Quỹ đầu tư tư nhân 3G Capital của Brazil được xem là "kẻ săn hàng" đáng sợ nhất ngành thực phẩm.
"Ngu gì không làm thép" và những dự án thép tỷ đô đã ăn quả đắng
- Cập nhật : 13/09/2016
(Kinh doanh)
Một thực tế đã xảy ra ngược lại với hào hứng "ngu gì không làm thép" của ông chủ Tôn Hoa Sen là những bánh vẽ tỷ USD trong ngành thép, lấy cái cớ là nằm trong “quy hoạch” nhưng triển khai chậm tiến độ, đắp chiếu và bỏ hoang đã gây không ít bức xúc cho xã hội.
Từng có một thời, thu hút đầu tư vào các dự án thép đã trở thành phong trào ở các địa phương. Thi nhau trải thảm đỏ để thu hút các nhà đầu tư, đua nhau rót vốn vào hàng loạt các dự án có quy mô lên tới hàng tỷ USD. Hệ quả của đầu tư tràn lan, kém hiệu quả và phá vỡ quy hoạch đã khiến cho không ít các doanh nghiệp trong tình trạng “chết lâm sàng” ngay từ trong trứng nước.
Gang thép Thái Nguyên – ông lớn nhà nước sống dở chết dở
Cũng đầu tư vào dự án sản xuất thép nhưng quy mô lớn hơn, nếu Tập đoàn Hòa Phát đã hoàn thành giai đoạn 3 chỉ sau 8 năm với công suất lớn hơn, thì đến nay Dự án Giang thép Thái Nguyên (CTy CP Giang thép Thái Nguyên) vẫn đang sống dở chết dở. Khởi động từ năm 2008, với tổng mức đầu tư đã đội lên từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng song dự án Giang thép Thái Nguyên cho đến thời điểm này vẫn đắp chiếu.
Theo tính toán của các chuyên gia, suất đầu tư của Gang thép Thái nguyên là cực lớn, máy móc thiết bị bị hỏng hóc, chất lượng kém. Mặc dù dự án được Nhà nước hỗ trợ, ưu ái rất nhiều, trong đó riêng Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bơm vào dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 số tiền 1.000 tỷ đồng vào năm 2015 song vẫn không thể khôi phục.
Đến nay, dự án đã đội vốn lên tới 5.000 tỷ đồng nhưng Giang thép Thái Nguyên vẫn liên tục kêu cứu. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Dự án này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập và đánh giá toàn diện dự án.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo phải đưa ra được các giải pháp, gồm phương án bán dự án, phương án bán Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án, trong đó làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.
Dự án tỷ USD Guang Lian – Quảng Ngãi đắp chiếu
Sau 10 năm khởi động, dự án nhà máy thép tỷ đô Guang Lian (Quảng Liên) ở khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) vẫn chỉ là một vài hạng mục phụ cận. Còn dự án chính vẫn là bãi đất hoang, mặc dù nhiều lần đã dự định thay đổi nhà đầu tư, cùng ưu đãi của địa phương.
Đến tháng 8/2016 vừa qua Quảng Ngãi chính thức dừng dự án nhà máy thép Quảng Liên - Dung Quất do nhà đầu tư không đủ khả năng thực hiện đúng tiến độ. Quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư này được ban hành vào tháng 7/2016 với lý do nhà đầu tư đã vi phạm Luật Đầu tư và Luật Đất đai sau khoảng 10 năm cấp phép đầu tư và điều chỉnh thay đổi nhiều lần.
Như vậy, sau khi khởi động, chậm trễ kéo dài, nhà đầu tư cam kết khởi công các hạng mục chính vào tháng 3/2010 rồi tiếp tục bỏ hoang. Đến cuối 2012 lại cam kết khởi công vào tháng 7/2013, sau đó lại khất đến tháng 7/2014. Tuy nhiên, sau đó 2 năm thì dự án này chính thức bị dừng triển khai.
Theo Ban quản lý KKT Dung Quất, dự án thép Guang Lian được cấp chứng nhận đầu tư vào năm 2006 với vốn ban đầu khoảng 1 tỷ USD. Đến nay, khi đã được giao hơn 700 ha (bao gồm cả mặt nước) và nhiều lần gia hạn, Guang Lian vẫn chưa thể cho ra sản phẩm thép.
Cụ thể, dự án được cấp phép từ năm 2006, do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD. Sau đó, Tập đoàn E-United (Đài Loan) hợp tác với Tycoons để cùng thực hiện và nâng vốn dự án lên 3 tỷ USD. Đầu năm 2012, Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) quyết định góp vốn cùng E-United nghiên cứu, tiếp tục triển khai dự án, nâng mức vốn đầu tư lên 4,5 tỷ USD.
Thoi thóp Dự án thép Vạn Lợi (Vũng Áng)
Dự án Nhà máy liên hiệp gang thép Vạn Lợi do Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh được cấp phép từ năm 2007 và chính thức khởi công từ năm 2008 với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng. Dự án này cách dự án thép Formosa Hà Tĩnh chừng hơn 1 km về phía Nam tỉnh Hà Tĩnh.
Theo thiết kế dự án, giai đoạn một sẽ có công suất 250.000 tấn thép/năm và gia đoạn hai nâng lên 500.000 tấn thép/năm. Tuy nhiên, bảy năm qua dự án xây dựng nhà máy đang dang dở, ngưng trệ nên các thiết bị máy móc nhập về để ngổn ngang trên sân không có mái che mưa nắng.
Trong khi đó, dự án này đang vay nợ ngân hàng hàng ngàn tỉ đồng (thời gian qua có 85% số tiền đầu tư xây dựng nhà máy là vay ngân hàng). Từ tháng 5/2015, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đã có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động của nhà máy và sẽ thu hồi giấy phép đầu tư.
Tháng 5 vừa qua, dự án thép nghìn tỷ này bị cháy lớn. Trong khi đó, dự án này đang vay nợ ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng khi có tới 85% số tiền đầu tư xây dựng nhà máy là vay ngân hàng.
Tiền thân của Hoa Sen – Cà Ná đã từng bị rút phép
Một trong những dự án thép đang gây sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây là việc Tập đoàn Hoa Sen công bố sẽ rót vốn đầu tư 10 tỷ USD vào dự án Hoa Sen – Cà Ná để xây dựng tổ hợp luyện thép cán với công suất 16 triệu tấn.
Một thông tin đáng chú ý, Hoa Sen – Cà Ná được xây dựng trên nền tảng của một dự án đã được cấp phép trước đó, những đã bị rút phép là Khu liên hợp thép Cà Ná của Vinashin – Lion do Công ty liên doanh TNHH Vinashin-Lion làm chủ đầu tư.
Dự án khu liên hiệp thép Cà Ná là liên doanh giữa Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cùng Tập đoàn Lion (Malaysia) và được khởi công từ tháng 11 năm 2008. Dự án đặt mục tiêu là xây dựng và vận hành khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò chuyển ôxy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội, phấn đấu giai đoạn 1 (2008-2011) hoàn thành tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng một năm.
Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị Bộ Công Thương giới thiệu nhà đầu tư mới cho Dự án Khu liên hợp thép Cà Ná do chủ đầu tư không có khả năng hoàn thành công trình. Tuy nhiên, sau nhiều năm án binh bất động thì dự án Hoa Sen – Cà Ná đã được khởi động lại khi mới đây, Bộ Công Thương chính thức phê duyệt cho Tập đoàn Hoa Sen vào quy hoạch ngành thép.
Thu hồi và tạm dừng hàng loạt dự án thép ngoài quy hoạch
Trong số 5 dự án đầu tư trọng điểm giai đoạn 2007-2015, có hai dự án dừng và không triển khai. Bao gồm, dự án thép cán nóng liên doanh giữa Tập đoàn Essar của Ấn Độ (dự định góp 65% vốn điều lệ) và Tổng công ty Thép Việt Nam (20% vốn), Tổng công ty Cao su Việt nam (15% vốn).
Dự án này đã thành lập công ty liên doanh, lập thiết kế chi tiết và hồ sơ mời thầu gói thầu EPC, dự tính cho ra đời 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm, với tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 527 triệu USD Mỹ.
Thứ hai là dự án Luyện cán thép không rỉ Thiên Hương (100% vốn Đài Loan) tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã được cấp phép từ năm 2006 nhưng tới nay không triển khai nên đã bị thu hồi giấy phép.
Trong số 18 dự án đầu tư khác trong danh mục đầu tư giai đoạn kể trên, có 4 dự án chưa triển khai hoặc dừng triển khai. Đó là các dự án nhà máy thép cán nguội Lilama, nhà máy thép cán nguội Formosa, nhà máy thép cán nguội công ty Bạch Đằng và nhà máy thép Phú Mỹ (giai đoạn II).