Có thể thấy, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới hầu hết các ngành, lĩnh vực như hiện nay. Chúng ta đã từng chứng kiến sự sụp đổ có hệ thống của những tên tuổi lừng lẫy mà một phần nguyên nhân bắt nguồn từ tư duy quản trị điều hành kinh doanh của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không linh hoạt và thích ứng với bối cảnh hiện nay.
Hóa đơn điện tử thế nào được coi là hợp pháp?
- Cập nhật : 16/09/2018
Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Bên cạnh các quy định về đối tượng phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, Nghị định cũng quy định rõ các trường hợp hóa đơn điện tử hợp pháp, hóa đơn điện tử không hợp pháp.
Theo đó, hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế đảm bảo nguyên tắc: Nhận biết được hóa đơn in từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; Không bắt buộc có chữ ký số; Khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế.
Hóa đơn điện tử bao gồm các loại sau: (i) Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn áp dụng đối với người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Hóa đơn giá trị gia tăng trong trường hợp này bao gồm cả hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; (ii) Hóa đơn bán hàng là hóa đơn áp dụng đối với người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp; (iii) Các loại hóa đơn khác gồm: Tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử hoặc các chứng từ điện tử có tên gọi khác.
Các loại hóa đơn điện tử nêu trên phải theo định dạng chuẩn dữ liệu do Bộ Tài chính quy định.
Về nội dung, hóa đơn điện tử bao gồm: Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, số hóa đơn; Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán; Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua (nếu người mua có mã số thuế); Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng trong trường hợp là hóa đơn giá trị gia tăng; Tổng số tiền thanh toán.
Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử còn có chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán; Chữ ký số, chữ ký điện tử của người mua (nếu có); Thời điểm lập hóa đơn điện tử; Mã của cơ quan thuế đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và nội dung khác liên quan (nếu có).
Về thời điểm lập hóa đơn điện tử, đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
Chính phủ giao Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật thuế giá trị gia tăng, pháp luật quản lý thuế để hướng dẫn cụ thể thời điểm lập hóa đơn đối với các trường hợp khác; quy định cụ thể về định dạng chuẩn dữ liệu của hóa đơn điện tử sử dụng khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ…
Nghị định số 119/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/11/2018) nêu rõ, hóa đơn điện tử hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên và phải đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin. Nếu không đáp ứng các điều kiện nêu trên và không đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin thì hóa đơn điện tử không được coi là hợp pháp.
Theo Tapchitaichinh.vn