Theo thông tin về lượng tiêu thụ cà phê của người Việt Nam dựa theo lượng cà phê tiêu thụ nội địa là 16,875 tỷ ly cà phê trong năm 2015. Vậy trong 16, 875 tỷ ly cà phê ấy, có bao nhiêu ly có cà phê mới là điều đáng nói?
Giá bia có thể tăng vì giá nước sạch tăng 20%?
- Cập nhật : 01/10/2015
(Kinh te)
Giá nước sạch tăng 20% từ tháng 10/2015 và lộ trình xóa thuế bia rượu nhập khẩu từ đầu năm 2016 sẽ tác động không nhỏ đến thị phần cũng như giá thành sản phẩm bia rượu, nước giải khát sản xuất trong nước.
Trao đổi với Vinanet, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) nhận định, việc giá nước tăng 20% trong tháng 10 tới đây chắc chắn sẽ làm tăng đáng kể chi phí sản xuất của doanh nghiệp đồ uống.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng giá nước sạch tăng sẽ ảnh hưởng nhất định đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp đồ uống.
Tuy nhiên, ông Phòng nhận định mức ảnh hưởng sẽ được doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng và xác định con số cụ thể trong quá trình sản xuất.
Một lãnh đạo bia Việt Hà cho biết, việc giá nước tăng 20% ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất đồ uống trong nước. Vị này cho rằng, nước chiếm trên 90% cấu thành sản phẩm. Tăng giá nước 20%, chi phí sản xuất có thể tăng tương ứng thêm 20%.
"Giá bia rươu, nước giải khát có điều chỉnh tăng hay không còn phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên nếu giá bia rượu, nước giải khát không tăng, doanh nghiệp sẽ lỗ"- Vị này chia sẻ.
Không chỉ áp lực từ giá nước sách tăng, ông Việt lo ngại, tới đây khi sản phẩm bia rượu nước ngoài vào thị trường Việt Nam không bị đánh thuế nhập sẽ tạo ức ép đối với đồ uống trong nước. Theo đó, nếu doanh nghiệp đồ uống nếu không nâng chất lượng và kênh phân phối, sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.
Trong khi đó, ông Phòng cũng cho rằng, việc xóa thuế cho nhiều loại bia rượu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ông Phòng cũng cho hay, doanh nghiệp không nên quá bi quan vì đa phần người tiêu dùng đã có thói quen lựa chọn sản phẩm sản xuất trong nước.
"Cơ quan quản lý cũng nên có một lộ trình áp thuế, hay giãn thuế cho phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Một mặt, phía doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ sản xuất, giảm thiểu chi phí sản xuất để sản phẩm sản xuất ra có mức giá phù hợp hơn nữa với thị trường tiêu dùng, cũng như nâng sức cạnh tranh của sản phẩm", ông Phòng khuyến nghị.
Ông Dương Như Quang - Giám đốc Công ty TNHH Hải Hà cho biết, thực tế, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống đã xác định được lộ trình hội nhập. Trong những năm gần đây, doanh nghiệp đồ uống, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất bia đã chuẩn bị tâm lý về nhưng cơ hội và khó khăn thách thức khi thị trường tự do. Tuy nhiên, theo ông Quang, chuẩn bị tâm lý là một chuyện, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng cũng như mở rộng mạng lưới bán hàng để tăng thị phần. "Để tồn tại và phát triển được, các doanh nghiệp đồ uống như bia Hà Nội, bia Sài Gòn và các hãng đồ uống khác phải xây dựng hệ thống khách hàng đủ mạnh, đủ sức để cạnh tranh với các hãng bia nước ngoài.
"Cạnh tranh về giá cả chỉ là một yếu tố, chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết hơn. Khi đời sống người dân ngày một cao, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng tăng lên. Vì lý do đó, doanh nghiệp sản xuất không những phải nắm rõ được loại đồ uống yêu thích của từng vùng khách hàng mà nên đầu tư công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng", ông Quang nói.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Xanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết đã tìm hiểu và thấy nhiều hãng bia lớn trên thế giới đang có kế hoạch sản xuất và phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có nhiều điểm hơn hẳn doanh nghiệp trong nước như kinh nghiệm hoạt động trong cơ chế thị trường. Hơn nữa, tài chính của doanh nghiệp nước ngoài cũng chắc chắn hơn doanh nghiệp trong nước. Trong khi, doanh nghiệp trong nước lại gặp vướng mặc về thủ tục hành chính.
* Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu - EU (Hiệp định EVFTA) đã kết thúc đàm phán hồi đầu tháng 8. Riêng, đối với lĩnh vực cụ thể như rượu vang, rượu mạnh, bia, Việt Nam đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu trong thời gian tối đa là 10 năm. Lộ trình xóa thuế dự kiến bắt đầu từ 1/1/2016.
* Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) thông báo tăng giá nước sạch từ ngày 1/10/2015. Mức tăng trên 20% so với biểu giá cũ, từ 1.000 đến 2.000 tùy vào khối lượng nước sử dụng theo bậc thang lũy tiến. Nước sử dụng cho các đơn vị sản xuất sẽ có giá bán 11.615 đồng/m3 và nước sử dụng cho kinh doanh dịch vụ có giá bán cao nhất là 22.068 đồng/m3.