Người tiêu dùng, người dân cần biết ranh giới của quan hệ pháp luật dân sự với quan hệ pháp luật hình sự trong những tình huống tương tự để tránh đi "quá đà" mà sa vào vòng lao lý. Nói cách khác là cần phải biết giới hạn "quyền lực" của mình ở đâu để dừng lại đúng lúc
Đông trùng hạ thảo khác nhộng trùng thảo thế nào
- Cập nhật : 25/08/2015
(Tin kinh te)
Đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis) có hình thù như cây nấm mọc trên đầu con sâu màu nâu sẫm, đầu nấm như lưỡi mác. Nhộng trùng thảo có thân cây màu vàng cam ngả hồng hồng, đầu nấm dạng chùy.
Nguồn gốc của đông trùng hạ thảo ở phương Đông nhưng tên khoa học được xác định bởi người phương Tây. Tài liệu sớm nhất do tu sĩ Perenin Jean Batiste, người Pháp, ghi nhận, miêu tả loài sinh - thực vật có hình thù kỳ lạ và chữa được một số bệnh mà ông cho là “công dụng thần bí”. Năm 1843, tiến sĩ M.J. Berkeley (Mỹ), công bố loài “rễ mọc trên sâu” và đặt tên là Sphaeria sinensis. Cái tên sinensis lần đầu tiên xuất hiện từ đó. Năm 1878, Pier Andrea Saccarado mới tu chỉnh lại và xếp sinensis vào giống Cordyceps rồi đặt tên là Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. Từ đây, loài sinh vật nấm Cordyceps sinensis ký sinh trên sâu được giới khoa học đặt tên “Đông trùng hạ thảo”.
Hàng trăm năm qua người phương Đông đã biết sử dụng loài sinh - thực vật có hình thái sinh trưởng “nấm mọc trên sâu” như một dược liệu tốt cho sức khỏe. Đông trùng hạ thảo là tên gọi dân gian dựa vào quan sát đặc điểm chu trình sống của loài của loài sinh vật kỳ lạ: mùa đông là con sâu, mùa hè là cây cỏ. Đó là sự kết hợp cộng sinh giữa nấm Cordyceps Sinensis (Berk.) Sacc. với ấu trùng bướm đêm Hepialus. Mùa đông, sâu non sống trong lòng đất bị nhiễm bào tử nấm. Đến hè, sâu chết đi, cây nấm mọc trên đầu con sâu nhô lên khỏi mặt đất. Từ đó về sau, thực vật ký sinh trên côn trùng được người ta quen gọi chung là đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, chỉ có Cordyceps sinensis mới được gọi đông trùng hạ thảo với hình thái duy nhất là cây nấm mọc trên đầu con sâu. Còn các loại cây nấm mọc ở bộ phận khác của con sâu chỉ được gọi là nhộng trùng thảo hoặc bách trùng thảo mà thôi.
Nhộng trùng thảo có hình thù cây nấm mọc từ các bộ phận khác của con sâu. Thân cây nấm có màu vàng cam ngả hồng, đầu nấm dạng chùy. Ảnh: All&All.
Tiến sĩ Trương Bình Nguyên, người đưa giống đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis về Việt Nam và lần đầu tiên nuôi cấy thành công, cho biết trên thế giới chi nấm Cordyceps được ghi nhận có đến 350 loài, riêng Trung Quốc có 60 loài sống phân bổ nhiều nơi. Hiện nay người ta chỉ nghiên cứu 2 loài là Cordyceps sinensis và Cordyceps militaris.
Đông trùng hạ thảo dễ bị nhầm với nhộng trùng thảo đang được nhiều nơi trồng hiện nay. Cách phân biệt dựa trên hình dáng. Nhộng trùng thảo thân cây màu vàng cam ngả hồng hồng, đầu nấm dạng chùy, được trồng trên bất cứ chỗ nào của vật/cây ký chủ; còn đông trùng hạ thảo là cây ở dạng nấm mọc trên đỉnh đầu con sâu màu nâu sẫm, đầu nấm như lưỡi mác.
Các nhà khoa học gọi loài thứ hai (Cordyceps militaris) là “nhộng trùng thảo”, để phân biệt với đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis. Từ quá trình sử dụng nhiều năm qua ở phương Đông và qua các phân tích thành phần hóa học, dược lý, thực tiễn, Đông y đã công nhận giá trị bổ dưỡng, chữa bệnh của đông trùng hạ thảo vượt xa nhộng trùng thảo. Nếu nhộng trùng thảo tự nhiên có giá chừng trăm triệu đồng một kg, thì đông trùng hạ thảo rất quý hiếm, giá 1,4-1,6 tỷ đồng một kg.
Hiện nay nhộng trùng thảo được nuôi trồng rất dễ dàng và cho ra thể quả cây nấm mọc trên thân con tằm hoặc con nhộng. Việt Nam còn nhân trồng được nhộng trùng thảo trên gạo lức, giá đậu, cho ra khối lượng lớn, nấu canh ăn như rau. Trong khi đó, đông trùng hạ thảo thể quả tự nhiên chỉ sống được trên độ cao 3.000-4.000 m so với mặt nước biển.
Đến nay chưa quốc gia nào nhân trồng ra đông trùng hạ thảo thể quả được (tức làm ra nguyên hình cây nấm trên đầu con sâu). Công trình đầu tiên nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo tại Việt Nam của nhóm tiến sĩ Nguyên cũng mới nuôi cấy được ở thể sinh khối. Tiến sĩ Đinh Minh Hiệp, thành viên nhóm nghiên cứu nói: “Nếu nuôi trồng được cây nấm trên con sâu và có màu vàng cam thì sản phẩm là nhộng trùng thảo hay Cordyceps militaris, còn gọi đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis là không chính xác”.
Tại buổi nghiệm thu công trình này vào tuần trước của nhóm tiến sĩ Nguyên, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng ban Nghiên cứu khoa học và Thư viện, khoa Dược trường Đại học Y Dược TP HCM, Chủ tịch Hội đồng khoa học, khuyến khích nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu công nghệ nuôi trồng ra thể quả. “Nếu nuôi trồng thành công dạng thể quả đông trùng hạ thảo, sẽ là một nguồn lợi quý giá vô biên cho quốc gia”, tiến sĩ Minh Đức nói.
Trong sách “Đông trùng hạ thảo - dược liệu quý hỗ trợ điều trị các bệnh virus, đái tháo đường, ung thư, HIV/AIDS, suy giảm tình dục”, hai tác giả là giáo sư, tiến sĩ khoa học Đái Duy Ban và tiến sĩ Lưu Tham Mưu ghi nhận, trên thế giới chỉ vài quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc mới nuôi cấy được đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis bằng cách dùng sợi khuẩn ty (mycelium) để nhân bản vô tính và cho ra dạng sinh khối mà thôi. Công trình của nhóm tiến sĩ Nguyên là thành quả mới nhất của Việt Nam.