Thu gom nguồn thịt giá rẻ trôi nổi trên thịt trường rồi tẩm ướp hóa chất, nhiều chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm đã “hô biến” thịt bẩn thành thịt bò tươi để bán ra thị trường, đầu độc người tiêu dùng một cách “không thương tiếc”.
“Đánh tráo” sữa bột - sữa tươi: Người tiêu dùng “hứng” cả
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
Sự nhập nhèm trong kinh doanh mặt hàng sữa, ngay từ tên gọi đã kéo dài từ nhiều năm nay khiến người tiêu dùng phải "khóc thét".
Đánh tráo khái niệm
Theo số liệu của Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội, đến nay, lượng sữa tươi nguyên liệu trong nước sản xuất mới đạt 549,5 triệu lít, trong đó chỉ có 367,6 triệu lít sữa tươi nguyên liệu được đưa vào chế biến dạng lỏng. Còn lại hầu hết sữa dạng lỏng là được pha lại từ sữa bột nguyên liệu nhập khẩu với tên gọi “sữa tiệt trùng” (theo QCVN 5-1:2010 do Bộ Y tế ban hành). Chính vì vậy, các khái niệm phân loại sữa dễ bị nhầm lẫn.
Ngày 23/4/2015, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã tổ chức hội thảo “Quyền được thông tin của người tiêu dùng”.
Tại hội thảo, vấn đề Bộ Y tế sử dụng khái niệm “sữa tiệt trùng” để chỉ sữa dạng nước làm từ sữa bột làm người tiêu dùng nhầm lẫn với sữa tươi, được đặt ra.
Theo đó, bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, hàm lượng dinh dưỡng của sữa tươi và sữa dạng nước làm bằng sữa bột là khác nhau, cần phân biệt. Bà Hợp cho rằng: “Khái niệm “sữa tiệt trùng” làm người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sữa nước làm từ sữa bột; đâu là sữa tươi. Tiệt trùng chỉ là khái niệm chỉ công nghệ chế biến, không phải là khái niệm chỉ loại sữa”.
Còn ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thì nhận định, năm 2010 Bộ Y tế đã ban hành Quy chuẩn về sữa tươi, sữa tiệt trùng, sữa nước hoàn nguyên… nhưng đến nay đã không còn phù hợp và thiếu minh bạch. Theo ông Vân, khó khăn trong việc quản lý sản phẩm sữa đó là mỗi bộ quản lý một lĩnh vực. Trong khi quản lý sữa tươi nguyên liệu thuộc Bộ NN&PTNT, quản lý sữa chế biến, sữa bột là Bộ Công thương thì quản lý sữa công thức, có thêm các vi chất lại thuộc Bộ Y tế.
Người tiêu dùng "hứng chịu"
Ông Bùi Thượng Thắng, Phó Cục trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương khẳng định: “Hiện nay, tên gọi đối với sản phẩm sữa dạng lỏng đang dễ gây nhầm lẫn và rất khó phân biệt cho người tiêu dùng”.
Đơn cử, hiện đối với sản phẩm sữa nước, trên thị trường có các tên gọi như “sữa tiệt trùng” và “sữa tươi tiệt trùng”. Trong khi đó, trên bao bì sản phẩm không ghi rõ hàm lượng sữa tươi, sữa hoàn nguyên nên khiến cho người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là sữa tươi thực sự.
Đáng chú ý là quy định hiện nay cũng không yêu cầu các nhà sản xuất phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu của sản phẩm. Dẫn tới, người tiêu dùng không thể truy suất nguồn gốc và nhà sản xuất cũng lợi dụng quy định này, "lách luật" để “đánh tráo khái niệm”.
Từ đó, dẫn tới tình trạng, hàng ngày, người tiêu dùng vẫn "móc hầu bao" mua sữa nhưng không thể phân biệt được đâu là sữa bột hay sữa tươi, do chưa có quy định rõ ràng. Từ đó, người dùng dễ bị nhầm lẫn trong việc lựa chọn sản phẩm sữa.
Ảnh hưởng tới sản xuất trong nước
Mặc dù có lợi thế về lao động, điều kiện tự nhiên để phát triển chăn nuôi bò sữa nhưng mỗi năm nước ta vẫn phải chi 1.098 tỷ USD để nhập khẩu sữa bột và các sản phẩm sữa (số liệu năm 2014 của Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT ngày 17/7/2015). Đây phần lớn là sữa bột hoàn nguyên, dùng làm nguyên liệu để pha chế lại và được một số doanh nghiệp gọi là “sữa tiệt trùng”. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước, đến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sữa tươi vốn có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Báo cáo kết quả hội nghị chuyên đề “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và Sữa chế biến dạng lỏng” do ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban ký và gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 7/2015 cũng đã nhấn mạnh: “Việc nhập khẩu sữa bột nguyên liệu còn chiếm tỷ trọng lớn đang đi ngược lại quy hoạch phát triển ngành sữa Việt Nam, là phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ sữa bột nhập ngoại”.
Trên thực tế, việc nhập khẩu sữa bột phục vụ cho chế biến sữa dạng lỏng có quy mô ngày một lớn đã không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho vùng nguyên liệu sữa tươi trong nước, làm cản trở việc phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước, vô hình chung biến người tiêu dùng Việt Nam thành “người nhập khẩu sữa thụ động”.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm sữa TH (TH Milk) nhìn nhận, việc người chăn nuôi bò sữa ở một số địa phương thời gian qua phải đổ bỏ sữa tươi đi không phải do Việt Nam đã dư thừa sữa tươi mà do các doanh nghiệp sữa không thích thu mua sữa tươi trong nước về chế biến. Các doanh nghiệp này thích nhập khẩu sữa bột về hoàn nguyên thành sữa nước để tiêu thụ vì lợi nhuận cao hơn.
Theo số liệu thống kê, với sản lượng sữa tươi trong nước hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu uống sữa của trẻ em. Năm 2015, chúng ta đã xuất khẩu 600 triệu lít sữa tươi, trong khi cả nước có khoảng hơn 12 triệu trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học. Nếu 100% trẻ uống sữa tươi hàng ngày thì cũng chỉ cần khoảng gần 400 triệu lít. Trong khi đó, như đã nói bên trên, mỗi năm Việt Nam đang chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa bột hoàn nguyên về cho trẻ uống.
Theo Báo Người Đưa Tin