Các nhà mạng lớn như Viettel, VinaFone, MobiFone cho biết sẽ triển khai thử nghiệm mạng 4G vào cuối năm nay. Dự kiến, việc cấp phép và triển khai rộng rãi mạng 4G tại Việt Nam sẽ được thực hiện từ năm 2016. Vậy mạng 4G có lợi gì cho người dùng?
Cảnh báo về mua sắm qua truyền hình
- Cập nhật : 21/08/2015
(Thi truong)
Theo Cục quản lý Cạnh tranh, một trong những vấn đề nổi cộm nhất của việc mua sắm qua truyền hình là quảng cáo sai sự thật.
Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương vừa có cảnh báo về mua sắm qua truyền hìnhĐất nước càng phát triển, đời sống người dân càng được nâng cao và tiêu dùng càng được thúc đẩy. Hiện nay, đối với nhân viên văn phòng và giới trẻ, mua sắm qua mạng là một hình thức rất phổ biến. Còn với đối tượng người tiêu dùng (NTD) lớn tuổi hoặc người nội trợ, thì hình thức mua sắm được lựa chọn nhiều nhất là qua kênh truyền hình. Tại Việt Nam, hình thức mua sắm qua truyền hình đã khá phổ biến trong vài năm trở lại đây.
Dưới góc nhìn khách quan, hình thức mua sắm này được đánh giá mang tính mới lạ, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, phù hợp với đối tượng NTD quá bận rộn, có ít thời gian đi mua sắm. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trong những năm vừa qua cho thấy hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn hại đến quyền và lợi ích của NTD.
1. Quảng cáo sai sự thật
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất của việc mua sắm qua truyền hình là quảng cáo sai sự thật. Khi mua sắm qua truyền hình, NTD không có cơ hội quan sát trực tiếp cũng như cầm, thử và đánh giá sản phẩm. NTD thường phản ánh, sau khi đặt mua và nhận được sản phẩm, NTD nhận thấy sản phẩm thật thường không giống với trên quảng cáo, tính năng không đầy đủ, hoạt động không hiệu quả như quảng cáo, hoặc làm bằng chất liệu khác hoàn toàn so với quảng cáo. Các sản phẩm bị quảng cáo sai sự thật rất đa dạng, từ sản phẩm đắt tiền như nữ trang, đồng hồ, điện thoại… cho đến sản phẩm sử dụng hàng ngày như chổi đa năng, quần áo định hình, đai giảm mỡ bụng, mỹ phẩm, đồ gia dụng, v.v…
2. Nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng
Bên cạnh quảng cáo sai sự thật, một vấn đề khác mà NTD thường xuyên gặp phải khi mua hàng qua kênh truyền hình là sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng. Tình trạng này thể hiện qua việc trên sản phẩm không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, mã vạch, hoặc chỉ dẫn địa lý cho biết nơi sản xuất hoặc phân phối sản phẩm.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp sản phẩm NTD đặt mua chỉ có tên sản phẩm, ngoài ra không có thông tin nào khác về nguồn gốc, xuất xứ. Thậm chí, doanh nghiệp thông báo tới người tiêu dùng sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ, Nhật Bản…, nhưng khi nhận được sản phẩm, NTD nhận ra trên sản phẩm ghi dòng chữ với ý nghĩa “sản xuất tại Trung Quốc”. Sản phẩm liên quan trong lĩnh vực này rất đa dạng, bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang sức, máy tập thể dục, v.v…
3. Lừa đảo người tiêu dùng về việc trúng thưởng
Một số doanh nghiệp bán hàng qua kênh truyền hình thực hiện việc lừa đảo người tiêu dùng bằng cách thông báo NTD đã trúng thưởng. Phần thưởng được doanh nghiệp thông báo thường có giá trị cao (vàng, đồ điện tử, trang sức…). Tuy nhiên, theo như phản ánh từ các đơn khiếu nại, để nhận được giải thưởng này, doanh nghiệp yêu cầu người tiêu dùng mua thêm một món hàng nữa với giá trị lớn, hoặc đóng 10% tiền thuế, hoặc chuyển khoản vào tài khoản của công ty… Sau khi làm theo yêu cầu trên và nhận được quà trúng thưởng, NTD phát hiện phần thưởng là hàng giả, kém chất lượng, đôi khi là đồ chơi và không thể sử dụng.
4. Không thực hiện đúng quy định về hợp đồng giao kết từ xa
Khoản 3 Điều 17 Nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định:
“Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin quy định tại khoản 1 Điều này thì trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc chấm dứt đó và chỉ phải trả chi phí đối với phần hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng.”
Như vậy, khi thực hiện việc giao kết hợp đồng từ xa (trong trường hợp này là mua hàng qua mạng), người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đã giao kết trong thời hạn mười ngày, nếu sản phẩm nhận được không đúng như thông tin và doanh nghiệp cung cấp (trừ trường hợp các bên đã có thỏa thuận khác).
Trong trường hợp này, NTD không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc chấm dứt đó và chỉ phải trả chi phí đối với phần hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, khi NTD yêu cầu trả lại hàng hóa và hoàn lại tiền khi gặp những vấn đề như sản phẩm không đúng như quảng cáo, nguồn gốc không rõ ràng, bị lừa đảo…, thì doanh nghiệp thường trốn tránh trách nhiệm và không giải quyết yêu cầu của NTD. Đây là một thực tế rất nhức nhối do vị thế bất cân xứng giữa NTD và doanh nghiệp trong trường hợp hợp đồng giao kết từ xa: doanh nghiệp thường đặt trụ sở ở tỉnh, thành khác nơi ở của NTD, việc liên lạc khó khăn (đặc biệt khi doanh nghiệp chủ động không giải quyết yêu cầu của NTD), NTD không biết nơi/cơ quan hỗ trợ… Việc này đã gây bức xúc và thiệt hại kinh tế lớn cho rất nhiều người tiêu dùng.
*Tại sao mua sắm qua truyền hình thu hút số lượng lớn người tiêu dùng?
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, hiện nay mua sắm gián tiếp là một hình thức mua sắm rất phổ biến. Do một số nguyên nhân như công việc bận rộn, ít thời gian, và do sở thích đặc biệt nên rất nhiều người tiêu dùng chọn hình thức mua sắm gián tiếp. Đối với giới trẻ và nhân vien văn phòng, thì mua hàng qua mạng rất phổ biến. Nhưng mua sắm truyền hình lại hướng tới một số nhóm đối tượng khác, đó là người cao tuổi, người làm nội trợ, và người dân ở những vùng nông thôn. Đặc điểm của những nhóm người này là có nhiều thời gian, thường xuyên xem tivi; không có nhiều cơ hội để tiếp cận với các kiến thức tiêu dùng; không cập nhật được những chiêu thức lừa đảo mới…
Trong khi đó, mua sắm qua truyền hình thường xuyên tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cụ thể:
(i) Sản phẩm thật thường khác so với hình ảnh nhìn trên ti vi;
(ii) Quảng cáo thường được nhắc đi nhắc lại trong khoảng thời gian ngắn khiến NTD từ chưa quan tâm đến bắt đầu xem và tin vào quảng cáo;
(iii) Sản phẩm trên truyền hình được quảng cáo mang tính năng ưu việt, nổi tiếng trên thế giới, nhưng thực tế thì lại là thương hiệu rất ít người biết đến;
(iv) Nhiều trường hợp là hàng trôi nổi, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hoặc lừa dối NTD về xuất xứ sản phẩm;
*Khuyến cáo của đối với người tiêu dùng khi mua sắm qua truyền hình:
Từ thực tiễn những vụ việc được phản ảnh trên báo chí cũng như những vụ việc đã bị các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện và xử lý trong thời gian vừa qua, theo Cục quản lý cạnh tranh, khi mua sắm qua truyền hình, người tiêu dùng cần lưu ý những vấn đề sau:
-Xác minh lại các thông tin quảng cáo trước khi đưa ra quyết định mua sắm qua kênh truyền hình;
-Thận trọng với những sản phẩm sử dụng hàng ngày nhưng giá quá cao (dầu gội, thuốc nhuộm tóc, kem dưỡng da, đồ gia dụng…);
-Luôn đặt câu hỏi với những sản phẩm được quảng cáo “rất tốt”, “ưu việt”, “số 1 thị trường”…;
-Cảnh giác với những sản phẩm không có thương hiệu/thương hiệu không nổi tiếng/rất ít người biết đến;
-Không nên ngay lập tức tin vào những thông báo trúng thưởng kèm theo điều kiện từ phía doanh nghiệp, như điều kiện trả thêm một số tiền để được nhận phần thưởng hoặc cung cấp các thông tin về bí mật cá nhân, tài khoản ngân hàng.
-Trong trường hợp NTD gặp vấn đề với sản phẩm/dịch vụ được mua qua truyền hình, NTD có thể khiếu nại/phản ánh tới Sở Công Thương/Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh/thành phố hoặc liên hệ trực tiếp với Cục QLCT – Bộ Công Thương thông qua các kênh sau:
-Tổng đài hỗ trợ, tư vấn NTD 18006838: Đây là tổng đài miễn phí cước gọi cho NTD nhằm cung cấp kiến thức về pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, tư vấn cho NTD trong trường hợp gặp vấn đề với sản phẩm/dịch vụ và hướng dẫn cách thức khiếu nại cho NTD;
-Gửi đơn khiếu nại tới Cục QLCT qua trang web: www.bvntd.vca.gov.vn hoặc địa chỉ email: bvntd@moit.gov.vn;
-Gửi đơn khiếu nại tới Cục QLCT qua địa chỉ: Số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội;
-Nộp đơn khiếu nại trực tiếp tại địa chỉ trên.