Theo ông Nguyễn Đức Tài, 30-50 cửa hàng bán lẻ thực phẩm tươi sống và ngành hàng tiêu dùng sẽ được mở mới hoàn toàn và dự kiến tháng 11 cuối năm nay sẽ bắt đầu khai trương.
Sếp ngân hàng: Ăn lương tiền tỷ canh cánh nỗi lo đi tù
- Cập nhật : 29/08/2015
(Tai chinh)
Nhận lương vài trăm triệu đồng mỗi tháng song các CEO hoặc sếp cấp cao ngân hàng thương mại ở Việt Nam lại luôn thường trực nỗi lo... đi tù.
Sau khi họp hội đồng tín dụng, 19h30, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội điện lại cho phóng viên để trao đổi sau khi thấy cuộc gọi nhỡ. Khi được hỏi: “Anh về chưa?”, ông này nói: “Đùa à! Giờ họp xong còn xử lý đống việc nữa chứ về làm sao được”.
Vị tổng giám đốc này tiết lộ, CEO của các ngân hàng Việt Nam sẽ có mức lương rất khác nhau, có thể dao động từ dưới 100 triệu đến vài trăm triệu đồng một tháng. “Ông nào lương dưới 100 triệu đương nhiên có thu nhập khác còn lương càng cao thì càng mệt mỏi và có khi chưa hẳn cao”, vị này nhận xét.
Trong giới ngân hàng Việt Nam, người được đồn có mức lương triệu đô mỗi năm cũng là nhân vật đình đám nhất về điều hành còn sót lại sau khi một CEO chuyển về nghiệp quan chức, người khác gặp nạn. Bản thân 3 vị CEO được đồn là có mức lương cao nhất trong ngành tài chính Việt Nam chưa xác nhận nhưng nhìn vào kết quả điều hành của họ trong suốt thời gian dài, giới làm trong ngành tài chính có thể hiểu được lý do.
Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng nước ngoài lớn chia sẻ, khi quyết định chuyển sang nhà băng trong nước làm việc, chị thấy thử thách lớn hơn rất nhiều. “Đó không phải là áp lực từ thu nhập bởi làm tốt thì đương nhiên là được trả hợp lý. Điều lo lắng nhất với hầu hết lãnh đạo ngân hàng trong nước là pháp luật, không cẩn thận là đi tù. Trong khi đó, ở ngân hàng nước ngoài thì rủi ro đi tù ít hơn”, lãnh đạo này chia sẻ.
Vậy với các VIP trong ngân hàng, mức lương trăm triệu cả tháng cao hay thấp?
“Nếu so với thu nhập trung bình cán bộ công nhân viên trong ngành ngân hàng ở Việt Nam, con số nói trên rõ ràng rất cao. Nhưng nếu so với thu nhập của các cấp quản lý vị trí tương đương ở khu vực, CEO ngân hàng tại Việt Nam nhận lương khá thấp”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Có nhiều năm kinh nghiệm làm trong ngành ngân hàng ở Mỹ và Việt Nam, ông chia sẻ với Zing.vn, thường các CEO tại Việt Nam phải chịu áp lực nhiều hơn từ rủi ro liên quan đến quản trị. Bên cạnh đảm bảo các chỉ tiêu kinh doanh do đại hội cổ đông đặt ra, trách nhiệm của tổng giám đốc tương đối nặng nề.
"Họ không làm việc giới hạn trong 8 tiếng. Có những thời điểm, công việc bắt đầu sớm hơn cán bộ nhân viên bình thường 1-2 tiếng và kết thúc lúc 20-21h. Thời gian làm việc trung bình của một CEO ngân hàng ở Việt Nam là 10-12 tiếng. Thậm chí, tôi biết có người phải làm cả thứ bảy, chủ nhật", ông bày tỏ. Theo lời chuyên gia này, mức lương trăm triệu của CEO không hề cao khi so sánh với tần suất, khối lượng công việc, áp lực, trách nhiệm mà họ gánh chịu.
Thành viên HĐQT một ngân hàng thương mại tại TP HCM tiết lộ, không có mức trần cho lương tổng giám đốc ngân hàng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, mức thấp nhất cho vị trí này là 100 triệu đồng mỗi tháng. Còn với các phó tổng giám đốc, lương hàng tháng thấp hơn khoảng 20-30% so với CEO. Bộ tiêu chí để tuyển CEO ngân hàng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, theo vị lãnh đạo trên, cũng không rõ ràng, minh bạch.
“Tuyển ai, lương bao nhiêu phần lớn phụ thuộc vào quyết định của chủ tịch HĐQT. Năng lực, trình độ, bằng cấp, kinh nghiệm hay các chỉ tiêu định lượng khác, trong một số trường hợp, không phải nhân tố chính chi phối cái gật đầu của ông chủ ngân hàng”, ông bày tỏ.
Dù thế, thang điểm thông thường để một CEO ngân hàng được thuê về làm việc là có kinh nghiệm 5 năm trở lên, học hành bài bản, ít nhất phải có bằng đại học, chưa tính các bằng cấp khác. "Trong khi đó, tại một số quốc gia khác, CEO ngân hàng ngoài đảm bảo các tiêu chí nói trên còn phải thêm tiêu chí khác là lý lịch 'không tỳ vết', nghĩa là có lịch sử điều hành trong sạch", vị này chia sẻ.
Hiện tại, không nhiều ngân hàng ở Việt Nam công khai số liệu liên quan đến lương, thu nhập của các thành viên ban điều hành, trong đó có tổng và các phó tổng giám đốc.
Trước đây, ACB là đơn vị từng công bố chỉ số này trong khoản mục "giao dịch với bên liên quan" ở báo cáo tài chính nhưng chỉ ở con số bình quân. Năm 2013, lương tháng trung bình các thành viên trong ban điều hành ngân hàng này là hơn 99 triệu đồng một tháng và giảm xuống 95 triệu đồng trong năm 2014.
Trong khi đó, người được đồn đoán có mức lương triệu đô một năm thì từng từ chối vị trí CEO nhưng rút cục vẫn nhận bởi chỉ khi đảm nhận chức danh này thì việc điều hành của ông mới đủ nhanh và mạnh. Trước đó, ông này dự kiến chỉ giữ vị trí phó chủ tịch HĐQT điều hành nhưng vì nể "người hàng xóm" mà nhận lời.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội thở dài và nhận xét về vị trí của mình cũng như các đồng nghiệp ngang cấp: "Có mấy ai làm CEO ngân hàng ở Việt Nam mà được quyền quyết định thực sự. Nhìn vào những ngân hàng buộc phải tái cơ cấu thì có thể thấy là vị trí này phải hứng chịu những rủi ro gì. Lương trăm triệu hay vài tỷ đồng một tháng không hẳn là mối quan tâm chính đâu".