Thịt an toàn là thịt không chứa hocmon, chất cấm hay chất tạo nạc vượt ngưỡng cho phép, nguồn thịt phải sạch cả chuỗi từ khâu chăn nuôi đến giết mổ và kinh doanh.
Dù lỗ vẫn đua mở cửa hàng tiện lợi
- Cập nhật : 08/09/2015
(Tin kinh te)
Không chỉ tiểu thương các chợ đang sống chung với cảnh ế ẩm mà nhiều siêu thị cũng ngậm ngùi chấp nhận tình trạng cửa hàng tiện lợi mọc lên ngày càng nhiều, chia khách của siêu thị
Tọa lạc mặt tiền đường Bà Huyện Thanh Quan (gần ngã ba Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM), cửa hàng Circle K lai rai đón khách là nhân viên văn phòng của các tòa nhà lân cận, khách vãng lai vào mua sắm.
Ra ngõ là gặp… cửa hàng tiện lợi
Đây chỉ là 1 trong hàng chục cửa hàng Circle K trên địa bàn TP HCM cũng như hàng trăm cửa hàng tiện lợi khác đang mọc lên ngày một nhiều tại TP HCM và một số tỉnh, thành.
Theo thống kê chưa đầy đủ, TP HCM hiện có gần 800 cửa hàng tiện lợi kinh doanh chuyên ngành và đa ngành, trong đó cửa hàng tiện lợi kinh doanh đa ngành là trên 300. Những cái tên như Shop & Go, Circle K, FamilyMart, B’s Mart… hiện diện khắp nơi, trở nên quen thuộc với người dân thành phố, bên cạnh các cửa hàng Co.opFood, Big Express, Satrafoods, Vissan.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2005, đến nay, Shop & Go (Singapore) đã có trên 100 cửa hàng, Circle K (Mỹ) có hơn 70 cửa hàng, Family Mart có hơn 30 cửa hàng. Đến tháng 6-2015, hệ thống Satrafoods đã đạt mốc 60 cửa hàng. Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) hiện có 89 cửa hàng Co.op Food.
Công ty Vissan có hơn 100 cửa hàng và đang bắt tay tái cơ cấu một số cửa hàng. Không dừng lại ở cửa hàng giới thiệu sản phẩm, Vissan còn kinh doanh thêm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến và hàng nhu yếu phẩm. Nổi lên như một hiện tượng của ngành bán lẻ Việt Nam, Tập đoàn Vingroup liên tục mở cửa hàng Vinmart+ với mục tiêu sẽ có 368 cửa hàng trên toàn quốc trong năm 2015 và hướng đến con số 1.000 cửa hàng trong thời gian tới.
Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng cửa hàng tiện lợi gia tăng với tốc độ chóng mặt và so kè nhau từng địa bàn, từng con đường. Đối diện chợ Bình Thới (quận 11) là cửa hàng C Express, đi thêm một quãng là cửa hàng Satrafoods. Hay chỉ quanh khu Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Học - Nguyễn Cư Trinh và trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1)… tập trung một loạt cửa hàng B’s Mart, Family Mart, Co.op Food, Vissan, Circle K… Một số khu vực ở quận 3, quận Bình Thạnh cũng hiện diện khá nhiều cửa hàng tiện lợi.
5-10 năm sau mới thu hoạch!
Phó tổng giám đốc 1 doanh nghiệp (DN) bán lẻ ở TP HCM nói rằng hiện chưa có DN nào kiếm lời được từ cửa hàng tiện lợi, càng mở càng lỗ nhưng DN vẫn đua nhau giành mặt bằng đẹp, mở rộng chuỗi.
“Trong khi siêu thị, đại siêu thị tăng trưởng chậm lại thì phân khúc cửa hàng tiện lợi cạnh tranh rất sôi động. Chi phí mở cửa hàng tiện lợi rẻ hơn, dễ tìm mặt bằng hơn, việc kiểm soát hàng hóa - chất lượng cũng đơn giản và thị hiếu người tiêu dùng đang dần chuyển sang các cửa hàng tiện lợi là những nguyên nhân khiến nhà bán lẻ cắn răng chịu lỗ để đầu tư. Bây giờ đầu tư, 5-10 năm sau sẽ thu hoạch” - vị phó tổng giám đốc này nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng các DN buộc phải đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng tiện lợi vì khi đã phát triển được quy mô lớn, có lượng khách ổn định thì DN sẽ phát huy được lợi thế của mình, thu lợi nhuận. Trong tương lai, hệ thống cửa hàng tiện lợi sẽ thay dần cửa hàng tạp hóa.“Không có chuyện các DN đua mở cửa hàng tiện lợi để “xí” mặt bằng đẹp hoặc phát triển chuỗi nhằm bán lại cho DN nước ngoài. Tuy nhiên, nếu chuỗi cửa hàng phát triển tốt, được nhà đầu tư ngoại chào mua với giá cao thì quá tốt” - ông Hiển nói.
Theo các chuyên gia bán lẻ, mô hình cửa hàng tiện lợi đã “đánh” trúng tâm lý người tiêu dùng là muốn mua sắm nhanh, đầy đủ các loại sản phẩm cơ bản, dịch vụ khách hàng tốt và cơ sở vật chất tiện nghi. Một số cửa hàng còn bán thẻ/sim điện thoại di động, có không gian cho khách thưởng thức đồ ăn sẵn, có dịch vụ thanh toán thẻ, WiFi miễn phí. Một số cửa hàng còn mở cửa 24/24 giờ.
So với cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi văn minh, lịch sự hơn; còn so với siêu thị, đại siêu thị thì cửa hàng tiện lợi có diện tích nhỏ, bãi đậu xe trước cửa nên khách hàng dễ ghé vào mua sắm, chiếm được tình cảm của người tiêu dùng nên dần “kéo” khách của cả 2 kênh cửa hàng tạp hóa truyền thống và siêu thị.
Giá bán cao
Theo nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, trong năm 2014, số lượng cửa hàng tiện ích đã tăng 34,4% so với năm 2013, đạt 348 cửa hàng trên toàn quốc (TP HCM có 326 cửa hàng, Hà Nội có 5 cửa hàng). Với diện tích trung bình khoảng 100-150 m2, các cửa hàng tiện ích cung ứng những sản phẩm thiết yếu đến người tiêu dùng, được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, theo các DN bán lẻ, giá bán hàng hóa tại cửa hàng tiện ích khá cao so với siêu thị, cửa hàng tạp hóa. Trong tương lai, các cửa hàng này phải tính toán kéo giảm độ chênh lệch giá để thu hút khách nhiều hơn.