(Kinh te)
Trong khi hàng loạt tên tuổi Việt từng gây bão trên thị trường điện tử lần lượt biến mất trước cơn lốc hàng ngoại nhập, thì một thương hiệu điện tử nội đã thành công với chiến lược đánh vào thị trường ngách, vùng sâu vùng xa.
Ông Phạm Văn Tam (thứ hai từ trái sang) tại nhà máy của Asanzo ở Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: N.N
"Bá chủ" phân khúc ti vi giá rẻ
Nói đến ti vi, đa phần người tiêu dùng nghĩ ngay đến các thương hiệu ngoại nổi tiếng như Sony, Samsung, Panasonic... Ít ai biết rằng, thương hiệu ti vi Asanzo của Công ty Asanzo Việt Nam đang là "bá chủ" phân khúc giá rẻ với số lượng bán ra tới 30.000 chiếc mỗi tháng.
Ông Phạm Văn Tam, chủ thương hiệu Asanzo, cho biết: “Chúng tôi phục vụ người tiêu dùng có thu nhập thấp. Những người làm việc tại các đầm tôm cá ở miền Tây; “cắm” dài ngày trong nương rẫy, hoặc đánh cá ngoài biển cả tháng trời... đều dùng hàng của Asanzo. Lý do những nơi này người ta dùng nguồn điện yếu, hoặc dùng ắc quy chỉ 12V, các dòng ti vi hiện đại không đáp ứng được, nên phân khúc này coi như Asanzo một mình một chợ”. Sản phẩm ti vi CRT và LED của Asanzo hiện tiêu thụ mạnh tại các thị trường miền Tây, Tây nguyên, vùng biển đảo.
Thực tế ở phân khúc này, thương hiệu ti vi Asanzo gần như không có đối thủ. Trong nước, dòng ti vi giá rẻ trước đó cũng có một số thương hiệu Việt như SAM, Belco, VTB... phát triển nhưng không thành công. Theo các chuyên gia kinh tế, do bộ máy cồng kềnh, phân phối kém nên sản xuất không chạy hết công suất dẫn đến chi phí cao, gây lỗ lã. Cộng với sức ép từ cơn lốc hàng ngoại, các thương hiệu điện tử nội đã chính thức rút lui. Hàng nhập, phân khúc hàng giá rẻ "sợ" nhất hàng Trung Quốc nhưng thị trường ti vi hầu như không có sự xuất hiện của hàng Trung Quốc vì sản phẩm cồng kềnh, vận chuyển khó nhưng lợi nhuận lại không cao. Đây là một lợi thế cho Asanzo.
Với hệ thống phân phối truyền thống được xây dựng từ hơn chục năm trước; am hiểu nhu cầu, tâm lý tiêu dùng; đầu tư trọng điểm vào dòng sản phẩm chính là ti vi và nhánh phụ là điện gia dụng và điện lạnh, thương hiệu ti vi Asanzo đã thành công. “Chúng tôi bán hàng giá rẻ, nhưng lợi nhuận không thua kém các nhãn hàng lớn. Chúng tôi khá tự tin để có thể làm gì đó có thương hiệu điện tử VN trong tương lai”, ông Tam tự tin nói.
Chị Trần Thanh Vân, chủ doanh nghiệp phân phối điện tử lớn tại TP.HCM, cũng cho rằng: “Ti vi cũng như món hàng thời trang, xài vài ba năm lại đổi mẫu. Ở vùng quê, hàng giá rẻ vẫn rất được yêu chuộng. Tâm lý tiêu dùng chỉ đi theo hai hướng: Có tiền mua hàng xịn của Hàn Quốc, Nhật. Ít tiền chọn hàng Thái, VN. Nhưng ti vi giá rẻ thì không có hàng Thái, hàng Trung Quốc lại càng không, nên chọn phân khúc giá rẻ là lựa chọn khôn ngoan cho nhà đầu tư nội địa”.
Một yếu tố nữa khiến ti vi của Asanzo làm mưa làm gió ở phân khúc giá rẻ là các thương hiệu ngoại lớn hiện gần như không sản xuất ti vi dưới 25 inch song nhu cầu của thị trường này vẫn còn rất cao. Và đây là cái “ngách” mà Asanzo đang ung dung chiếm lĩnh với ti vi từ 18 - 50 inch.
Xuất khẩu ti vi Việt
Mỗi chiếc ti vi màn hình LED 32 inch của Asanzo có giá từ 3 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn sản phẩm cùng loại với chức năng tương đương từ 30 - 40%. Lý giải về mức giá này, theo ông Tam, ti vi hiện đại hay thiết kế nhiều cổng, tới 3 - 4 cổng AV, USB, chi phí trung bình cho mỗi cổng này là 2 USD… trong khi mỗi lần sử dụng chỉ có thể cắm được một cổng. “Tôi bớt hơn 5 - 7 cổng không cần thiết, sản phẩm đã giảm vài trăm ngàn cho người tiêu dùng rồi”, ông nói. Đó là chưa kể, nhiều nhà sản xuất thường dùng chiến lược thay đổi công nghệ, thêm một vài chức năng rồi bán giá cao hơn. Song những chức năng này như 2K, 4K theo chuyên gia công nghệ, hầu như không được dùng đến. Độ phân giải 4K đúng là giúp màn hình mịn hơn, nét hơn, nhưng truyền hình của chúng ta chỉ phát được HD, chưa phát được full HD, nên có tăng cấp mấy, chất lượng cũng ngang HD.
Dù "một mình một chợ" nhưng ông Tam vẫn đang phát triển song song dòng ti vi thông minh với hệ điều hành Android phục vụ phân khúc khách hàng hạng trung, song giá bán thấp hơn hàng hiệu trên 50%. Chẳng hạn, chiếc ti vi smart 50 inch của Asanzo giá 9 triệu đồng, cùng dòng này với các thương hiệu ti vi nổi tiếng của Nhật, Hàn giá từ 23 triệu đồng. Tháng 10 vừa qua, chuỗi cửa hàng điện máy Chợ Lớn đã ký hợp đồng mua 15.000 ti vi màn hình LED của Asanzo trong thời hạn 3 tháng. Theo ông Tam, đây là một thành công không nhỏ khi công ty chọn phân khúc giá rẻ, lại được một thương hiệu điện máy lớn tin tưởng chọn làm đối tác.
Với nhà máy tại Bình Chánh (TP.HCM), Asanzo đặt hàng (có cam kết) làm màn hình từ LG và Samsung khoảng 100.000 cái cho mỗi đơn hàng. Dự kiến doanh số bán ra mỗi tháng từ 30.000 chiếc lên 45.000 chiếc vào cuối năm nay. "Chúng tôi chuyển giao công nghệ của Nhật, đặt mua màn hình LED trực tiếp của LG và Samsung. Còn các thiết bị phụ đặt làm gia công tại VN là chính. Làm sao để tinh giản chi phí đầu vào nhiều nhất; mua trực tiếp không qua trung gian; giảm các tiểu tiết không cần thiết, đặt làm mẫu riêng với số lượng lớn có cam kết để chất lượng sản phẩm... để có giá thành tốt nhất", ông Tam chia sẻ.
Được biết, Công ty Asanzo hiện có 300 nhân viên, tập trung lao động lắp ráp. Kế hoạch của công ty là mở nhà máy tại miền Bắc và mở rộng sản phẩm làm máy lạnh và tủ lạnh. “Thị trường hạng thấp và trung cấp trong tương lai vẫn còn tiềm năng. Hơn nữa, chúng tôi đang nhắm đến làm hàng xuất khẩu sang Campuchia và Lào, nên tôi khá tự tin cho những khoản đầu tư của mình”, ông Tam nói và cho biết, trong tháng 8 vừa qua, công ty đã nhận được hai đơn hàng từ Campuchia đặt hàng ti vi màn hình LED. Khởi động cho chiến lược đưa ti vi Việt xuất ngoại.
Theo số liệu cập nhật từ Công ty nghiên cứu thị trường GFK, trung bình mỗi năm VN tiêu thụ khoảng 1,2 triệu chiếc ti vi, 80% số đó là hàng ngoại. 20% còn lại không phải quá nhỏ và việc khai thác thị trường ngách đã mang lại thành công cho dòng ti vi nội của một ông chủ Việt.
(Theo Báo Thanh Nien)