tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chủ nhân Nobel Kinh tế 2015: "Hãy cưới một chàng nông dân châu Phi nếu muốn giúp họ thoát nghèo"

  • Cập nhật : 21/10/2015

(doanh nhan)

Angus Deaton - Giáo sư đến từ ĐH Princeton và là chủ nhân của giải Nobel Kinh tế 2015 – tin rằng viện trợ nước ngoài đem đến những tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Quan điểm trái ngược này biến ông thành “kẻ thù” của tất cả mọi người, từ Liên hợp quốc cho tới Bill Gates.

 

Ngày 12/10 vừa qua, rất nhiều nhà báo, nhiếp ảnh gia và những người chuyên săn tìm bút tích cùng với đám đông người hâm mộ đã tụ họp ở văn phòng của Giáo sư Angus Deaton tại ĐH Princeton.

Năm nay Deaton 69 tuổi và trong nhiều năm qua đã có nhiều người dự đoán ông sẽ giành được giải Nobel Kinh tế. Tuy nhiên, sự chỉ trích mà vị giáo sư người Scotland gặp phải khiến ông cảm thấy giống như bị một “đoàn tàu ký ức” đâm phải. Bộ phận an ninh của ĐH Princeton đã đưa cho ông một chiếc “burner phone” (loại điện thoại rẻ tiền, có gắn sim để dùng trong một thời gian và sau đó có thể vứt đi luôn). Deaton luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Thế giới đang viện trợ sai cách

Đã 12 năm trôi qua kể từ lần gần nhất một nhà kinh tế học người Anh nhận được giải Nobel. Hội đồng trao giải vinh danh ông vì những thành tựu của ông trong việc đo lường mức độ nghèo đói và tính toán sức tiêu dùng của nền kinh tế. Tuy nhiên những khía cạnh gần gũi hơn với đời sống thường ngày mới là điều lớn nhất tạo nên thành công của Deaton.

Ví dụ, ông cho rằng nếu muốn biết mọi người tiêu tiền như thế nào, bạn nên sử dụng một bảng câu hỏi để điều tra từng người thay vì cố gắng tìm ra một câu trả lời đậm mùi lý thuyết từ hàng tá số liệu Chính phủ đã thống kê. Quan điểm này được cho là một cuộc cách mạng.

Ông cũng vạch ra những sai sót trong cách định nghĩa người nghèo. Có một sự thật đơn giản là người nghèo ở Mỹ chắc chắn sẽ trở thành một người giàu có nếu sống ở vùng nông thôn của Ấn Độ.

Trong mấy năm gần đây, chính những quan điểm gây tranh cãi này đã thu hút được sự chú ý của công chúng và chính thức biến ông thành “kẻ thù” của bất kỳ ai, từ Liên hợp quốc cho tới Bill Gates của Microsoft hay ca sĩ Bono của nhóm nhạc U2.

Năm 2013, Deaton xuất bản cuốn sách “The Great Escape” (tạm dịch: Cuộc đào thoát vĩ đại) cho rằng viện trợ nước ngoài thường vô nghĩa. Thậm chí gửi tiền mặt và thức ăn cho người dân nghèo là làm hại họ.

Sau 2 năm bảo vệ cuốn sách trước sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận, Deaton vẫn khẳng định rằng mình đúng. Giờ đây khi vừa được tôn vinh là một nhà kinh tế học vừa đạt giải Nobel, Deaton chắc chắn sẽ có thêm chỗ dựa để bảo vệ quan điểm của mình.

“Vấn đề nằm ở những hệ lụy ngoài dự đoán. Mang những tải tiền đổ vào các nước gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống chính trị của nước sở tại. Đồng thời, người dân sẽ ngừng đóng thuế nếu các dịch vụ cơ bản đã được cung cấp bởi viện trợ nước ngoài.

Deaton cho rằng có 2 cách để thực sự giúp ích cho người dân những nước nghèo: chuyển đến sinh sống và làm việc ở nước đó để thực sự cống hiến, hoặc vận động các nước phương Tây thay đổi chính sách thương mại, chi nhiều hơn cho thuốc chữa bệnh và kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vũ khí trên toàn cầu.

“Có những cô gái xinh đẹp tới đây và nói “Tôi muốn giúp đỡ người dân Rwanda. Tôi nói với họ rằng hãy kết hôn với một người nông dân trồng cà phê ở Rwanda và tới sống ở đây. Sau đó họ trả lời rằng không chắc sẽ có thể làm được như vậy”.

Deaton không hề có thành kiến với Bill Gates, Bono hay thậm chí là Jeffrey Sachs – đối thủ của ông trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế. “Tôi thích Jeff. Thật khó để không thích ông ấy và ông ấy là một trong những nhà hùng biện xuất sắc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ 40 giây sau khi nghe ông ấy nói, tôi đã nhận ra rằng có một rào chắn giữa chúng tôi. Ông ấy nghĩ rằng phát triển là quá trình thuộc về kỹ trị (tức sử dụng khoa học kỹ thuật để phát triển), còn tôi nghĩ đó là vấn đề thuộc về chính trị. Đó là một sự khác biệt rất lớn”.

Deaton là một người đàn ông to lớn và ông phải chống gậy khi đi lại. Vợ của ông, Anne Case, là một đồng nghiệp ở Priceton. Bà cho rằng ông hiếm khi tươi cười trước công chúng là bởi vì tâm trí của ông đang bận “nhảy nhót” trong một ma trận phức tạp đầy ắp các ý tưởng.

Rất lâu trước khi nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty xuất bản cuốn sách bán chạy về chênh lệch giàu nghèo “Chủ nghĩa tư bản thế kỷ 21”, Deaton đã nghiên cứu rất sâu về chủ đề này.

Quan điểm của Deaton có thể khiến người ta suy nghĩ rằng giải pháp tự nhiên nhất để giải quyết vấn đề nghèo đói toàn cầu là gửi Quân đội Anh đến cai trị ở những nước kém phát triển hơn. Đáp lại, Deaton nói: “Nghèo đói không phải chỉ nằm ở vấn đề tiền bạc, vấn đề nằm ở vị trí của bạn trong xã hội. Giải pháp mà tôi nói đến không phải là viễn cảnh quân đội của nước khác đi lại trong nước bạn và ra lệnh cho bạn. Đó chính là suy nghĩ của người Scotland về người Anh trong suốt một thời gian dài. Tôi có thể cảm nhận rõ điều đó vì tôi đã lớn lên trong bối cảnh ấy”.

Câu chuyện của Scotland và nước Anh

Deaton lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở gần Melrose, cách Edinburg một giờ lái xe về phía Nam. Cha ông đến từ vùng Yorkshire và đã làm việc trong các mỏ than sau khi bỏ học năm 12 tuổi. Ông mắc bệnh lao khi đang chiến đấu trong Thế chiến thứ hai và được gửi về Scotland để chữa bệnh.

Mẹ của Deaton là con gái của một người thợ mộc và bà thường rầy la ông vì ông quá chú tâm đến việc đọc sách. Tuy nhiên, cha của ông khăng khăng rằng cậu bé Angus phải có được học bổng theo học tại Fettes – ngôi trường tư danh giá của vùng Endinburgh. Và cuối cùng ông đã thành công.

Nói về việc người dân Scotland đòi độc lập, Deaton tin rằng điều này sẽ “rất nguy hiểm”. Vấn đề không nằm ở câu hỏi Scotland sẽ sử dụng đồng tiền gì mà ở chỗ Vương quốc Anh tan vỡ sẽ giống như gia đình tan vỡ, vì cha ông là người Anh và mẹ ông là người Scotland.

Làm việc ở Deaton từ năm 1983 tới nay, ông vẫn yêu thích thú vui câu cá bằng ruồi nhân tạo. Mỗi mùa hè, hai vợ chồng ông sẽ về nghỉ ở Montana trong 5 tuần và câu cá trên sông Madison. Ở đây ông có thể gặp rất nhiều loại người, bao gồm cả những người đi theo quan điểm trái ngược với những quan điểm chính thức.

Có lẽ công trình nghiên cứu nổi tiếng nhất của Deaton là công trình mà ông hợp tác với Daniel Kahneman. Họ đi đến kết luận rằng người dân Mỹ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi số tiền họ kiếm được hàng năm chạm mốc 75.000 USD. Như vậy thì chẳng phải tấm séc 1 triệu USD mà ông nhận được cùng giải Nobel sẽ mua được 13 năm hạnh phúc?

“Khi bạn đã đến tuổi này và bạn sống trong một thế giới không có định nghĩa về phúc lợi xã hội cho người già, bạn sẽ thấy số tiền 1 triệu USD không nhiều như bạn nghĩ. Khi tôi còn là một đứa trẻ và bắt đầu đi học ở Cambridge, nếu có ai đó nói với tôi rằng tôi sẽ trúng thưởng 1 triệu USD, tôi sẽ nghĩ rằng mình không bao giờ phải làm việc nữa. Tuy nhiên 1 triệu USD không khiến tôi hạnh phúc”.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục