Hệ thống phân phối đồ da Châu Âu Gurkha vừa tổ chức lễ khai trương gian hàng lớn nhất hệ thống đặt tại Vincom B Đồng Khởi, đồng thời ra mắt BST túi xách Ý Cromia Thu Đông 2015.
Ngậm quả đắng vì ham đồ thanh lý giá rẻ
- Cập nhật : 11/08/2015
(Kinh doanh)
Trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều người rao bán, thanh lý vật dụng gia đình, tủ lạnh, bàn ghế… với giá chỉ bằng một nửa so với ngoài cửa hàng. Tuy vậy, đây thực chất là chiêu trò kinh doanh ẩn sau chữ “thanh lý” để tăng doanh số, giá mặt hàng này đôi khi còn đắt hơn so với sản phẩm mới ngoài cửa hàng.
“Ăn quả lừa” vì tin lời bạn
Với những sinh viên nghèo thì việc mua lại những thứ đồ “Nhật bãi” (hàng đã qua sử dụng nhưng vẫn có thể dùng tốt) giá rẻ là điều khá may mắn. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, mọi người có thể mua phải những đồ đã qua sử dụng nhưng được dân kỹ thuật “mông má” lại, bán với giá ngang mức sản phẩm mới.
Lê Quang Thiều, sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho hay: Đầu năm ngoái anh mua chiếc quạt phun sương của một thành viên rao bán thanh lý đồ với lý do chuyển sang phòng mới có điều hòa nên không dùng đến. Giá khởi điểm người bán đưa ra là 500.000 đồng, nhưng sau một hồi thương thuyết Thiều được giảm xuống mức giá 450.000 đồng. Tuy nhiên, Thiều đem chiếc quạt phun sương về chỉ dùng chưa hết mùa hè đã thấy có vấn đề.
“Quạt chạy vừa tốn điện lại cho sức gió rất nhẹ nên sức phun sương khá kém” - Thiều cho biết. Thấy quạt có vấn đề, lúc quay thì cọt kẹt, phun sương lúc có lúc không, cá biệt còn có tình trạng rỉ nước ra thân quạt gây nhiễm điện khiến anh hú vía một phen vì bị điện giật. Ngay hôm sau, Thiều đinh ninh là mình bị lừa nên đành đem ra thợ sửa để đảm bảo an toàn. Anh buộc phải chi thêm 200.000 đồng để thay cót và chì đã bị hỏng.
Cùng chung số phận là Vũ Thị Lan, nhân viên công nghệ thông tin đã bị lừa vì mua phải chiếc tủ lạnh rởm. Ban đầu chị Lan thấy những người rao bán hàng trên trang facebook cá nhân là bạn học cùng lớp đại học trước đây nên đã không “ném” chút hoài nghi và “tậu” chiếc tủ lạnh Sanyo (180 lít) giá 2,5 triệu đồng. Trước khi mua tủ, chị Lan đã xem hình ảnh tủ rất mới. Chủ nhân nói chỉ dùng chưa quá hai tháng nhưng do phải đi nước ngoài nên cần thanh lý gấp. Thế nhưng, sau một tháng dùng, Lan khá bức xúc vì giá tiền điện tăng gấp ba lần tháng trước, gọi thợ sửa thì nhận được câu trả lời bộ phận xả đá có vấn đề, bộ chỉnh nhiệt bị lỗi. Sau khi nhờ thợ kiểm tra mới biết đây là tủ đã lạnh đã mua hơn ba năm, được “mông” lại bởi lớp sơn mới. Những ngày sau đó Lan bất ngờ khi biết người bạn mình tiếp tục rao bán đồ nội thất, tủ lạnh trên trang facebook cá nhân mới tá hỏa mình đã bị lừa.
Để tăng độ tin cậy với người mua, người bán thường “đánh bóng” về công dụng, làm mới lại bề ngoài của sản phẩm.
“Treo đầu dê, bán thịt chó”
Để biết rõ hơn nguyên do sự việc, trong vai người mua hàng, chúng tôi đã tìm đến những người rao bán đồ thanh lý. Thực chất những trang mạng cá nhân này do một tổ nhóm kinh doanh lập nên với nhiều tên khác nhau. Sau đó, họ kết bạn với càng nhiều bạn bè càng tốt để đăng quảng cáo bán hàng nội thất, nội trợ dưới cái mác “thanh lý” đồ giá rẻ.
Để tường tận sự việc, chúng tôi tiếp cận, làm quen với một nhân vật tên “Hùng nội thất” qua facebook cá nhân. Ban đầu Hùng cố ý như không biết gì nhưng sau một thời gian, người này đồng ý nói chuyện. Sau hồi nói chuyện, Hùng thú nhận mình là nhân viên bán hàng cho công ty đồ nội trợ gia đình. Mới đây, Hùng được trưởng nhóm bày cho cách lập facebook để rao bán hàng thanh lý nên cả nhóm lập nhiều tên facebook khác nhau để rao bán hàng. “Do người Việt mình có tâm lý thích rẻ, tốt nên nhiều người sẽ tin ngay những hình ảnh bóng bẩy cùng thông tin đầy đủ về sản phẩm”.
Được biết, những đồ nội thất hay tủ lạnh, thiết bị dân dụng trong gia đình đều được Hùng cùng một số người thu mùa về, sau đó sơn bóng lại để bán ra thị trường với giá ngang sản phẩm mới. Tiếp tục tìm hiểu về một số tên facebook được cung cấp, chúng tôi tìm đến Vinh, một nhân viên cùng làm với Hùng. Khác với Hùng, Vinh tỏ ra khá thân thiện và mong muốn tìm thêm những đại lý cấp dưới hòng ăn hoa hồng hàng tháng.
“Ở đây có cả đồ mới lẫn đồ cũ. Số đồ cũ chủ yếu là tủ lạnh cùng thiết bị gia dụng. Đồ mới là đồ nội trợ như xoong chảo… Sở dĩ cửa hàng không rao bán hàng mới vì chưa có thương hiệu, lại không có địa điểm cụ thể, chưa tìm đủ nguồn cung. Từ ngày rao bán hàng dưới mác thanh lý, doanh số đã tăng lên 200% so với những tháng trước. Đã thế, rao bán hàng thanh lý nhưng nhiều mặt hàng vẫn được bán giá cao ngang ngửa với đồ mới. Vậy nên, số lời kiếm về cũng tương đối cao. Nếu khách phàn nàn thì bảo đồ mới dùng nhưng do chuyển nhà đi, không đem theo được nên cần thanh lý”, Hùng cho hay.
Anh Nguyễn Hồng Dương, chuyên gia sữa chữa điện lạnh Hà Nội có lời khuyên: Thời đại online nên dân kinh doanh tung rất nhiều chiêu bán hàng khác nhau hòng tăng doanh số, kiếm lợi nhuận. Để không bị dân bán hàng “bãi” sử dụng chiêu trò để “lòe”, người tiêu dùng nên cẩn trọng tìm hiểu rõ thông tin trước khi mua. Người mua có thể tìm người quen có thâm niên trong nghề đến kiểm tra hàng trước khi quyết định mua sản phẩm. Nếu có điều kiện, tốt nhất người dân nên đến các trung tâm có uy tín để mua hàng với giá cả đã được niêm yết, bảo hành dài hạn.
Kinh doanh online hiện đang núp dưới nhiều hình thức khác nhau để lừa người tiêu dùng nên mọi người cần cẩn thận, cân nhắc trước khi mua hàng theo hình thức này. Những cái bẫy trên mạng vẫn cứ phát triển, biến đổi từng ngày với những hình thái khác nhau nhằm mục đích qua mắt người tiêu dùng. Đối tượng mà chúng nhắm tới chủ yếu là dân lao động nghèo, người có thu nhập thấp, sinh viên. Vậy nên, ở nơi mà cơ quan chức năng vẫn “bỏ lỏng” thì người dân nên tỉnh táo để không trở thành những “con mồi” béo bở./.