(Tieu dung)
Ông Phạm Văn Xuân, Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Tuy Phước (H.Tuy Phước, Bình Định), thừa nhận các cơ sở chế biến mực trên địa bàn nhiều lần bị xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn tái phạm.
Nhân viên một cơ sở sản xuất mực tẩm trên đường Trần Quang Diệu không mang đồ bảo hộ trong quá trình chế biến.
Ruồi thì kệ ruồi
Trong vai trò là những người đi mua mực khô, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất mực tẩm gia vị ở một cơ sở trên đường Trần Quang Diệu (thuộc thôn Trung Tín 1), nằm sát Trung tâm y tế thị trấn Tuy Phước.
Thời điểm này, chủ cơ sở đi vắng. Mực khô được phơi bên ngoài vỉa hè đường Trần Quang Diệu, nơi có rất nhiều bụi đất. Sát cửa vào cơ sở có 2 nhân công đang dùng tay không đeo găng thực hiện công việc ngắt đầu, làm sạch mực... Hai người này chân đang mang dép nhưng vẫn vô tư giẫm lên đống mực đang bị ruồi bu bám rất nhiều. Khi chúng tôi bày tỏ lo ngại việc ruồi bu lên mực gây mất vệ sinh thì một nhân công nói: “Khỏi lo! Ruồi thì kệ ruồi chứ… cần gì mà rửa, rửa cho mực hết ngọt à, để nguyên cho vào chảo chiên lên là ngon hết”.
Bên trong cơ sở, trên nền nhà có diện tích khoảng 20 m2, khoảng 10 nhân công đang thực hiện những công đoạn như: chiên, sấy, xé, tẩm màu cho sản phẩm mực và đều không mang bao tay cũng như dụng cụ bảo hộ lao động khác. Bao tải, dụng cụ phơi, chảo chiên, sấy mực... rất dơ bẩn, bám đầy lọ nghẹ. Trên các bếp lửa, chảo dầu màu đen sôi sùng sục. Những người phụ nữ kẹp mực khô nhúng vào chảo dầu rồi vớt ra, mực có màu vàng rộm. Sau đó, mực được đưa lên dây chuyền để ép, đóng gói rồi bán ra thị trường.
Quá trình chiên, sấy mực bằng thủ công ở cơ sở sản xuất mực tẩm trên đường Trần Quang Diệu - Ảnh: Hoàng Trọng
Một người làm công cho biết cơ sở này chủ yếu chế biến sản phẩm mực tẩm gia vị để chuyển vào TP.HCM tiêu thụ với giá từ 100.000-110.000 đồng/kg, chưa bằng một nửa so với giá các loại mực tẩm được bán trên thị trường.
Theo chủ một cơ sở chế biến mực khô tẩm gia vị trên đường Trần Quang Diệu, mỗi tháng cơ sở của gia đình ông chế biến khoảng 1 tấn mực tẩm. Nguyên liệu là mực xà khô được thu mua từ các đầu nậu ở TP.Quy Nhơn. Quy trình chế biến mực tẩm gồm các bước: ngắt đầu và làm sạch mực, chiên dầu, đưa vào máy cán, xé sợi, tẩm ướp gia vị, đóng gói.
Xử phạt chưa đủ răn đe
Theo ông Phạm Văn Xuân, thôn Trung Tín 1 có 6 hộ hành nghề chế biến mực. Những cơ sở này bắt đầu hoạt động khoảng 5 hay 6 năm nay. Người dân địa phương nhiều lần bày tỏ bức xúc về việc các sơ sở chế biến mực này gây ra mùi hôi và dẫn dụ ruồi tập trung đến. Nhiều cơ sở chế biến mực ở thôn Trung Tín 1 bị các đoàn kiểm tra, xử phạt do quy trình chế biến không đúng quy định an toàn thực phẩm, không đảm bảo vệ sinh nhưng sau đó lại tái phạm.
“Nếu như bị phạt từ 2 đến 5 triệu thì số tiền này quá ít, không đủ răn đe do lợi nhuận từ sản xuất mực khô rất lớn. Mong các ngành chức năng của H.Tuy Phước có biện pháp xử lý đích đáng để các cơ sở này sản xuất đảm bảo vệ sinh hơn”, ông Xuân nói.
(Theo Báo Thanh Nien)