Ông Yasuzumi Hirotaka, giám đốc JETRO TP.HCM, cho biết những năm gần đây Chính phủ Nhật Bản muốn đẩy mạnh ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, y tế dự phòng ra nước ngoài, trong đó có VN.
Ăn rau muống tưới nhớt thải bị bệnh gì?
- Cập nhật : 12/01/2016
Hàng triệu người dân rất phẫn nộ trước việc tưới rau muống bằng nhớt thải. Nhớt chứa rất nhiều chất có độc tính với cơ thể con người. Nuốt phải rau muống tưới nhớt thải bệnh gì?
Những tác hại nghiêm trọng của việc dùng nhớt thải tưới rau muống ra sao?
Ăn rau muống tưới bằng nhớt thải: sẽ bị ung thư
Theo bác sĩ (BS) Trần Ngọc Lưu Phương - phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, nhớt sản xuất từ dầu hỏa là những chất hydrocarbon.
Trong nhớt có chứa những chất phụ gia dùng trong công nghiệp và nhiều kim loại nặng rất có hại. Nhớt bình thường chưa qua sử dụng đã là chất độc đối với cơ thể người. Nhớt đã qua sử dụng còn chứa nhiều chất có độc tính cao hơn.
“Cơ thể con người khi đã hấp thu những chất độc này thì không có cách gì thải ra được. Mỗi ngày chúng ta nhiễm một ít, chất độc sẽ tích tụ trong gan, trong thận hay thậm chí trong não và cơ quan sinh dục, gây suy gan, suy thận, mất trí nhớ, động kinh hay thậm chí là vô sinh, xảy thai, sinh non và ung thư”- BS Lưu Phương cũng chỉ ra tác hại vô cùng nghiêm trọng của nhớt thải.
BS Trần Ngọc Lưu Phương khẳng định đó là những chất không được phép tồn tại trong cơ thể con người. Ngay cả nhớt thải ra ruộng rau muống thì nguồn nước và đất cũng chịu tác động không nhỏ.
Nhiều nông dân trồng rau để bán và để ăn ở hai thửa ruộng riêng, rau nào trồng để ăn thì không phun xịt các hóa chất hoặc tưới bằng nhớt thải.
Tuy nhiên, theo BS Yến Thủy, như vậy cũng không thể đảm bảo an toàn bởi trong quá trình phun xịt, thuốc trừ sâu hay chất nhớt vẫn có thể theo gió bay từ nơi này sang nơi khác. Không những thế, khi phun nhiều chất hóa học ở một chỗ thì nguồn nước và nguồn đất xunh quanh cũng sẽ bị nhiễm độc.
“Chính những người nông dân ấy là những người đầu tiên chịu tác hại khi trực tiếp tiếp xúc với hóa chất qua da, qua hô hấp hay qua tiêu hóa. Vì vậy họ dù không ăn rau nhiễm bẩn nhưng khả năng bị ung thư vẫn rất cao” - BS Yến Thủy nói.
Kẽ hở pháp luật
Khó xử lý hình sự - đó là nhận định của luật sư (LS) Hồ Ngọc Diệp đối với vấn đề xử lý các hành vi sử dụng chất độc hại liên quan đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện nay.
Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM), người dân ở các địa phương có cơ sở trồng rau phải tăng cường giám sát và lên án những hành vi sai trái.
Có thể ghi âm, ghi hình những hành vi này và gửi các cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
“Sự thờ ơ của mọi người sẽ góp phần cổ vũ cho hành vi nguy hiểm này. Nếu chỉ dựa vào sự giám sát của các cơ quan nhà nước thì tình trạng này sẽ còn mãi tiếp diễn” - LS Huỳnh Phước Hiệp nói.
LS Hồ Ngọc Diệp cho biết khi bị phát hiện, phần lớn các cơ quan chức năng cũng chỉ có thể xử lý bằng biện pháp hành chính, chứ khó có thể khởi tố vụ án hình sự .
Sở dĩ khó xử lý hình sự là vì điều luật quy định về việc xử lý đối với hành vi này rất khó áp dụng trên thực tế.
Theo tinh thần quy định tại điều 244 bộ luật hình sự (BLS) thì người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
“Như vậy, điều luật chỉ quy định ba hành vi là, “chế biến, cung cấp hoặc bán” mà thiếu đi một hành vi quan trọng là “sản xuất”.
Trong khi đó, thực tế hiện nay, khâu sản xuất, chăn nuôi và nhất là trồng trọt rau quả và các mặt hàng nông sản nói chung, chính là khâu sử dụng các chất độc hại nhiều nhất” - LS Hồ Ngọc Diệp nói.
Hậu quả không thể thấy ngay nên khó xử lý hình sự?
Phân tích kỹ hơn, LS Hồ Ngọc Diệp cho rằng việc khó xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng các chất độc hại liên quan đến vấn đề VSATTP còn do sự cấu thành của điều luật này.
Chúng ta đều biết hậu quả của việc sử dụng thực phẩm có chất độc hại đối với người tiêu dùng không phải xảy ra ngay tức thời mà có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa.
“Nhưng điều luật quy định về việc xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về VSATTP lại có cấu thành vật chất. Tức là, phải có hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe xảy ra thì mới bị xử lý hình sự. Có thể nói đây là một bất cập rất lớn, làm cho điều luật khó có thể áp dụng trên thực tế” - LS Hồ Ngọc Diệp phân tích.
Từ quan điểm cá nhân, LS Hồ Ngọc Diệp cho rằng, cần phải có sự sửa đổi, bổ sung điều 244 BLHS theo hướng là một tội phạm có cấu thành hình thức.
Tức là, người nào có hành vi sử dụng các chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm, hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn … thì hành vi đó đã cấu thành tội phạm, mà không nhất thiết phải có hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng hoặc sức khoẻ của người tiêu dùng xảy ra.
Phải có quy định xử nặng những hành vi âm thầm "giết người"
Bất bình và tức giận là những cảm xúc chủ yếu của bạn đọc khi nghe tin người nông dân Việt đầu độc chính đồng loại của mình bằng cách tưới nhớt thải lên rau muống.
Nhiều bạn đọc cho rằng không thể chỉ phạt hành chính qua loa mà phải truy tố trách nhiệm hình sự “vì nó âm thầm giết người hàng loạt”.
“Phạt hành chính chỉ làm cho họ lờn mặt và làm cho tội phạm ngày càng phát triển. Thật bức xúc vì những nông dân không có lương tâm” - bạn đọc Hòa Phương nêu.
Một số bạn đọc cho rằng đây là hành vi tội ác. Người trồng rau lạc hậu, thiếu ý thức do nghèo và lạc hậu.
Một số bạn đọc khác lại cho rằng đó là sự yếu kém của các cơ quan quản lý.
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN