Công ty Sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy vừa chính thức khánh thành giai đoạn 2 Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Bắc Ninh, với sự kiện này, Vinasoy chính thức gia nhập top 5 công ty sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới.
Barclays "thay máu" lãnh đạo
- Cập nhật : 25/08/2015
(Tin kinh te)
Việc nhiều lãnh đạo ngân hàng châu Âu ra đi cho thấy giới đầu tư mất kiên nhẫn trước việc giá cổ phiếu quá thấp cùng việc tái cấu trúc chậm chạp.
Từ đầu năm đến nay đã có 3 trong số những ngân hàng lớn nhất châu Âu thay Tổng Giám đốc gồm Deutsche Bank, Credit Suisse và Standard Chartered. Nay danh sách này lại có thêm Barclays.
Cụ thể, ngày 8/7 vừa qua, Hội đồng Quản trị Barclays quyết định chia tay với Anthony Jenkins khi nhận thấy sau gần 3 năm dưới sự dẫn dắt của Jenkins, tình hình thoạt động của Ngân hàng vẫn không mấy tiến triển.
Việc thay máu lãnh đạo ở Barclays cũng như ở các ngân hàng lớn khác của châu Âu cho thấy nhà đầu tư và hội đồng quản trị đang ngày càng mất kiên nhẫn trước việc giá cổ phiếu cứ ở mức thấp kỷ lục cùng tốc độ tái cấu trúc quá chậm chạp. Sức ép này cũng là dễ hiểu khi các quy định tài chính khắt khe hơn và các cuộc điều tra từ cơ quan quản lý đã và đang đè nặng lên các ngân hàng kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra.
Tại Barclays, các thành viên không tham gia điều hành trong Hội đồng Quản trị đang tỏ ra mệt mỏi trước quá trình tái cấu trúc ì ạch dưới thời của Jenkins.
Một lý do khác, theo các nguồn tin thân cận, là vì bất đồng trong chiến lược đối với mảng ngân hàng đầu tư. Jenkins muốn cắt giảm mảng ngân hàng đầu tư xuống mức mà ông Tom King, phụ trách bộ phận ngân hàng đầu tư, lo ngại sẽ làm đe dọa tính phát triển bền vững của nó. Có vẻ như Hội đồng Quản trị Barclays cũng đồng tình với cách suy nghĩ của King khi quyết định cho Jenkins ra đi.
Jenkins từ chỗ điều hành mảng ngân hàng bán lẻ đã được cất nhắc lên vị trí CEO vào năm 2012 để thay cho Bob Diamond, người bị hất cẳng chỉ vài ngày sau khi Ngân hàng bị phạt 290 triệu bảng Anh vì thao túng lãi suất Libor.
Trong suốt thời gian tại vị, Jenkins đã cắt giảm nhân công, giảm quy mô ngân hàng đầu tư của Barclays và gia tăng sức mạnh về vốn. Nhưng như nhận xét của Richard Buxton, nhà quản lý quỹ tại Old Mutual Global Investors và là một cổ đông của Barclays, “tốc độ cải thiện ở Barclays vẫn chưa đủ và cần phải mang tính tập trung nhiều hơn nữa cũng như cần mổ xẻ nhanh hơn nữa những bộ phận đang làm ăn kém hiệu quả”.
Giá cổ phiếu Barclays cứ xập xình khiến cổ đông và giới phân tích vô cùng thất vọng. Và cuối cùng Jenkins đã phải ra đi. John McFarlane, người giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Barclays từ tháng 4, sẽ tạm thời giữ vị trí CEO thay cho Jenkins kể từ ngày 17/7 cho đến khi tìm được người thay chính thức.
“Mặc cho những thành tích đáng nể của Anthony nhưng rõ ràng việc cho ông ra đi cho thấy thời kỳ ở phía trước đang cần những kỹ năng lãnh đạo hoàn toàn mới”, ngài Mike Rake, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Barclays, nhận xét.
Vậy chiến lược sắp tới của Barclays sẽ như thế nào? McFarlane cho biết sự ra đi của Jenkins không có nghĩa là Ngân hàng sẽ thực hiện các thay đổi lớn về chiến lược. Ông cũng nói thêm, Ngân hàng không dự định huy động vốn mới từ cổ đông mặc dù các chuyên gia phân tích tại Bernstein dự báo rằng Barclays sẽ cần tới 6 tỉ bảng Anh vốn mới.
McFarlane cũng cho biết Ngân hàng sẽ duy trì kế hoạch hiện tại là cắt giảm bộ phận ngân hàng đầu tư, thay vì cắt bỏ hoàn toàn.
Tuy nhiên, vị Tổng Giám đốc mới sẽ đối mặt với không ít thách thức. Một số mảng của bộ phận chứng khoán và hối đoái đang bị điều tra bởi cơ quan quản lý và các công tố viên. Một cuộc điều tra kéo dài vào các hoạt động giao dịch giữa Barclays với một công ty đầu tư Qatar cũng đang phủ bóng mây lên tình hình kinh doanh của Ngân hàng.
Cũng còn đó những dấu hỏi về quy mô sau cùng của bộ phận ngân hàng đầu tư cũng như tầm quan trọng chiến lược của các lĩnh vực kinh doanh bên ngoài nước Anh như Barclays Africa. Ngân hàng cũng đang trong quá trình phải chia tách một phần mảng ngân hàng bán lẻ Anh với bộ phận ngân hàng đầu tư để đáp nhu các quy định tài chính mới.
“Hai vấn đề vẫn đang đè nặng lên giá cổ phiếu Barclays chính là mức sinh lời thấp ở bộ phận ngân hàng đầu tư và mức vốn thấp tại các ngân hàng Anh (trong đó có Barclays). Những vấn đề này vẫn đang tồn tại dai dẳng và có thể sẽ là mối quan tâm hàng đầu của vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Barclays”, Chirantan Barua, chuyên gia phân tích ngân hàng tại hãng nghiên cứu Bernstein, đánh giá.
Trong khi đó, McMcFarlane cho biết, theo chiến lược mới vừa được Hội đồng Quản trị thông qua, Barclays vẫn giữ vững lập trường với bộ phận ngân hàng đầu tư nhưng sẽ đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc để cải thiện hệ số ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) ở bộ phận này.
“Bộ phận ngân hàng đầu tư cần phải được tập trung nhiều hơn nữa. Chúng tôi kiếm ra tiền ở châu Âu và Bắc Mỹ. Chúng tôi cần cắt giảm ở những chỗ khác”, ông nói.
McFarlane cũng nói thêm, bộ máy tổ chức ở Barclays đã trở nên quá cồng kềnh. Ngân hàng có tới 375 ủy ban quản trị và vì thế khiến cho quá trình ra quyết định trở nên trì trệ. Do đó, Ngân hàng sẽ cắt giảm các tầng lớp trung gian cũng cắt giảm thêm lao động trong thời gian tới.
Ông cho biết một vị Tổng Giám đốc mới sẽ được chỉ định vào đầu năm tới. Một ứng cử viên sáng giá là Tushar Morzaria, người đã gây ấn tượng với nhà đầu tư kể từ khi ông được thuê giữ vai trò Giám đốc Tài chính từ JPMorgan cách đây 2 năm. Nhưng Ngân hàng cũng sẽ tìm kiếm thêm ứng cử viên bên ngoài.
Dù là ai, nhưng rõ ràng các nhà đầu tư đều đồng tình rằng Barclays cần phải thay máu dàn lãnh đạo khi giá cổ phiếu Barclays đã tăng 2% trên sàn chứng khoán London sau thông tin Jenkins ra đi.