Giải đáp vướng mắc của ông Huỳnh Quãng (Đà Nẵng) về những quy định liên quan đến x xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể nội dung này.
5 "bí quyết" để soạn một bản kế hoạch kinh doanh dở tệ
- Cập nhật : 18/03/2016
(Tin kinh te)
Nếu bạn muốn doanh nghiệp mới của mình mau chóng thất bại để sớm quay về với công việc cũ, đây chính là bài viết dành cho bạn.
Trong quá trình khởi nghiệp, gần như ai cũng phải có một bản kế hoạch kinh doanh (business plan) để từ đó vạch ra lộ trình cho công ty. Dù là để chia sẻ nội bộ nhằm hoạch định chiến lược hay trình ra nhà đầu tư để gọi vốn, bản kế hoạch này bao giờ cũng là cơ sở cho các quyết định trong tương lai.
Tuy nhiên, có rất nhiều cách để bản kế hoạch kinh doanh của bạn mang lại thất bại thay vì thành công. Theo Tallat Mahmood, nhà sáng lập và giám đốc quỹ SkyPanther Capital, đây là 5 "bí quyết" để làm nên những bản kế hoạch kinh doanh chắc chắn sẽ thất bại, và 5 cách để tránh gặp phải điều đó:
1. Không xác định được nhóm đối tượng tiếp thu
Việc sử dụng một kế hoạch kinh doanh chung cho tất cả mọi người là vô nghĩa, đơn giản là vì nó sẽ không bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu. Chính vì vậy, bản kế hoạch kinh doanh cần phải được hướng tới một nhóm đối tượng cụ thể. Chỉ như thế nó mới có thể giải quyết tốt các mối quan tâm và thắc mắc từ họ.
Giải pháp: Hãy định vị rõ ràng ngay từ đầu đối tượng mà kế hoạch kinh doanh của bạn đang hướng tới (cộng sự, nhà đầu tư,...). Tiếp theo, phác thảo những câu hỏi chính mà những người đó cần được giải đáp, và xây dựng kế hoạch dựa trên những câu hỏi ấy.
2. Dành quá nhiều chỗ cho các chi tiết vụn vặt
Không ai hiểu rõ doanh nghiệp của bạn hơn chính bạn. Tuy nhiên, chính vì vậy mà bạn có thể rơi vào nguy cơ thích khoe khoang những hiểu biết của mình hơn là tạo ra giá trị cho những người xem bản kế hoạch kinh doanh của bạn. Điều đó sẽ dập tắt đi hứng khởi của họ, và làm giảm đi giá trị của bạn.
Giải pháp: Chỉ viết vừa đủ để trả lời các câu hỏi quan trọng nhất. Bạn phải nhận định được bạn cần đưa vào những mục nào bằng cách xác định nhóm đối tượng. Ví dụ, nếu kế hoạch này là dành cho nội bộ, bạn có thể không cần phải đi sâu vào chi tiết sản phẩm vì ai cũng đã biết về điều này. Hãy luôn đọc lại và chỉnh sửa kế hoạch của bạn để xóa bớt những từ dư thừa và những phần không có giá trị cho người đọc. Ngoài ra, hãy đưa những người khác đọc và góp ý cho kế hoạch của bạn trước khi nó hoàn thiện.
3. Không xác định rõ thị trường của mình
Quá nhiều người sử dụng “Ctrl+C và Ctrl+V” đối với phần thông tin thị trường bằng những thông tin mơ hồ mà họ có được từ Internet. Tallat Mahmood cho biết trong cương vị nhà đầu tư, đây là phần thường gây ra thất vọng nhất. Hãy tư duy kỹ lưỡng, chú ý đến mọi chi tiết, và trình bày thật cô đọng về thị trường của bạn.
Giải pháp: Phân chia rõ ràng các phân khúc thị trường để xác định xem đâu là điều mà công ty của bạn quan tâm. Ví dụ, trình bày về toàn bộ thị trường phần mềm là vô dụng nếu công ty của bạn hoạt động chủ yếu trong mảng dữ liệu lớn (big data). Hãy suy nghĩ xem khách hàng đầu cuối (end user) của bạn là ai, và giải thích các đặc điểm của nhóm khách hàng đó.
4. Không giải thích các vấn đề tài chính
Nhiều doanh nhân khởi nghiệp không nói nhiều về phần tài chính cho kế hoạch kinh doanh của họ, có lẽ vì họ cho rằng đây là vấn đề phức tạp và chưa quen. Nhưng nó không phải là quá khó khăn: hãy học cách dùng các con số để kể một câu chuyện, giống như các phần khác trong kế hoạch kinh doanh của bạn vậy.
Giải pháp: Giải thích rõ ràng các giả định trong phần tài chính của bạn. Ví dụ, nếu bạn đã giả định tăng trưởng doanh thu là 10%, và lợi nhuận biên là 60%, thì điều đó dựa vào những con số nào? Khi bạn nói về tài chính, hãy giải thích các con số bằng thứ ngôn ngữ đơn giản. Việc nêu ra được ý nghĩa của từng con số sẽ giúp bạn đối thoại và thuyết phục được những người đang theo dõi bản kế hoạch của bạn.
5. Không diễn giải điều gì xảy ra tiếp theo
Rất nhiều người vội vàng viết bản kế hoạch kinh doanh chỉ với mục đích hoàn thành đủ các phần tối thiểu, và rồi chẳng buồn giải thích điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Tương tự như việc xác định bối cảnh chung vào lúc mở đầu, bạn cần phải vạch ra được những mục tiêu muốn đạt được trong ngắn hạn và trung hạn. Bất kỳ kế hoạch kinh doanh nào cũng sẽ bị lạc lối nếu không có điều này.
Giải pháp: Hãy suy nghĩ về những gì mà bạn muốn những người tiếp nhận bản kế hoạch kinh doanh sẽ thực hiện sau khi xem xong nó. Nếu đối tượng chính là nội bộ nhóm của bạn, bạn sẽ muốn đưa ra quan điểm chiến lược để cùng thảo luận với họ. Đối với một nhà đầu tư, nên xác định rõ yêu cầu về vốn, cơ cấu thỏa thuận cổ phần với họ, cùng các cột mốc chính trong tương lai.
Một kế hoạch kinh doanh chẳng bao giờ có điểm kết thúc thực sự; vì nó sẽ tiếp tục thay đổi trong lúc doanh nghiệp phát triển và gặp những cơ hội cùng thách thức mới. Việc ý thức được các sai lầm kể trên sẽ đảm bảo cho kế hoạch của bạn một nền tảng vững chắc, để từ đó dẫn tới những quyết định thấu đáo.
Ý Nhi
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)