiều khách hàng của hai mạng thông tin di động Viettel và Vinaphone rơi vào trường hợp tương tự. Thậm chí, nhiều khách hàng phải trả thêm tiền cho nhiều loại dịch vụ trong một thời gian dài, song không để ý.

Để làm rõ những thắc mắc của bạn đọc, PV đã liên hệ với đại diện truyền thông của Vinaphone và Viettel thì được yêu cầu gửi thông tin chi tiết về khách hàng và số thuê bao để kiểm tra. Sau đó, vị đại diện truyền thông của Viettel cho biết, khách hàng Nguyễn Thu Hiền không chủ động soạn tin nhắn gửi đến hai đầu số 8658 và 8758 nhưng đã dùng điện thoại có kết nối internet tải game Juice World (Thế giới hoa quả) về chơi và mua các vật phẩm, tiền vàng trong game nên bị trừ tiền cước qua đầu số 8658 và 8758. Ông này khuyến cáo khách hàng nên xóa bỏ game khỏi máy điện thoại để không tiếp tục bị trừ tiền nếu lại mua vật phẩm!

Tuy nhiên, chị Hiền khẳng định trước, trong và sau thời điểm bị trừ tiền cước qua hai đầu số tổng đài 8658 và 8758, điện thoại của chị không hề cài đặt game Juice World cũng như bất cứ loại game nào khác. Cũng theo chị Hiền, không chỉ riêng chị mà rất nhiều bạn bè chị cũng từng phản ánh bị các nhà mạng trừ tiền một cách vô lý. Điểm chung của họ đều là sử dụng smartphone có kết nối internet.

“Khi tôi gọi điện đến tổng đài Viettel thắc mắc về việc bị trừ tiền, nhân viên ở đây đã khuyên tôi tốt nhất không dùng smartphone và không vào mạng internet bằng điện thoại nữa!? Các ứng dụng của smartphone, trong đó có việc truy cập internet giúp ích nhiều cho công việc cũng như cuộc sống. Nhà mạng cần thông tin minh bạch, hướng dẫn, thậm chí khuyến cáo khách hàng đầy đủ thay vì đưa ra lời khuyên vô lý như vậy”, chị Hiền nói.

Thất vọng với cách giải quyết của Viettel, song chị Hiền cũng đành tạm thay chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet bằng chiếc điện thoại “cục gạch” không 3G, không kết nối mạng để thuê bao của mình không bị kích hoạt ngầm dịch vụ nhà mạng nữa.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục