Rẻ, dễ nấu và ngon – mỳ ăn liền đã trở thành thức ăn ưa thích tại rất nhiều quốc gia trên thế giới mặc dù ai cũng biết rằng loại đồ ăn này không có lợi cho sức khỏe.
Làm gì khi rút phải tiền giả ở ngân hàng?
- Cập nhật : 28/06/2016
(Tieu dung)
Nếu rút tiền ở ngân hàng sau đó phát hiện là tiền giả, người dân có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Câu chuyện một người rút tiền ở ngân hàng X với số lượng tiền lớn và đến ngân hàng Y giao dịch thì phát hiện có tờ tiền giả 200.000đ. Người rút tiền không được ngân hàng X bồi hoàn mà còn bị ngân hàng Y tịch thu tờ tiền.
Nhiều bạn đọc đặt vấn đề: "Làm sao người dân có thể phát hiện tiền giả khi nhận số lượng tiền lớn từ ngân hàng? Vì thông thường ít ai ngồi soi chiếu kiểm tra từng tờ tiền để tìm tiền giả khi tổng số tiền nhận được lên đến hàng ngàn tờ".
Người dân khó biết thật - giả
Luật sư (LS) Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết theo quy định tại Điều 9 thông tư số 01/2014/TT-NHNN, người nộp hoặc lĩnh tiền mặt phải chứng kiến khi ngân hàng kiểm đếm hoặc kiểm đếm lại trước khi rời khỏi quầy chi của ngân hàng.
Quy tắc là thế nhưng trên thực tế nhiều người tin tưởng ngân hàng nên không thực hiện việc kiểm đếm này.
“Đây là một vấn đề rất dễ gây ra các rủi ro cho khách hàng. Nếu có ai đó cố tình dùng tiền giả để giao dịch với khách hàng, hoặc máy đếm tiền, máy kiểm tra tiền giả bị hư hỏng, từ đó các tờ tiền giả lẫn vào trong tiền thật thì khách hàng rất khó để biết được” - LS Lê Cao nói.
Hiện nay theo quy định, người dân có thể đổi lại tiền giả nếu phát hiện ngay khi giao dịch. Khi đã mang ra khỏi ngân hàng rồi, nếu muốn đổi được tiền giả, người dân phải chứng minh số tiền giả đó do ngân hàng phát hành và giao cho mình.
Khi hai bên không thống nhất được với nhau, tranh chấp xảy ra thì chuyện khách hàng chứng minh được việc mình nhận tiền giả từ ngân hàng là rất khó.
Theo LS Nguyễn Thanh Hà (chủ tịch Công ty Luật Sblaw), trường hợp khách hàng rút tiền tại ngân hàng này, mang sang ngân hàng khác giao dịch mới phát hiện tiền giả thì khách hàng sẽ là người chịu rủi ro bởi ngân hàng đầu tiên đã hết trách nhiệm.
“Tuy nhiên, khách hàng cũng nên quay lại ngân hàng đầu tiên đã giao dịch để thông báo sự việc để ngân hàng kiểm tra lại quy trình xem có lỗi về máy móc hay con người dẫn tới có lọt tiền giả vào giao dịch hay không”, LS Nguyễn Thanh Hà nói.
LS Lê Cao cũng đưa ra lời khuyên đối với những giao dịch lớn, người dân nên thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, giao dịch bằng tiền mặt chỉ nên thực hiện với các giao dịch nhỏ.
“Đồng thời nên có quy trình chặt chẽ hơn để quản lý công tác giao dịch tiền mặt của các nhân viên ngân hàng. Không nên để sự gian lận hoặc non kém nghiệp vụ của người vận hành hoặc những hỏng hóc, lỗi kỹ thuật của máy móc gây nên những rủi ro mà người phải gánh chịu thường là khách hàng” - LS Lê Cao nói.
Ngân hàng nên bảo vệ quyền lợi khách hàng
Theo một chuyên gia về ngân hàng, trên nguyên tắc thì ngân hàng luôn phải đảm bảo tiền là thật trước khi niêm, cho nên khó có chuyện tiền từ một ngân hàng lại là giả, trừ khi có những yếu tố bất thường về mặt con người.
Ngân hàng cũng không chịu trách nhiệm với số tiền khách hàng đã đem ra khỏi ngân hàng vì không thể biết được họ có giao dịch phát sinh gì bên ngoài hay không.
“Đó là về mặt nguyên tắc, nhưng nếu ngân hàng có thiện chí bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cũng có thể xem xét kỹ lại các quá trình của mình xem có sơ suất gì không” – chuyên gia này nói.
Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiệu trưởng ĐH Tài chính- Marketing, đề xuất các hệ thống ngân hàng nên rà soát lại quá trình kiểm đếm tiền của mình.
“Thường thì khi kiểm đếm chỉ quan tâm về mặt số lượng chứ chưa đặt vấn đề kiểm tra thật - giả làm trọng tâm. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, các ngân hàng nên lưu ý kỹ hơn về vấn đề này” - PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.
Theo LS Nguyễn Thanh Hà, tiền của Việt Nam và tiền của các quốc gia khác đều có dấu bảo an và các ngân hàng tại Việt Nam đều đầu tư công nghệ hiện đại để phát hiện tiền giả.
Vì thế, việc có tiền giả tại ngân hàng có thể do một nhóm cá nhân hoặc nhóm người nào đó đánh tráo và trong nhiều trường hợp, người chịu thiệt thòi là khách hàng.
“Vì vậy, theo quan điểm của tôi, khi nhận tin báo từ khách hàng, ngân hàng cũng nên tiếp nhận và tiến hành điều tra nội bộ để xem do lỗi kỹ thuật hay lỗi con người. Nếu là lỗi của con người thì cần rà soát lại nội bộ, xử lý nghiêm và tạo lòng tin cho khách hàng giao dịch.
Bên cạnh đó, các ngân hàng Việt Nam cũng nên học kinh nghiệm của ngân hàng thương mại nước ngoài về kinh nghiệm chống tiền giả, cải thiện và hoàn thiện quy trình để nâng cao chất lượng dịch vụ”, LS Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.
Không nên quá tin tưởng ngân hàng
“Ngân hàng là nơi quản lý tiền thì chính họ phải có trách nhiệm phân loại tiền thật hay giả để giao dịch với khách hàng! Anh B. tin vào việc tiền do ngân hàng phát ra là thật và cũng không ngồi đó kiểm tra từng tờ xem thật hay giả đành chấp nhận hên xui thôi!” - một bạn đọc nói.
Nhiều bạn đọc khác cũng cho rằng việc yêu cầu khách hàng tự kiểm tra tiền thật-giả là quá sức của người dân bình thường vì họ không có đủ kiến thức lẫn kỹ năng chuyên môn để phân định.
Hơn nữa, nếu có sự tác động bất thường của yếu tố con người trong giao dịch thì người dân cũng khó lòng biết được và có cách bảo vệ quyền lợi của mình hợp lý.