Trên thế giới có nhiều sản phẩm quảng cáo sai sự thật khiến người tiêu dùng dở khóc, dở cười.
Vicenza: "Trái tim đen tối" của cuộc khủng hoảng ngân hàng Italy
- Cập nhật : 03/08/2016
Sự đổ bể của ngân hàng Vicenzia - Banca Popolare di Vicenza (BPV) đã khiến nhiều người dân Italy trắng tay và điều này nếu không được ngăn chặn có thể gây hiệu ứng domino trên toàn nước Italy nói riêng và khu vực đồng euro nói chung.
Nếu nhìn từ đằng xa, Vicenza hoàn toàn không giống một thành phố đang trong cơn bĩ cực. Trên đại lộ thanh lịch mang tên kiến trúc sư nổi tiếng thời kỳ Phục Hưng Corso Andrea Palladilo, một phụ nữ ăn mặc sành điệu xách chiếc túi Chanel đi tản bộ. Người dân địa phương ngồi nhâm nhi ly cocktails Campari spritz trong cái nóng oi bức của tháng 7. Một chiếc siêu xe Maserati đen lăn bánh chậm rãi trên phố.
Song khung cảnh "mộng mơ" này tương phản sự thật trần trụi mà Vicenza đang phải đối mặt. Vùng Veneto của Vicenza và vùng Tuscany đang là tâm bão của cuộc khủng hoảng ngân hàng Italy đã gây thiệt hại hàng triệu euro cho người dân nơi đây.
Thậm chí Thị trưởng Vicenza, Achille Variati cũng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng này và ông đã mất trắng 25.000 euro khi cổ phiếu của BPV sụt mạnh vào đầu năm nay.
Còn đối với Francesco Bertolda (43 tuổi), nhân viên phục vụ, vấn đề bắt đầu hai năm về trước khi giám đốc chi nhánh BPV địa phương thông báo cho hai cha con anh biết rằng họ đủ điều kiện để vay vốn mua từ nhà, ô tô, đến công ty nếu họ mua tối thiểu 6000 euro trị giá cổ phiếu của BPV. Tuy nhiên cho đến nay, tổng số 12.000 euro trị giá cổ phiếu mà họ đầu tư chỉ là những tờ giấy vô giá trị. Bertolda chia sẻ: "Nhiều người khác và nhiều công ty còn mất nhiều hơn với số tiền lên đến hàng triệu euro”.
Những câu chuyện về ngân hàng như BPV nhan nhản khắp nước Ý. Mối lo sợ hiện nay là những vấn đề đang gặm nhấm Vicenza lớn mạnh sẽ gây ảnh hưởng thiệt hại đối với toàn nước Ý nói riêng cũng như toàn khu vực euro nói chung.
Vào tháng 4/2016, Quỹ Atlante mới được thành lập nhằm mục đích ngăn chặn các ngân hàng quy mô vừa khỏi phá sản đã ra tay cứu vớt ngân hàng lâu đời này.
Song đối với nước Ý còn có một vấn đề thậm chí lớn hơn: đó là những nỗ lực hồi phục kinh tế hiện nay đang bị đe doạ.
Những thành trì chế tạo sầm uất ở miền Bắc Italy như Vicenza là động lực về tài chính thúc đẩy kinh tế Italy tăng trưởng sau chiến tranh và hiện nay là niềm hy vọng có ý nghĩa quan trọng đối với Italy. Theo ông Variati, khoảng 30% trong 100.000 công ty ở Vicenza có mối quan hệ trực tiếp với BPV và những công ty này cần các khoản tín dụng và hỗ trợ.
Mặc dù ông Variati thừa nhận rằng một số vấn đề ngân hàng là hệ quả của hoạt động cấp vốn vay kém hiệu quả, trong đó ngân hàng không đủ độ cẩn trọng song tương lai của thành phố Vicenzia là vấn đề cần được ưu tiên đối với cả nước. Ông nói: "Đây là một trong những lãnh thổ giàu nhất Italy. Nếu lãnh thổ này lâm nguy, cả nước Ý sẽ có nhiều vấn đề”.
Ông Variati cho biết: "Thậm chí người dân cũng đến cả toà thị chính để cầu cứu sự trợ giúp. Họ không còn gì cả và họ cần tiền để tồn tại. Đó là những người hưu trí, phụ huynh của các sinh viên, những người không thể trả hoá đơn khí đốt của mình hay bố mẹ muốn chi trả cho đám cưới của con mình song không đủ khả năng."
Vào tháng trước, khoảng 500 cổ đông của BPV đã tham dự lễ tang của ông Antonio Bedin, một cán bộ hưu trí 67 tuổi tự sát do túng quẫn vì những vấn đề sức khoẻ và do mất tiền tiết kiệm gửi ở ngân hàng.
Ông Giovanni Bossi, Giám đốc Điều hành Ngân hàng Banca Ifis, cho biết ảnh hưởng tài chính của vụ gần sụp đổ của BPV thậm chí nếu ngân hàng này mạnh hơn nhiều về vị thế tài chính sau khi được cứu đó là điều chúng ta sẽ chỉ biết rõ trong những năm tiếp theo.
Nền kinh tế Italy đã ngừng tăng trưởng và các ngân hàng như BPV "héo mòn” bởi những khoản nợ xấu, hàng tỉ euro vốn vay được giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ song các doanh nghiệp này đã chết yểu trong thời kỳ kinh tế khó khăn. BVP và các ngân hàng khác cùng có chung một vấn đề, đó là nhiều chi nhánh hoạt động thua lỗ.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng số nợ xấu của các ngân hàng Italy hiện nay là 360 ngàn tỉ euro, chiếm khoảng 18% số vốn vay, một trong mức cao nhất trong khu vực đồng euro và tương đương 1/3 tổng nợ xấu của khu vực euro. Số nợ xấu này đã tăng dần kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ chín năm trước, giai đoạn tổng sản phẩm quốc nội của Italy giảm 10%. Nếu số nợ này tăng hơn nữa, biên lợi nhuận của các ngân hàng Italy ở mức thấp nhất ở châu Âu và ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của các ngân hàng này.
IMF đã từng khuyến cáo về thời kỳ đình trệ kéo dài hai thập kỷ của nền kinh tế Italy. Báo cáo thường niên của IMF chỉ ra rằng nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng euro không thể hồi phục khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho đến giữa năm 2020 mà nguyên nhân chính là tình trạng ốm yếu của các ngân hàng Italy trong bầu không khí tài chính hậu Brexit đầy ảm đạm.
Việc Anh rời bỏ con thuyền EU đã khiến các nhà đầu tư tập trung vào những vấn đề của hệ thống ngân hàng Italy vì lo ngại rằng tình hình xáo trộn trong khu vực euro sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế Italy giảm, tạo ra một làn sóng phá sản mới và tăng số nợ xấu. Cổ phiếu của Unicredit, ngân hàng lớn nhất Italy, đã giảm 1/3 giá trị kể từ ngày 23/6.
IMF cho biết các ngân hàng Italy đã huy động thêm nhiều vốn trong năm 2015 để tăng khả năng phục hồi nhanh sức mạnh tài chính của mình song vẫn có tỉ lệ vốn thấp hơn mức trung bình của khu vực đồng euro. Bất chấp những biện pháp bổ sung được áp dụng đối với một số ngân hàng cụ thể, mối lo ngại về nợ xấu và khả năng lợi nhuận thấp trong thời kỳ lãi suất thấp, các ngân hàng Italy chịu sức ép lớn của thị trường và mất trên 40% giá trị cổ phiếu trong năm nay.
Bản báo cáo của IMF còn nêu bật những vấn đề yếu kém khác của hệ thống ngân hàng Italy, đó là hiệu suất và tăng trưởng đầu tư thấp, tỉ lệ thất nghiệp 11% và nợ quốc gia tăng lên 133% GDP. Điều này đã hạn chế khả năng của chính phủ của ông Renzi sử dụng biện pháp cắt giảm thuế hay tăng chi tiêu công cộng để thúc đẩy tăng trưởng.
Vào cuối tuần qua, kế hoạch cứu trợ Banca Monte dei Paschi di Siena cuối cùng đã được Brussels phê chuẩn sau khi kết quả kiểm tra "sức khoẻ” các ngân hàng lớn nhất trong khu vực EU cho thấy ngân hàng lâu đời nhất thế giới và là ngân hàng thương mại lớn thứ ba của Italy là ngân hàng yếu kém nhất trong 51 ngân hàng được kiểm tra.
Xuân Hương
Theo Trí thức trẻ/The Guardian