Giới đầu tư đã định giá công ty có cái tên nhỏ bé "Tiểu Kê” (Xiaomi) ở mức 10 tỷ USD, còn nhiều hơn số tiền Microsoft trả để mua lại bộ phận điện thoại di động của Nokia. Xiaomi liệu đã phải là "câu trả lời từ Trung Quốc" cho Apple?
Làn sóng CEO thế hệ X
- Cập nhật : 25/08/2015
(Tin kinh te)
So với những người đi trước, thế hệ CEO hôm nay là những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thành thạo công nghệ và quý trọng nhân tài hơn.
Khi thế hệ baby-boomers (tức những người sinh ra từ sau chiến tranh thế giới thứ hai cho đến những năm 1960) về hưu, ngày càng nhiều công ty quay sang tìm CEO ở thế hệ X (những người sinh trong khoảng năm 1965-1980) và những người thuộc thời kỳ baby-boomers nhưng ở độ tuổi trẻ hơn, khoảng từ 50-55 tuổi. Trong số những công ty gần đây chỉ định các CEO tuổi 50 hoặc trẻ hơn là chuỗi thức ăn nhanh McDonald’s Corp., nhà sản xuất mô-tô Harley-Davidson Inc., hãng phần mềm Microsoft Corp. và hãng phim 21st Century Fox Inc.
Các chuyên gia về quản trị cho rằng các ông chủ trẻ hơn này sở hữu một số đặc điểm chung (dù không phổ biến). Họ sử dụng máy tính cá nhân từ bé, nên nhìn chung nhạy về công nghệ hơn so với thế hệ CEO trước đó. Họ cũng dành nhiều thời gian hơn để thu hút và giữ chân những nhân viên trẻ hơn và quan tâm đến việc làm thế nào để cho sản phẩm và dịch vụ phù hợp với thế hệ Y (tức những người sinh ra trong giai đoạn đầu thập niên 1980 đến cuối thập niên 1990, còn gọi là thế hệ 8X và 9X), vốn dự kiến sẽ chiếm tới 75% dân số vào năm 2025.
Các CEO trẻ tuổi này có xu hướng “liều lĩnh” hơn và phản ứng nhanh đối với những thay đổi đột ngột trong môi trường kinh doanh hơn là những người tiền nhiệm, theo các chuyên gia về kỹ năng lãnh đạo. “Đang có một sự thay đổi lớn trong cách mà dàn lãnh đạo cấp cao dẫn dắt doanh nghiệp. Họ nhanh nhạy hơn rất nhiều”, Sandra Davis, nhà sáng lập MDA Leadership Consulting Inc., một công ty Mỹ chuyên hoạch định những vấn đề liên quan đến người kế vị, nhận xét về thế hệ CEO mới.
Christopher H. Franklin (50 tuổi), người trở thành CEO hồi đầu tháng 7 này tại công ty hoạt động trong ngành nước Aqua America, cho rằng thế hệ nhà lãnh đạo của ông chú ý đến tài năng cũng như công nghệ hơn so với thế hệ CEO trước đó. Ông cho biết ông muốn đào sâu về vấn đề tuyển dụng và giữ chân những tài năng hơn nhiều so với các CEO khác thường làm, một phần bằng cách yêu cầu phó chủ tịch bộ phận nhân sự của Aqua phải báo cáo trực tiếp đến ông hơn là báo cáo cho nhà cố vấn.
“Thu hút và giữ chân nhân tài là điều những CEO mới như chúng tôi cần phải suy nghĩ thấu đáo, vì nó cực kỳ quan trọng để chúng tôi có thể hoạch định cho tương lai”, ông nói. Ông Franklin, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành đã được chọn thay cho Nick DeBenedictis 69 tuổi, vị CEO đã 23 năm của Aqua America.
Thế hệ CEO trước đó cũng quan tâm về nhân tài, nhưng không đến mức như vậy. “Đối với họ, lòng trung thành đối với doanh nghiệp là một niềm tự hào và vì thế, họ đặt ít trọng tâm hơn vào nguồn nhân lực cho lợi thế cạnh tranh dài hạn”, Jeffrey Cohn, một nhà cố vấn kế vị CEO cho các hội đồng quản trị các công ty, nhận xét.
Quản trị nhân tài là một trọng tâm lớn đối với những CEO mới vì nền kinh tế đương đại phụ thuộc nhiều vào lao động tri thức và dịch vụ. Và sự trung thành đối với doanh nghiệp đã phai nhạt khi người ta thay đổi công việc ngày càng thường xuyên hơn. Lợi thế tuyển dụng của một doanh nghiệp nằm ở văn hóa của chính doanh nghiệp đó, nhiều hơn là nằm ở mức lương cao hơn hoặc thăng tiến nhanh hơn, theo khảo sát hồi tháng 5 trên 1.092 nhà điều hành toàn thế giới do Futurestep, thuộc Korn/Ferry International, thực hiện.
Ông Christopher Franklin, tân CEO của Aqua America, muốn nhân viên có thể cân bằng tốt hơn công việc và cuộc sống vì bản thân ông cũng là cha của 3 đứa trẻ. Vào ngày Aqua America tuyên bố đề bạt ông lên vị trí CEO, Franklin đã rời văn phòng nhiều giờ để có thể tổ chức buổi lễ tốt nghiệp lớp 8 cho con trai mình.
Thúc đẩy những thay đổi này một phần nhu cầu của một thế hệ thậm chí còn trẻ hơn. “Thế hệ từ giữa tuổi teen cho đến giữa 30 tuổi trông đợi một điều hoàn toàn khác từ ông chủ của họ”, Paul Winum, một đối tác cấp cao tại RHR International LLP, một hãng tư vấn về lãnh đạo, nhận xét. “Họ thích sự linh hoạt hơn về nơi họ làm việc cũng như giờ giấc làm việc. Và họ muốn một công việc mà họ có thể làm việc bằng cả trái tim”, ông Winum nói thêm.
Việc chọn các CEO thế hệ X đặc biệt diễn ra ở những công ty mà có khách hàng là người trẻ tuổi nhiều hơn, hoặc đang có xu hướng chú trọng đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Harley-Davidson, nhà sản xuất mô-tô đã 21 tuổi đời, là một ví dụ. Công ty đã chọn Matt Levatich, 50 tuổi, để thay Keith Wandell, 65 tuổi, vào ngày 1/5 vừa qua.
“Tôi là nhà lãnh đạo thuộc thế hệ X đầu tiên của Harley”, Levatich cho biết. Độ tuổi trẻ hơn của Levatich rất quan trọng đối với Harley, vốn từ lâu được đánh giá là quá phụ thuộc vào lớp nhà lãnh đạo thuộc thế hệ baby-boomers đang già đi.
Hiện tại, những người thuộc thế hệ baby-boomers vẫn là người mua nhiều nhất những chiếc mô-tô Harley, nhiều trong số đó có giá từ 20.000-40.000 USD/chiếc. Nhưng Levatich giờ đang dành phần lớn thời gian để tìm cách thu hút cả những người trưởng thành trẻ tuổi, thậm chí lứa tuổi teen.
Vấn đề này càng mang tính cấp bách tại chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s. Thực đơn của công ty này đang ngày càng trở nên “xa lạ” với giới trẻ, vốn rất háo hức với những món ăn tươi sống hơn và ít gia vị hơn. Steve Easterbook - được 47 tuổi khi Hội đồng Quản trị cất nhắc ông lên vị trí CEO vào đầu năm nay - đã nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp để giải tỏa mối lo ngại của khách hàng trẻ tuổi, trong đó có kế hoạch giảm sử dụng chất kháng sinh trong nguyên liệu gà mà chuỗi nhà hàng này thu mua.
Satya Nadella, 47 tuổi, đã có 17 tháng làm CEO tại Microsoft. So với người tiền nhiệm Steve Ballmers, ông đã được đánh giá là cởi mở hơn rất nhiều khi làm việc với các công ty công nghệ khởi nghiệp trẻ. Ông Nadella thường xuyên gặp gỡ nhà điều hành từ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại khu vực Bay Area và những nơi khác.
Ông đã đưa các công nghệ của Microsoft làm việc ăn ý với một số công cụ phần mềm miễn phí mà các nhà phát triển hay dùng. Tủ quần áo của Nadella cũng rất trẻ trung. Ông thường xuất hiện tại các sự kiện mặc quần jean tối màu và áo thun pô-lô ôm gọn cơ thể.
Một số CEO trẻ hơn cũng thích một cơ cấu tổ chức “phẳng” hơn để họ có thể ra quyết định nhanh hơn. Mặc dù một số CEO lớn tuổi hơn cũng muốn có ít tầng lớp quản lý hơn thì việc này lại đặc biệt được “ưa chuộng” ở thế hệ CEO mới. Nhờ các cơ cấu tổ chức phẳng hơn, “thế hệ CEO trẻ tuổi hơn có xu hướng lúc nào cũng dành thời gian với nhân viên của họ”, chuyên gia cố vấn Jeffrey Cohn nhận xét.