Nhiều người đặt câu hỏi về tương lai của Giầy Thượng Đình sau khi công ty này lên sàn chứng khoán nhưng rất lao đao.
Mekophar đầu tư cho 'tái sinh'
- Cập nhật : 29/06/2017
Chi phí khi chữa bệnh có tế bào gốc sẽ thấp hơn, đồng thời xác suất chữa bệnh cũng cao hơn rất nhiều.
Trong căn phòng rộng khoảng gần 30m2, có 5 thùng chứa được bơm nito lỏng liên tục để giữ nhiệt độ ở mức âm 196 độ C, nhằm lưu giữ gần 10.000 mẫu tế bào gốc, có thể lấy ra bất kỳ lúc nào để phục vụ cho nhu cầu “tái sinh” hệ thống tế bào ở con người. Từ vị thế “ở ghép” trong khu vực nhà máy của Công ty Dược phẩm Mekophar ở quận 11, ngân hàng tế bào gốc Mekostem sẽ chuyển sang khu công nghệ cao vào đầu năm sau để tính chuyện phát triển xa hơn trong lĩnh vực lưu trữ và ứng dụng tế bào gốc, vốn được cho là tiến bộ vượt bậc của ngành y khoa trong thời gian gần đây song vẫn còn những rào cản nhất định ở Việt Nam.
Điều kỳ diệu mang tên tế bào gốc
Dược sĩ Đặng Thị Kim Lan, Giám đốc ngân hàng tế bào gốc Mekostem, mở đầu câu chuyện bằng một điều kỳ diệu về em bé ở Yên Bái và cũng là trường hợp duy nhất trong số hơn 5.000 khách hàng kể từ khi thành lập cho đến nay. Sinh năm 2007, cậu bé không may mắc chứng bệnh Thalassemia, gây rối loạn thành phần chứa trong tế bào hồng cầu, phá hủy hồng cầu, thiếu máu, thiếu oxy và ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác.
Các bác sĩ huyết học sau đó tư vấn cho cha mẹ em bé sinh thêm một đứa con nữa để lấy tế bào gốc rồi cấy ghép vào người anh, thay vì truyền máu mỗi tháng 2 lần như lúc bấy giờ. Người em may mắn sinh ra không mắc chứng bệnh di truyền tương tự như người anh, rồi may mắn trùng khớp sinh học đến 100% (HLA - chỉ số đo lường mức độ trùng khớp). Tế bào gốc được lấy từ máu cuống rốn và màng dây rốn cuối cùng được ghép vào người anh, nhưng không đủ và phải lấy thêm tế bào từ tủy xương của em bé mới chỉ 5 tuổi. Ca ghép này thực hiện thành công vào năm 2015.
Điều kỳ diệu này xuất phát từ khả năng đặc biệt của tế bào gốc, được lấy từ máu và dây rốn của em bé vừa chào đời. Tế bào gốc dạng này ít nguy cơ biến chứng khi ghép, vừa dễ thu thập lại vừa dễ nuôi cấy, có thể tạo ra các tế bào khác, hoặc tăng sinh (tăng số lượng tế bào) hoặc biệt hóa (tạo thành tế bào chuyên biệt như tế bào thần kinh, cơ tim).
“Đây là một loại bảo hiểm sinh học”, bà Lan mô tả về việc thai phụ đăng ký giữ lại tế bào gốc. Gọi là bảo hiểm vì chi phí khi chữa bệnh có tế bào gốc sẽ thấp hơn, đồng thời xác suất chữa bệnh cũng cao hơn rất nhiều. Khi có bệnh, em bé sẽ được sử dụng tế bào gốc để “sửa” lại những sai biệt về tế bào. Những tế bào đặc biệt này không những có giá trị với người thân, như trường hợp của em bé Yên Bái nói trên, hoặc cả với người lạ, miễn sao chỉ số sinh học giống nhau. Theo thống kê, xác suất để chỉ số sinh học giống nhau của người thân trong một gia đình là 25%, còn với người lạ thì 5/10.000 trường hợp. Hiện có khoảng 5 triệu tế bào gốc trên thế giới, ứng dụng điều trị khoảng 30.000 trường hợp, nhiều nhất là Nhật đã điều trị khoảng 1.000 ca.
Sự can đảm của Mekophar
Mekophar là một công ty sản xuất dược phẩm có tiếng và được nhiều người biết đến là “kẻ đi ngược” khi đưa ra quyết định hủy niêm yết năm 2012 (vì vướng phải quy định có nhà đầu tư nước ngoài thì không được bán buôn dược phẩm), nhưng ít người biết quyết định xây dựng ngân hàng tế bào gốc cũng không kém phần dũng cảm.
Giai đoạn năm 2006 là thời kỳ sôi động của tế bào gốc trong ngành y khoa. Có nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước đã được thực hiện nhưng rồi cũng bỏ đi vì khó khăn về cơ chế thực hiện và tài chính. Được giới thiệu và tư vấn bởi các bác sĩ đầu ngành, Mekophar “liều mạng” thực hiện vì cấp quản lý đọc đề tài thấy quá hay, theo vị đại diện Mekostem.
Vì cơ chế cấp phép chậm, mãi đến gần cuối năm 2009 Mekostem mới đi vào hoạt động. Công nghệ độc quyền được chuyển giao từ Singapore, Mekostem có thể lấy được tế bào máu từ cuống rốn và một đoạn màng dây rốn (trong khi nhiều ngân hàng tế bào gốc khác chỉ lưu trữ tế bào máu). Điều này cho phép Mekostem lưu trữ được nhiều dữ liệu hơn, giúp tăng khả năng biệt hóa thành các tế bào khác để chữa bệnh. Những năm đầu chỉ được vài trăm, nhưng tốc độ tăng trưởng ngày nay đã cao hơn, lên đến con số hàng ngàn. Trung bình mỗi ngày người Mekostem sẽ lấy khoảng 3 thai phụ.
Thực tế, một số bệnh viện nhà nước chủ trương đầu tư ngân hàng lưu trữ tế bào gốc, chủ yếu cho chính họ sử dụng. Điển hình như Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP.HCM, Bệnh viện Nhi Trung ương. Một số thông tin còn cho biết Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) sắp tới sẽ mở thêm dịch vụ này. Ở khối tư nhân có Mekostem đi đầu, vài năm gần đây xuất hiện thêm trung tâm tế bào gốc và công nghệ gen của VinMec.
Dù vậy, theo bà Lan, thị trường tế bào gốc ở Việt Nam vẫn còn đi quá chậm. Lý do đầu tiên là yếu tố tài chính. Trung bình chi phí lưu trữ trong 18 năm là khoảng 80-100 triệu đồng, nhưng chủ yếu là năm đầu tiên sử dụng nhiều vật tư y tế để lấy mẫu (khoảng 25 triệu đồng hoặc 41 triệu đồng để lấy 2 mẫu ở Mekostem). “Chi phí khó giảm vì các loại vật tư đều mua từ nước ngoài, người ta bán ít thì bán đắt. Chỉ riêng túi đựng mẫu máu cũng đã là 200USD”, bà Lan cho biết.
Không chỉ vì mức giá giới hạn người tiếp cận, theo bà Lan, ở Việt Nam mô hình ngân hàng tế bào gốc còn chậm phát triển vì thông tin chưa được cập nhật rộng rãi, đồng thời hành lang pháp lý chưa được cởi mở về tiếp cận cộng đồng trong điều trị. Hơn nữa, vì vẫn còn khá mới ở thị trường Việt Nam nên Bộ còn thận trọng trong việc cấp phép. Tuy nhiên, “Bộ đã có một số chính sách và cơ chế mở cho bệnh viện để bước đầu thử nghiệm”, bà Lan nói.
Trên thực tế, cũng có ý kiến về vấn đề đạo đức khi sử dụng tế bào gốc chữa cho người khác. Bà Lan cho biết, thực tế đây là rác thải y tế chứ không phải lấy từ phôi thai (là con người); việc lưu trữ nhau thai và đoạn màng dây rốn không gây nguy hiểm gì cho bà mẹ và trẻ em. “Nếu mình không sử dụng, người ta cũng vứt đi”, bà Lan nói.
Trong thời gian qua, tự bản thân Mekostem phải đi đến từng bệnh viện để giới thiệu, chủ yếu là bệnh viện tư. Ngoài thị trường chủ lực là TP.HCM và Hà Nội, Ngân hàng tế bào gốc này cũng mở rộng vùng giới thiệu lên Tây Nguyên, miền Trung. Không chỉ đặt vấn đề giới thiệu cho sản phụ, Mekostem còn tăng cường mở rộng địa bàn lấy mẫu bằng cách bắt tay với các khoa sản ở bệnh viện địa phương, trả phần trăm doanh số để họ tư vấn và cả thu thập mẫu. Cũng đã có trường hợp thai phụ tài trợ chi phí để người của Mekostem về lấy mẫu trực tiếp ở địa phương.
Bản thân mô hình của Mekostem hướng tới chỉ là lưu trữ tế bào gốc. Mekostem hiện đang đăng ký với AABB (American Association of Blood Bankings), một hiệp hội có mặt trên 80 quốc gia và cấp chứng nhận cho các cơ sở trên 50 quốc gia. Đây là tấm vé thông hành cho việc chuyển mẫu tế bào gốc đi khắp thế giới, để người dùng tự lựa chọn cơ sở chữa bệnh. “Phần cứng đã hoàn thiện, chỉ còn chờ phần mềm. Mekostem thành lập riêng phòng quản lý chất lượng để thực hiện mục tiêu này”, bà cho biết. Đầu năm sau, Mekostem cũng sẽ di chuyển ra ngoài khu công nghệ cao (TP.HCM) để phục vụ mục tiêu này, ngoài việc tăng quy mô lưu trữ.
Quyết định dũng cảm ngày xưa của Mekophar có vẻ đúng đắn khi kết quả tài chính trong báo cáo thường niên của Mekophar lại rất khả quan. Doanh thu năm 2016 đạt hơn 55 tỉ đồng, tăng trưởng 29%, nhưng tỉ lệ lãi gốc trên doanh thu của bộ phận dịch vụ ngân hàng tế bào gốc lại lên đến 82%. Tuy nhiên, theo bà Lan, tính toán mức lời như vậy chưa chính xác, vì thực tế một phần lớn tài sản của Mekostem là do Mekophar hỗ trợ, từ địa điểm, hành chính, kế toán, bảo vệ, ăn uống... “Nói lợi nhuận hấp dẫn thực ra không phải vậy”, bà Lan nói.
Việt Dũng
Theo Nhipcaudautu.vn