Ban quản trị đa dạng về thành phần và năng lực, quy tụ nhiều người giỏi trong nhiều lĩnh vực.
Học hỏi gì ở mô hình kinh doanh đa cấp?
- Cập nhật : 07/04/2016
(Tin kinh te)
Thực tế, bản chất của mô hình kinh doanh đa cấp không xấu, và một trong những điều đáng để học hỏi là chiến lược xây dựng văn hóa "cộng sinh" trong doanh nghiệp (DN).
Ươm mầm khát vọng cho nhân viên
Một trong những lý do đầu tiên có hàng triệu người Việt Nam tham gia kinh doanh đa cấp là họ được "gãi đúng chỗ ngứa" với giấc mơ "tự do tài chính". Bất cứ ai tham gia mô hình này đều được đả thông tư tưởng rằng "không gì bạn không thể làm được", hay "người ta có thể làm được, tại sao bạn lại không?".
Một DN muốn tồn tại, yếu tố cốt lõi chính là con người. Ươm mầm khát vọng làm giàu, khát vọng cống hiến trước để có kết quả viên mãn sau này là một chiến lược thông minh để tạo động lực cho nhân viên.
Quan trọng là DN biết áp dụng theo hình thức nào và cần xác thực hơn, ví dụ như trong công việc có thể tạo động lực bằng chế độ lương, thưởng, cấp bậc, quyền lợi,... hay đưa ra lộ trình công danh để phát huy tối đa thế mạnh nhân sự.
Bất kỳ nhân sự có năng lực nào cũng sở hữu cơ hội được thăng tiến, không nhất thiết phải thăng tiến theo con đường quản lý, bởi nếu nhân sự đó không có kỹ năng quản lý tốt thì chẳng khác nào công ty có thêm một quản lý tồi và mất đi một chuyên gia giỏi.
Trong trường hợp đó, nhân sự ấy sẽ được "thăng tiến" theo cấp bậc chuyên gia, với năng lực chuyên môn cao, họ có mức thu nhập, chế độ ưu đãi cao hơn nhiều so với các cấp quản lý.
Coi trọng hoạt động nhóm
Người Việt Nam khi đứng một mình được đánh giá không thua kém bất kỳ người nước nào trên thế giới cả về trí và lực, thế nhưng, khi bắt tay làm việc nhóm lại có hiệu quả kém hơn rất nhiều. Bài toán làm việc nhóm luôn được đặt ra cho DN nhưng lại chưa được giải quyết một cách triệt để.
Trong mô hình kinh doanh đa cấp, nhiều người đứng chung trên cùng một con thuyền, có thể thứ tự, cấp bậc khác nhau nhưng mục tiêu thì luôn đồng nhất và lợi ích có sức ảnh hưởng như nhau. Họ chăm chỉ gặp gỡ, giao lưu để hiểu nhau hơn, họ không ngần ngại đưa ra những khó khăn để cùng giải quyết và cũng sẵn sàng chia sẻ mục tiêu một cách cụ thể, có thời hạn rõ ràng để giám sát chéo lẫn nhau...
Tập thể đoàn kết là một trong những "nguyên liệu" chính để tạo nên một công ty vững mạnh. Không chỉ dừng lại ở cùng chung mục tiêu, chí hướng mà còn là tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau như thể anh em một nhà. Đó là lý do vì sao tinh thần đồng đội trong môi trường làm việc luôn được hoan nghênh và trở thành một trong 6 giá trị cốt lõi của Công ty CP Công nghệ DKT.
Chia sẻ là yếu tố cốt lõi
Nếu như ai đã từng tham gia một buổi hội họp của bất kỳ một công ty đa cấp nào, dù là ở quy mô lớn toàn công ty, hay quy mô đội nhóm thì chắc sẽ thấy cảnh không mấy ai chịu ngồi im một chỗ, trừ những lúc có người diễn thuyết. Họ luôn năng động di chuyển, chia sẻ, tương tác và trao đổi.
Họ không giấu nghề, chia sẻ hết những gì có thể chia sẻ, từ truyền lửa cho tới kiến thức, kinh nghiệm thực tế. Bởi cả hệ thống có chung một mục đích về lợi nhuận, anh tốt, tôi cũng sẽ tốt và ngược lại. Đó cũng là lý do vì sao các công ty đa cấp thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu thân mật hay những buổi hội thảo, tuyên dương hoành tráng để truyền lửa và "phô trương lực lượng".
Họ quan tâm đến nhau từ việc gia đình, hỏi han nhau về người mẹ bị ốm, người cha làm việc vất vả hay anh em làm xa nhà... Với họ, hiểu đồng nghiệp sẽ dễ đồng cảm và việc giao lưu cũng như làm việc sẽ hiệu quả hơn.
Một DN phát triển không phải nhờ một vài cá nhân xuất sắc, mà là tập thể gắn kết và biết chia sẻ. Gắn kết những con người có những suy nghĩ, chí hướng cũng như hoàn cảnh khác nhau thành một mạng lưới bền chặt là việc DN nên làm, thông suốt từ việc lớn tới việc nhỏ.
Hàng loạt tên tuổi vang danh một thời khiến nhiều người "sống trong ảo giác" và càng lấn sâu vào con đường "trên mây" như MB24, Khải Thái, Tâm Mặt trời, Liên kết Việt... chỉ là biến tướng không kiểm soát của mô hình kinh doanh đa cấp.
Không thể phủ nhận sự thành công về xây dựng nét văn hóa "cộng sinh" của mô hình này và DN cần phải tinh ý, học hỏi những điều hay, biến chúng thành những lợi thế trong việc xây dựng cơ cấu, tổ chức của DN mình.
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn