tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

22.000 loại mỹ phẩm có thể gây ung thư đang 'nhởn nhơ' ngoài thị trường

  • Cập nhật : 29/06/2018

Thị trường mua bán mỹ phẩm đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết bởi sự xuất hiện của vô vàn nhãn hiệu. Tin rằng đây là những sản phẩm làm đẹp an toàn, nhiều người đã tin tưởng truyền tai nhau mua về sử dụng.

my pham hang hieu “rom” tran lan tren thi truong. anh: bao dan tri

Mỹ phẩm hàng hiệu “rởm” tràn lan trên thị trường. Ảnh: Báo Dân trí

Thời gian gần đây, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bán tràn lan thông qua mạng xã hội. Trên công cụ tìm kiếm google, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nhiều trang web, facebook cá nhân quảng cáo bán mỹ phẩm với nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới của Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Điều đáng nói là đa số những sản phẩm làm đẹp này được gắn mác hàng hiệu, xách tay, sản phẩm gia truyền cùng những lời quảng cáo “rót mật” vào tai đã khiến không ít người tìm mua những sản phẩm này. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, người dùng đã phải gánh chịu những tác hại khôn lường, như dị ứng, phát ban đỏ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Một trong số đó phải kể đến trường hợp của chị Mai Anh (22 tuổi, ngụ Tiền Giang). Chị Mai Anh được chủ cửa hàng bán mỹ phẩm giới thiệu sản phẩm vừa hết bệnh lại còn giúp dưỡng và trắng da, chị đã không ngần ngại bỏ ra một số tiền lớn để mua. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần dùng, da mặt chị bắt đầu xuất hiện các mụn nước, bóng nước li ti khắp mặt, tình trạng đỏ da kèm bỏng rát ngày càng tăng. Chị Anh liền tới bệnh viện thăm khám thì được bác sĩ kết luận bị viêm da do dùng mỹ phẩm.

Tương tự, chị Thanh Đào (25 tuổi, ngụ TP.HCM), sau khi dùng kem thoa da không rõ loại nên đã phải đến bệnh viện khám trong tình trạng da nổi mẩn đỏ, bong vảy, kèm mụn ở mặt. Theo lời chị Đào kể lại, khi thấy trên mặt nổi vài mẩn đỏ, lo sợ không biết bị gì nhưng ngại đến khám bác sĩ nên đã lên mạng tìm hiểu thì thấy có loại kem với quảng cáo bôi vào sẽ hết nổi mẩn đỏ, hết ngứa và có tác dụng dưỡng da, trắng mịn da, với giá 900.000 đồng/hộp. Qua 1 tuần bôi liên tục, tình trạng càng nặng nề hơn với các triệu chứng như da đỏ, ngứa, cảm giác châm chích khắp mặt và đặc biệt mụn nổi nhiều trên mặt.

Chị Ngọc Quỳnh (45 tuổi, ngụ Cà Mau) cũng chia sẻ, chị muốn mua một sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp da mặt nên đã ra hiệu thuốc tây gần nhà hỏi thì được người bán giới thiệu loại kem bôi 55.000 đồng có tác dụng dưỡng, làm trắng mịn da, chống lão hóa và được hướng dẫn sử dụng một lần vào buổi tối trước khi ngủ. Những ngày đầu, thật sự rất có hiệu quả đúng như lời giới thiệu của người bán.

Tuy nhiên sau khoảng 3 tuần, chị Quỳnh thấy bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như da mặt lúc nào cũng ửng đỏ, cảm giác ngứa, châm chích khắp mặt và da bị mỏng dần đi. Khi tới khám, chị mới tá hỏa khi bác sỹ nói loại kem đó có thành phần corticoide, nếu bôi nhiều sẽ để lại nhiều tai biến cho da.

Liên quan tới mỹ phẩm kém chất lượng hiện đang bán thị trường, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay có khoảng 22.000 loại mỹ phẩm đang lưu hành trên thị trường chứa 5 loại dẫn chất của paraben gồm: isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben. Các dẫn chất này bị cho là sẽ gây ra căn bệnh ung thư vú ở phụ nữ và vô sinh ở nam giới.

tran lan my pham chua dan chat paraben ban tai sieu thi va cho. anh: bao vietnamnet

Tràn lan mỹ phẩm chứa dẫn chất paraben bán tại siêu thị và chợ. Ảnh: báo Vietnamnet

Theo PGS.TS. Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, paraben có tính chất kháng khuẩn và kháng nấm, rất tốt khi được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn do nấm, vi khuẩn trong nhiều loại dược và mỹ phẩm gây ra. Paraben có thể được phát hiện trong nước tiểu của những người sử dụng mỹ phẩm, dược phẩm có paraben. Thậm chí, paraben trong các loại kem bôi xoa lên lưng của những thanh niên khỏe mạnh, cũng có thể được tìm thấy dấu vết trong máu, chỉ trong vài giờ sau khi sử dụng. Tất cả những mặt hàng mỹ phẩm chứa chất này sẽ bị cấm sau ngày 30/7/2015. Tuy nhiên, nhưng người tiêu dùng vẫn không hay biết. Hầu khắp các siêu thị, cửa hàng các loại kem dưỡng da, dầu gội, nước rửa tay, sữa rửa mặt, sữa tắm, khăn ướt, kem tẩy trắng... có sử dụng paraben vẫn bán tràn lan.

Theo các chuyên gia về da liễu, các loại mỹ phẩm tẩy trắng da, kem lột da đều chứa những loại hóa chất tẩy. Những chất tẩy này khi được thoa lên da sẽ tẩy, làm bong tróc lớp biểu bì trên da, để lại phần da non phía trong, do vậy gây ảo giác cho người sử dụng về công dụng làm trắng. Đa số các kem làm trắng bán trôi nổi ngoài thị trường thường chứa thuốc kháng viêm corticoid với hàm lượng khó kiểm soát. Lúc đầu sử dụng da sáng mịn, bớt mụn nhưng dùng một thời gian sẽ gây biến chứng, bị ngứa và nổi mụn. Các mạch máu dưới da bị giãn nên việc điều trị rất tốn thời gian lại khó khôi phục tình trạng ban đầu. Các loại phấn, son rẻ tiền thường chứa rất nhiều chì, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

Bác sĩ Đàm Thúy Hồng, Bệnh viện Da liễu Hà Nội khuyến cáo: “Khi mình bỏ tiền ra mua sản phẩm hay điều trị bệnh thì phải biết đó là sản phẩm gì, cơ sở đó có uy tín, và hơn cả là tìm hiểu yếu tố con người. Nếu ai bảo bạn mua sản phẩm đang có trên thị trường thì không nên theo người ta theo kiểu hiệu ứng đám đông. Bạn phải gặp bác sĩ da liễu, không bôi các sản phẩm đang bán trên thị trường khi không biết rõ xuất sứ, nguồn gốc, để rồi mang họa vào thân” .

Do đó, để tránh bị “lừa đảo" và rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”, người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn các sản phẩm làm đẹp bằng một số cách như:

Chỉ mua mỹ phẩm tại các đại lý được ủy quyền

Không loại trừ khả năng, các cửa hàng lớn cũng vẫn có thể bán hàng nhái. Để tránh rắc rối này, bạn nên truy cập vào trang web của các thương hiệu cần mua để kiểm tra danh sách những cửa hàng bán lẻ được uỷ quyền để mua hàng chính hãng.

Cần để ý đến bao bì

Có nhiều món đồ giả mạo tinh vi đến mức không dễ dàng nhận ra được. Có một cách để bạn kiểm tra là hãy truy cập vào trang web của nhà sản xuất và kiểm tra xem liệu sản phẩm mà bạn đang tìm có giống chính xác như món hàng được đăng tải trên mạng hay không. Thậm chí chỉ một sự khác biệt nhỏ nhất ở mặt trước, màu sắc hay kích thước của hộp đựng, hay cả về trọng lượng của món đồ cũng được xem là dấu hiệu của hàng không chính hãng.

Phải kiểm tra mã vạch, số series, thông tin sản xuất

Nếu một món đồ mỹ phẩm nhái thì 2 hoặc 3 số đầu tiên trên mã vạch có thể không khớp với mã số nước đã đăng ký trên bao bì hoặc tên sản phẩm. Ngoài ra, số series sẽ biến mất trên các sản phẩm nhái. Trước khi mua bất kỳ món đồ nào, bạn nên chắc chắn số series trên sản phẩm khớp với số trên hộp đựng.

kiem tra ma vach, so series, thong tin san xuat de biet dau la hang gia. anh: bao dan tri 

Kiểm tra mã vạch, số series, thông tin sản xuất để biết đâu là hàng giả. Ảnh: báo Dân trí 

Ngoài ra, các mỹ phẩm chính hãng luôn có các thành phần được in trên đó. Các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp thường cung cấp thông tin thêm về sản phẩm ở nhiều thứ tiếng khác nhau. Nếu trên bao bì chỉ có rất ít thông tin về sản phẩm thì đây chắc chắn là hàng không chính hãng.

Kiểm tra màu của sản phẩm

Màu mắt, phấn nhũ, son môi, và phấn nền rởm thường không có các màu như của các sản phẩm thật. Để tránh mua hàng rởm, bạn nên truy cập vào trang web của nhà sản xuất để xem những màu nào mới có thực.

Để ý đến mùi hương

Các loại mỹ phẩm là kem thì không thể nào bị nhão quá hoặc không tinh khiết. Các loại son rởm thường tạo màu không quyến rũ và thường sẽ có lỗi ở đâu đó. Loại mascara xịn cũng sẽ có mùi thơm rất dễ chịu. Nếu sản phẩm nào có màu quá tệ hoặc đậm mùi hương nước hoa thì đó không phải là hàng chính hãng. Ngoài ra, chổi của mascara rởm sẽ trông rất khác với hàng chính hãng.
 

Hạnh Vũ
Theo VietQ

Trở về

Bài cùng chuyên mục