tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phân: ngành công nghiệp triệu đô

  • Cập nhật : 05/07/2016

Từ dọn phân chó tới dùng phân người làm thuốc, người ta đang biến chất thải thành những khoản tiền lớn.

Mỗi lần đám trẻ của Kathleen Corridon thổi nến sinh nhật, chúng cũng đều có chung điều ước.

“Tất cả những gì chúng muốn là một con cún,” Corridon, một người giữ sổ sách đã về hưu nói. “Vấn đề là chồng tôi làm nghề đưa thư 40 năm. Ông ấy bị chó đuổi không đếm xuể và cũng bị cắn vài lần. Ông ấy chẳng hề ưa chó, điều này là chắc chắn.”

Nhà Corridon cuối cùng cũng nhượng bộ khi con họ 10 và 12 tuổi. Nhưng đổi lại, Corridon bắt bọn trẻ hứa sẽ dọn sạch những gì con chó thải ra trong vườn.



Mọi thứ kéo dài được một tháng. Sau đó, Corridon trích tiền tiêu vặt của bọn trẻ và thuê một công ty tên là When Doody Calls mất 9 đô một tuần. “Dọn phân chó không phải là việc thừa thãi, nó là thứ nhất định phải làm,” Corridon cho biết.

Được thành lập năm 2001 ở vùng bắc bang New Jersey, Mỹ, When Doody Calls giờ có 450 khách hàng, doanh thu đạt 4,5 triệu $ trong năm 2011. Nó là một phần của ngành công nghiệp đang tăng trưởng. Không ai theo dõi ở quy mô toàn cầu nhưng Levy hiện đang là thành viên ban quản trị Hiệp hội các Chuyên gia về Chất thải Động vật gồm 90 công ty thành viên chuyên dọn chất thải thú cưng ở Bắc Mỹ.

Và nó không chỉ liên quan tới chất thải. Các công ty này đều có lợi nhuận tốt và cả ngành đã phát triển mạnh trong 10 năm qua, từ dọn phân thú nuôi tới việc biến chất thải người thành thuốc và năng lượng.

Kiếm tiền từ phân chó

Lý do Meg Retinger tham gia ngành công nghiệp chất thải không phải là khoa học mà vì một chiếc giày đặt sai chỗ.
Trở lại năm 2008, một nhà khoa học tại công ty cô đến nơi làm việc và phàn nàn là ông mới dẫm phải chân chó. Vào thời điểm đó, công ty BioPet Vet Lab Inc bán các bộ thử DNA để xác định giống chó lai.

Nhưng sau đó, công ty có một ý tưởng đột phá. Năm 2010, họ bán các bộ kit có thể thử DNA từ chất thải của chó. PooPrints giờ có mặt ở khắp 50 bang tại Mỹ, Canada và đang mở rộng tiếp ra thế giới. Chúng được nhắm tới những người quản lý chung cư, sau đó họ sẽ yêu cầu chủ chó đăng ký DNA của thú cưng trước khi thuê nhà. Mỗi khi phát hiện chất thải của chó không được thu dọn, nó sẽ được test DNA và người chủ sẽ bị phạt.

PooPrints giờ là mặt hàng chính của công ty. Gần 3.000 khu chung cư ở Bắc Mỹ đã đăng ký dịch vụ này. Phí đăng ký DNA hết 50 đô còn phí thử mỗi lần là 75 đô. Số tiền đó lấy từ tiền phạt của chủ những con chó vi phạm.

Người quản lý một khu chung cư 252 căn ở New Hampshire cho biết từ khi dùng PooPrints năm 2011, khoảng 3/4 các trường hợp test sẽ có kết quả còn số còn lại có thể là do chó bên ngoài gây ra. Chủ chó vi phạm bị phạt 50 đô cho lần đầu, 100 đô cho lần hai, 200 đô cho lần ba và nếu còn tái diễn sẽ bị chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Cho tới nay mới một người gặp trường hợp xấu nhất này.

Thậm chí chính quyền địa phương còn đang muốn chạy trương trình này dài hạn.

Giảm khí thải carbon

Quên năng lượng mặt trời đi, phân người cũng có tiềm năng trở thành nguồn năng lượng bền vững. Hãng xe buýt First West ở Anh đang có một chiếc Bio-Bus 40 chỗ chạy bằng khí biomethane lấy từ nước thải và thực phẩm thừa. Giờ đây, họ đang muốn có thêm một chiếc xe buýt 2 tầng chạy bằng năng lượng lấy từ phân. Hãng xe đối thủ Wessex Bus cũng đang xin giấy phép để chạy 20 xe tương tự vào năm 2019.

Theo First West, chất thải và thực phẩm thừa hàng năm của một khách hàng có thể giúp xe buýt chạy 60km. Xe Bio-Bus giúp giảm 30% lượng khí carbon dioxide so với xe chạy động cơ diesel thông thường.

Đột phá trong y học

Phân đang ngày càng có giá trị hơn đối với y học. Chất thải người đã có thể được chuyển thành thuốc, chữa trị cho những người bị nhiễm trùng. Ý tưởng dùng phân người như thế vào năm 2005 là chuyện rất khó tin khi Catherine Duff, giờ đã 60 tuổi, bị nhiễm trùng sau khi dùng kháng sinh. Việc nhiễm trùng dẫn tới chứng buồn nôn, tiêu chảy và các vấn đề khác đến mức bà không thể ra khỏi nhà. 7 năm sau, bác sĩ đề xuất thay ruột kết nhưng ngay cả ca phẫu thuật đó cũng chưa chắc giữ được mạng sống cho bà.



Thay vào đó, Duff quyết định thử một cách khác: cấy vi sinh vật trong phân người. Nói cách khác, bà nhận được phân từ những người hiến tặng và nhờ đó, cải thiện sức khỏe gần như ngay lập tức và có được cuộc sống bình thường.

Một ngành công nghiệp mới đã hình thành. Các công ty giờ bán các bộ kit và cả những hãng dược phẩm lớn cũng đang thử nghiệm phiên bản của riêng họ. Tổ chức phi lợi nhuận OpenBiome đã chuyển 12.000 bộ công cụ cho các bác sĩ và cơ sở y tế, mỗi bộ tốn từ 385 đô tới 535 đô. Họ đã chọn được 32 người hiến tặng, những người này được trả 40 đô mỗi ngày với yêu cầu phải chuyển phân tới trong vòng 45 phút từ khi “sản xuất”.

Đây là việc nghiêm túc, có lợi cho ngành y và dù thường gặp nhiều lời xì xào bàn tán nhưng khi được giải thích kỹ, mọi người đã bắt đầu thấy hứng thú.


Lam Dương  
Theo BBC/Người Đồng Hành

Trở về

Bài cùng chuyên mục