tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Một người Việt lọt top 200 chuyên gia kinh tế hàng đầu

  • Cập nhật : 21/02/2016

(Tin kinh te)

TS Nguyễn Đức Khương (hiện đang công tác tại Trường Kinh doanh IPAG, Pháp) được dự án RePEc bầu chọn trong tốp 200 nhà kinh tế hàng đầu.

ts nguyen duc khuong. anh: dai doan ket

TS Nguyễn Đức Khương. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Danh sách danh giá này được chọn ra từ 20.490 nhà kinh tế có bất cứ thể loại xuất bản nào trong vòng 10 năm trở lại đây tính tới tháng 12 năm 2014.

Đứng thứ 12 trong danh sách là Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương. Ông Khương có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Tài chính của ĐH Grenoble II (Pháp) và được cấp phép giám sát nghiên cứu tiến sĩ ngành Khoa học quản lý vào tháng 6/2009. Ông cũng hoàn thành chương trình “Lãnh đạo Phát triển” tại ĐH Harvard và Trường Quản lý giáo dục John F.Kennedy vào năm 2013.

Tháng Giêng năm 2013, ông làm việc tại Trường Kinh doanh IPAG với tư cách giảng viên Tài chính kiêm Phó giám đốc nghiên cứu. Trước khi tham gia Trường Kinh doanh IPAG, ông là giảng viên Tài chính và Chủ nhiệm khoa Tài chính và Hệ thống thông tin tại Trường Quản lý ISC Paris (2006-2012). TS. Nguyễn Đức Khương cũng từng là trợ giảng Tài chính tại Trường Kinh doanh EM Lyon (2003-2005) và tại Viện Kinh doanh Grenoble Graduate (2005-2006).

Ông Khương hiện cũng đang là trợ lý nghiên cứu tại ĐH Paris 1 Panthéon-Sorbonne.

Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là thị trường tài chính mới nổi, tài chính năng lượng, mô hình biến động và quản lý rủi ro ở các thị trường vốn quốc tế. Ông có nhiều bài viết đăng trên nhiều tạp chí chuyên ngành như Applied Economics, Economic Modelling, Emerging Markets Review, Energy Economics…

Được biết, ông Nguyễn Đức Khương sinh ra và lớn lên tại Sóc Sơn, Hà Nội. Ông cũng thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động nghiên cứu, hội thảo, giảng dạy tại Việt Nam.

Ông là chủ tịch Hội các nhà khoa học và chuyên gia người Việt tại Pháp (2011-2016), từng là chủ tịch Hội Tài chính quốc tế Việt Nam (2012-2014) và hiện đang là tổng thư ký của hội này. Ngoài ra, ông cũng là thành viên ban quản trị Hội Tài chính châu Á (2014-2016).

Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) là nỗ lực hợp tác của hàng trăm tình nguyện viên tới từ 82 quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường phổ biến nghiên cứu về kinh tế học và các ngành khoa học liên quan.

Các tài liệu, sách báo và phần mềm được thu thập và duy trì bởi các tình nguyện viên được phục vụ cho nhiều mục đích nghiên cứu khác nhau. Cho tới nay, đã có hơn 1.750 tài liệu lưu trữ đóng góp trong khoảng 1,7 triệu nghiên cứu.


Nguyễn Thảo
Theo Vietnam Net
 


​Đọc Thêm:

 

TS Nguyễn Đức Khương: "Đừng chạy theo mốt"

TS Nguyễn Đức Khương, đứng thứ 12 trong danh sách 200 nhà kinh tế hàng đầu, được bình chọn từ 20.490 nhà kinh tế có bất cứ thể loại xuất bản nào trong vòng 10 năm trở lại đây. Anh đã có những chia sẻ giản dị về sự nghiệp của mình.

ts. nguyen duc khuong thu 2 (tu trai sang)

TS. Nguyễn Đức Khương thứ 2 (từ trái sang)

Sinh ra và lớn lên tại Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, sang Pháp học cao học và hoàn thành luận án tiến sỹ ngành Quản trị Tài chính ở tuổi 27 tại ĐH Grenoble, từng giảng dạy tại trường Quản trị kinh doanh Lyon, Viện Quản trị doanh nghiệp Grenoble, giảng viên chính thức tại Học viện Thương mại Paris, PGS.TS Nguyễn Đức Khương hiện làm việc tại Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School) và tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại ĐH Paris 1 Panthéon-Sorbonne.

Là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE), hàng năm, anh thường về giảng dạy tại Trường ĐH Thương mại Hà Nội trong khuôn khổ các chương trình đào tạo Thạc sỹ Tài chính và kiểm soát với trường ĐH Lyon, đồng thời phát triển hợp tác nghiên cứu một số trường ĐH khác tại Việt Nam.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi gặp Khương là sự gần gũi, dễ mến, khiêm tốn và cởi mở. Nụ cười luôn nở trên môi Khương.

Nghe Khương kể về những gì mà Hội Khoa học và Chuyên gia đã đạt được và những dự định của họ, tôi không giấu nổi sự ngưỡng mộ trước tâm huyết và nguyện vọng cống hiến sức mình cho quê hương Việt Nam của nhà trí thức trẻ này.

Khương đã từng là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp. Ra trường và đi làm, nhận thấy có nhiều trí thức Việt tại Pháp rất giỏi nhưng hoạt động đơn lẻ, Khương và một số bạn bè nhận định: Để tận dụng khả năng của các trí thức một cách cụ thể và hiệu quả, cần phải có một cầu nối giữa họ với nhau và thế là Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp được chính thức thành lập vào ngày 20-05-2011.

Hội dần dần thu hút được sự quan tâm không những của các trí thức Việt mà còn cả các trí thức Pháp có thiện chí với sự phát triển khoa học - kỹ thuật của Việt Nam.

Hội được thành lập với các mục tiêu thiết thực: Tập hợp và đoàn kết cộng đồng trí thức Việt tại Pháp; Tạo không gian giao lưu, trao đổi kinh nghiệm theo thể thức hội thảo bàn tròn; Tạo cầu nối giữa trí thức tại Pháp và trí thức tại Việt Nam. Thành viên của Hội gồm các tiến sỹ khoa học, kỹ sư đã qua đào tạo và hiện tại đang tác nghiệp trong các trường đại học, các học viện, hoặc các tập đoàn công nghiệp lớn tại Pháp như Areva (điện nguyên tử), EDF (điện lực Pháp), Bouygues Télécom…

Hội không hướng đến kết nạp nhiều thành viên mà lựa chọn phát triển theo hướng xây dựng mạng lưới cộng tác viên để tham gia thực hiện các dự án tại Pháp hoặc hợp tác với các đối tác ở Việt Nam.

Khương giải thích cụ thể: "Hội Khoa học và Chuyên gia thường được mời đánh giá và cho ý kiến về các dự án lớn. Mới đây, Hội đã được mời đánh giá về dự thảo Luật Thủ đô”.

Hội cũng tổ chức các khóa học ngắn hạn cho các đoàn chuyên gia cao cấp thuộc các bộ, ngành của Việt Nam. Gần đây nhất, Hội đã thiết kế và tổ chức một chương trình đào tạo về quy hoạch đô thị và công trình ngầm cho đoàn cán bộ cao cấp của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị trực thuộc Bộ Xây dựng. Khóa đào tạo diễn ra tại Paris.

Khương hồ hởi nói thêm rằng các bạn cũng vừa thành lập Hội Tài chính người Việt trên thế giới. Hội này gồm những nhà nghiên cứu gốc Việt, chuyên về tài chính trên toàn thế giới, Hội mang tính chất học thuật nhiều hơn, và có mạng lưới ở nhiều nước như Úc, Anh, Ý, Pháp, Việt Nam…

Thể hiện một cái nhìn cụ thể, khách quan về tình trạng giảng dạy đại học và sinh viên tại Việt Nam hiện nay, Khương cho rằng có nhiều phát triển về phương pháp giảng dạy và nội dung kiến thức, sinh viên phần đông đã có tính tự lập, tự học.

"Nhưng…, vẫn tồn tại sự chênh lệch khá lớn trong đào tạo giữa Việt Nam và thế giới. Điều này thể hiện rõ trong hàm lượng kiến thức giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và kinh tế. Chắc phải cần một khoảng thời gian dài nữa để chúng ta mới bắt kịp được các bạn sinh viên nước ngoài”.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương cũng gửi đôi lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ khi đứng trước sự lựa chọn trường đại học hay ngành nghề sau này của mình:

"Hãy tùy theo khả năng và sở thích. Nhất là đừng chạy theo mốt. Ngoài ra nên tham khảo sâu về lĩnh vực đó. Khi tốt nghiệp, nếu nhất thời chưa tìm được công việc theo đúng sở nguyện, các bạn nên kiên trì. Với thiện chí cầu tiến và phát triển của Việt Nam hiện nay, thì nhu cầu trong mọi lĩnh vực sẽ tăng nhanh, và các bạn sẽ có nhiều cơ hội để áp dụng kiến thức đã được đào tạo vào cuộc sống thực hành. Sống quan trọng là được làm những gì mình tâm huyết và say mê”.

Khi đề cập đến câu hỏi vốn đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn thuộc diện "nhạy cảm”:"Các nhà trí thức, khoa học, tiến sỹ Việt, sau khi đã được đào tạo bài bản tại các nước phát triển trên thế giới thì nên về Việt Nam trực tiếp đóng góp cho đất nước hay ở lại "xây nhà hàng xóm” thì giọng Khương trầm xuống:

"Đã là một nhà trí thức và khoa học chân chính, thì ai cũng muốn phục vụ và đóng góp sức mình cho đất nước, nhưng nên có một sự lựa chọn thông minh”.

Anh cho rằng sẽ chẳng có câu trả lời nào làm vừa lòng tất cả mọi người. Về hay ở, điều đó phụ thuộc vào mỗi cá nhân.Có người về Việt Nam thì có thể phát triển tốt nghiệp vụ của mình, một số khác thì không thể.

Nghe Khương nói, tôi chợt nghĩ đến công việc anh đang làm với Hội Khoa học và Chuyên gia.

"Ví như trường hợp anh Ngô Bảo Châu, Khương nói tiếp, nếu sau khi tốt nghiệp tiến sỹ, anh Châu về nước thì chúng ta và bạn bè thế giới có thể sẽ không biết đến một nhà toán học lừng danh người Việt. Chiếc cầu nối là quan trọng. Tôi nghĩ, khi đất nước yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi để các trí thức đóng góp sức mình để cho những hiệu quả thiết thực và cụ thể thì họ sẽ về thôi”.

(Theo Hiệu Constant/ Đại Đoàn Kết)

 


Một người Việt xếp 7/200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc thế giới

Giáo sư Nguyễn Đức Khương (hiện giảng dạy ở Pháp) vừa được dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc xếp thứ 7/200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới.

Danh sách 200 nhà kinh tế trẻ này được chọn ra  từ 18 625 nhà nghiên cứu kinh thế giới có ấn phẩm khoa học, mọi thể loại, xuất bản từ 10 năm trở lại đây.

Trong số 10 người đầu tiên của danh sách, có mặt các học giả từ những trường như Chicago, MIT, Yale,  Wharton School of Business (Mỹ), Toulouse School of Economics (Pháp),v.v.

So với năm 2015, cũng trong bảng xếp hạng này, TS Khương đã tăng thêm 5 bậc (từ vị trí 12 lên vị trí số 7).

Nhà kinh tế Nguyễn Đức Khương hiện là giáo sư ngành tài chính, Phó giám đốc hợp tác khoa học quốc tế và nghiên cứu,  & Trưởng khoa Kinh tế - Tài chính tại Học viện quản lý và quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School), Pháp. 

Anh cũng là cộng tác viên giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Sorbonne, Pháp, và nhiều đại học trên thế giới tại Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha v.v.

GS Nguyễn Đức Khương có  học vị tiến sĩ khoa học quản lí, chuyên ngành tài chính năm 2005; trước đó tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Thương mại (năm 2000).

Anh tham gia ban biên tập nhiều tạp chí chuyên ngành về kinh tế - tài chính  và tổ chức nhiều hội thảo quốc tế.

GS Khương cũng là thành viên của nhóm tư vấn điều phối tài chính Châu Á (Asian Shadow Financial Regulatory Committee), tư vấn cho nhiều chính phủ Châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Philippines.

TS Khương có 3 năm làm chủ tịch Hội Tài chính người Việt trên toàn thế giới (từ năm 2012) và hiện là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia tại Pháp (AVSE); tham gia các hợp tác đa ngành Pháp-Việt (Kinh tế, tài chính, xây dựng, v.v), tổ chức nhiều hội thảo, khóa đào tạo, làm nghiên cứu chuyên ngành liên quan đến Việt Nam.

RePEc xếp hạng các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và các nhà nghiên cứu về kinh tế trên thế giới, có đăng kí vào cơ sở dữ liệu của RePEC. 

Việc xếp hạng căn cứ vào nhiều chỉ tiêu khác nhau. Có khoảng 30 chỉ tiêu để xét chọn các nhà nghiên cứu, ví dụ số lượng bài, số lần được các bài báo và tạp chí khoa học khác trích dẫn, mức độ ảnh hưởng,v.v..

Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) là nỗ lực hợp tác của hàng trăm tình nguyện viên tới từ 82 quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường phổ biến nghiên cứu về kinh tế học và các ngành khoa học liên quan.

Các tài liệu, sách báo và phần mềm được thu thập và duy trì bởi các tình nguyện viên được phục vụ cho nhiều mục đích nghiên cứu khác nhau.

Trở về

Bài cùng chuyên mục