“Có một điểm rất thú vị mà tôi nhận thấy ở người tiêu dùng Việt Nam”, đại diện thương hiệu Yazuya tại Việt Nam nói...
Thất bại vì bao bì ‘kém sắc’
- Cập nhật : 14/08/2015
(Tin kinh te)
Nhìn chung, thẩm mỹ bao bì của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang ở dưới tầm trung bình của các nước khu vực và cần 15 năm nữa mới có thể ngang bằng với các nước trong khu vực Đông Nam Á hiện giờ”.
Trên đây là nhận xét của ông Nguyễn Tri Phương Đông, chuyên gia thiết kế truyền thông - người Việt từng đoạt ba giải thưởng thiết kế của Mỹ và quốc tế năm 2014 - tại buổi nói chuyện với Câu lạc bộ Marketing Manager do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức cuối tuần qua.
Bà Mai Lan, đại diện công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, cũng dẫn một nghiên cứu năm 2014 cho thấy mỗi năm có 95% sản phẩm thất bại khi tiếp cận khách hàng tại điểm bán ở siêu thị.
“Con đường ngắn nhất thông qua cái hiện hữu sản phẩm bên ngoài chính là bao bì. Sản phẩm cuối cùng gắn kết giữa DN và người tiêu dùng mà để người tiêu dùng chịu nhiều cảm xúc tiêu cực thì chỉ cần có cơ hội là họ sẽ chuyển sang sản phẩm khác cùng loại ngay” - bà Lan nói.
Một dẫn chứng cụ thể: Sản phẩm mì gói ăn liền của một DN Việt xuất hiện từ lâu trên thị trường được người tiêu dùng đánh giá là nhìn dân dã, kiểu dáng từ trước tới nay không cải thiện. Nó thích hợp với đối tượng bình dân, dân lao động, sinh viên. Với bao bì này, người tiêu dùng “định giá” chỉ 2.500-3.000 đồng/gói là hợp lý. Trong khi đó một loại mì ăn liền khác mới có mặt trên thị trường khoảng năm năm qua được đánh giá có vỏ bao bì đẹp hơn, bắt mắt hơn, kèm theo hình ảnh tô mì hấp dẫn… thì người tiêu dùng sẵn sàng mua với giá từ 4.000 đến 6.000 đồng/gói.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự cạnh tranh thiếu hiệu quả về bao bì của các DN Việt? Theo Nilesen, đó là do thiết kế bao bì dựa trên ý kiến nội bộ, thiếu quan điểm đánh giá từ người tiêu dùng. Mặt khác, có rất nhiều mẫu bao bì được thiết kế không hiệu quả song vẫn được duyệt ngay trong phòng họp, nơi mà hầu như không có hay có rất ít sản phẩm đối thủ hiện diện.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Tri Phương Đông cho rằng dù có những DN đã cải tiến bao bì nhưng những cái người tiêu dùng thấy thay đổi chỉ là lẻ tẻ từng mẫu bao bì cụ thể chứ không nhất quán trong một vệt các thương hiệu sản phẩm. Chẳng hạn DN bánh kẹo có nhiều sản phẩm, tuy nhiên chỉ thay đổi một vài mẫu và điều này không nói lên sự thay đổi cả thương hiệu đó.
Một ví dụ khác, từ nhiều chục năm nay, trên lưng ghế nhựa thông dụng được bán ở Chợ Lớn có ba thanh dọc, đến giờ được cải tiến thành bốn hay năm thanh, đồng thời thêm họa tiết tân thời. Còn các vấn đề khác như kiểu, cấu tạo, dáng lưng, mặt ghế, độ dày nhựa,… các đổi thay chỉ ở dạng biến thể.
Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng ý thức thay đổi thẩm mỹ bao bì của DN phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đa số trường hợp, DN nghiên cứu về người tiêu dùng chưa đủ chuyên nghiệp, chưa đủ khách quan, nội bộ tự duyệt lấy. Đích đến là người tiêu dùng, thị trường thì DN chưa xem trọng. Bên cạnh đó, DN luôn phải chiều theo tâm lý đám đông. Ví dụ tết thì sản phẩm nhất thiết phải có màu sắc đỏ và vàng, rực rỡ hoa lá.
“Khi hội nhập và để cạnh tranh được với DN nước ngoài, buộc DN Việt phải điều chỉnh những khiếm khuyết trên nếu không muốn mất thị phần, thị trường” - ông Đông khuyến cáo.