Từ bài thuốc dân gian của ông nội, anh Phan Thanh Long cùng vợ đã chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân về da, đặc biệt là áp dụng thành công mô hình kinh doanh trên online cho doanh thu mỗi tháng hơn 1 tỷ đồng.
Hết ưu đãi, Samsung, LG... có rời bỏ Việt Nam?
- Cập nhật : 19/11/2015
(Kinh te)
Mức độ cạnh tranh trong thu hút FDI từ một số quốc gia trong khu vực ngày càng gia tăng. Các “ông lớn” có thể chuyển sang nước khác khi thời gian ưu đãi đầu tư tại Việt Nam kết thúc.
Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong ngành công nghiệp điện tử.
Đến nay, lĩnh vực này đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel. Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2013 đến nay, tỷ trọng xuất khẩu ngành điện tử luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu hàng năm đã vượt ngưỡng 30 tỷ USD.
Sức hấp dẫn của công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay vẫn chính là các nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô lớn, trong đó Samsung là lớn nhất với hai nhà máy 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và 2 tỷ USD ở Thái Nguyên.
TPHCM cũng thu hút Tập đoàn Samsung với dự án xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử tại khu công nghệ cao. Đây là nhà máy thứ 3 của Samsung tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Sau khi nhà máy ở Thái Nguyên của Samsung đi vào hoạt động, các nhà đầu tư vệ tinh cũng đã tìm đến tỉnh này. Hàng trăm triệu USD đã được các nhà sản xuất linh kiện điện tử đầu tư ở Thái Nguyên, Hải Phòng…
Cục Đầu tư nước ngoài dẫn số liệu thống kê cho biết, năm 2014 Việt Nam vươn lên trở thành nhà xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và thứ 3 trong ASEAN. Sản lượng điện tử của Việt Nam năm 2013 chỉ thua kém Thái Lan, Singapore và Malaysia.
Bên cạnh đó, ưu đãi về thuế suất trong các FTA mà Việt Nam đã và đang tham gia góp phần tăng khả năng cạnh tranh về giá. Trong thời gian tới, sản lượng điện tử của Việt Nam dự kiến tăng mạnh, đặc biệt là điện thoại di động và điện tử dân dụng.
“Thị trường tiêu thụ sản phẩm điện tử của Việt Nam sẽ được mở rộng khi AEC và TPP được ký kết. ASEAN, TPP, EU là thị trường xuất khẩu điện tử quan trọng của Việt Nam” – Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Trong thời gian gần đây, các tập đoàn điện tử lớn có xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Một trong những lí do là vì sản xuất điện tử với chi phí cận biên thấp thường tập trung ở những quốc gia có lợi thế về chi phí lao động thấp.
Cụ thể, Samsung Electronics chuyển nhà máy sản xuất điện thoại di động từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tháng 3/2015, LG Electronics thông báo chuyển bộ phận sản xuất TV từ Thái Lan sang Việt Nam. Năm 2014, Microsoft dời dây chuyền Nokia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một số hãng điện thoại Archos (Pháp) và Compal (Đài Loan) muốn xúc tiến mở rộng đầu tư vào Việt Nam sau khi TPP được ký kết.
Quy tắc xuất xứ trong AEC và TPP yêu cầu các nhà đầu tư muốn tận dụng cơ hội thâm nhập thị trường ASEAN và TPP buộc phải đầu tư vào Việt Nam ở những giai đoạn chuyên sâu hơn, chuyển giao công nghệ để đạt tỷ lệ nội địa hóa.
Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam còn gặp một số thách thức như công nghiệp điện tử mới chỉ dừng ở mức độ gia công, khó khăn trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ trong AEC và TPP.
Doanh nghiệp điện tử trong nước chưa đóng góp nhiều trong chuỗi cung ứng hàng điện tử. Samsung Việt Nam cho biết, trong số 80 doanh nghiệp vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho Samsung chỉ dưới 10%, đặc biệt lại chủ yếu cung ứng in ấn và bao bì, phần hưởng giá trị gia tăng thấp nhất, không tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế.
“Một khó khăn nữa là mức độ cạnh tranh trong thu hút FDI từ một số quốc gia trong khu vực. Các ông lớn có thể chuyển sang nước khác khi thời gian ưu đãi đầu tư tại Việt Nam kết thúc” – Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.