Công ty Sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy vừa chính thức khánh thành giai đoạn 2 Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Bắc Ninh, với sự kiện này, Vinasoy chính thức gia nhập top 5 công ty sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới.
Điều gì đã làm nên ngành dịch vụ 500 tỷ USD của Trung Quốc?
- Cập nhật : 20/05/2017
Người ta có thể tin rằng nhiều dịch vụ chia sẻ mới của thế giới sẽ xuất phát từ Trung Quốc chứ không phải Mỹ.
Những tháng gần đây, thị trường Trung Quốc chứng kiến sự phát triển bùng nổ của các công ty kinh doanh dịch vụ chia sẻ sản phẩm, dịch vụ. Ngành dịch vụ chia sẻ xe đạp đã có những bước phát triển đầu tiên khi mà các công ty nhanh chóng nắm bắt cơ hội và kinh doanh dịch vụ chia sẻ pin xe.
Theo số liệu và nhận định của Bloomberg, tiềm năng của ngành này được đánh giá cao nhờ vậy nhóm các công ty trên đã gọi được ít nhất 150 triệu USD vốn đầu tư trong những tuần gần đây.
Không chỉ chia sẻ xe đạp, gần đây còn có công ty công bố họ sẽ kêu gọi được người tiêu dùng chia sẻ ít nhất 500 nghìn chiếc ô tại Quảng Châu trong năm nay. Và nếu xu thế thích chia sẻ sản phẩm này tiếp diễn, chắc chắn họ sẽ gọi vốn không khó khăn gì.
Chắc chắn chê bao giờ cũng dễ hơn khen. Thế nhưng nhiều chuyên gia thị trường cho rằng ngay cả nếu các công ty này có phá sản, mô hình kinh doanh dịch vụ chia sẻ sản phẩm, dịch vụ cũng sẽ vẫn có tương lai phát triển sáng sủa tại Trung Quốc.
Từ đầu thập kỷ này, hoạt động chia sẻ phương tiện đi lại cũng như nhà ở bắt đầu phát triển mạnh tại Trung Quốc, không lâu sau khi Uber và Airbnb được tung ra tại Mỹ. Từ đó đến nay, ngành đã phát triển không ngừng.
Theo số liệu từ chính phủ Trung Quốc, tổng quy mô ngành kinh doanh các dịch vụ dùng chung sản phẩm, dịch vụ ước tính đạt khoảng 500 tỷ USD tính đến hết năm 2016, mức tăng trưởng 103% so với năm 2015. Và cũng đến thời điểm này, có đến 600 triệu người Trung Quốc sử dụng hoặc đang kinh doanh dịch vụ chia sẻ này.
Các nhà đầu tư tài chính với sự nhạy bén của mình chắc chắn không thể đứng ngoài cuộc chơi. Các công ty kinh doanh dịch vụ chia sẻ đã huy động được tổng số tiền đầu tu 25 tỷ USD trong năm ngoái.
Hoạt động chia sẻ giờ không chỉ dừng lại ở ô tô hay căn hộ, người Trung Quốc chia sẻ cả xe đạp. Và dù kinh tế Trung Quốc có tăng trưởng giảm tốc, chính phủ Trung Quốc dự báo đến năm 2020 ngành kinh tế chia sẻ sẽ đóng góp đến 10% tổng GDP Trung Quốc.
Có rất nhiều yếu tố để người ta tin tưởng vào ngành dịch vụ chia sẻ tại Trung Quốc. Trước tiên, cấu trúc nhân khẩu học của Trung Quốc hiện đang rất có lợi cho ngành. Nhóm những người trẻ Trung Quốc sinh từ sau năm 2000 trở lại đây hiện đang mang đến sự tăng trưởng nhảy vọt cho thương mại điện tử và ngành kinh doanh dịch vụ chia sẻ.
Khác với nhiều người cha chú, anh chị thuộc thế hệ trước, người trẻ Trung Quốc muốn tiết kiệm tiền cho những thú vui giải trí, du lịch hoặc muốn dùng tiền để mở công ty riêng. Chính vì vậy, họ không hào hứng bỏ nhiều tiền mua nhà mua xe như trước.
Còn đối với tầng lớp già trong bối cảnh chế độ an sinh xã hội kém, tiền tiết kiệm không thực sự dồi dào, nhiều người phải sống nhờ vào con cháu, họ cũng muốn tiết kiệm tiền nhiều hơn. Vì vậy ngành kinh doanh dịch vụ chia sẻ có tiền đề xã hội quan trọng để phát triển.
Thứ hai, phong cách tiêu dùng của người Trung Quốc đang thay đổi về bản chất. Không tin tưởng vào hệ thống an sinh xã hội, lo lắng khi giá nhà tăng cao và chịu nhiều sức ép chăm sóc cha mẹ già yếu, tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngày một cẩn trọng hơn về cách tiêu tiền của mình.
Họ quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm thực phẩm, dược phẩm và tiêu dùng có chất lượng cao. Tâm lý này có thể tạo ra nhiều thay đổi đến thị trường. Thứ nhất, những khoản tiền lẽ ra được dành để mua ô tô lại được để mua sản phẩm cao cấp. Để phục vụ cho nhu cầu cá nhân, họ dùng dịch vụ chia sẻ xe ô tô.
Thứ hai, hoạt động chia sẻ giúp họ có điều kiện tiếp cận tốt hơn với những trải nghiệm cao cấp ở mức giá hợp lý hơn rất nhiều so với trước đây, ví như các kỳ nghỉ.
Xu thế sử dụng chia sẻ cũng giúp cho một số ngành khác phát triển theo, trong đó có thể kể đến ngành kinh doanh sản phẩm đã qua sử dụng như hàng hóa, quần áo, túi xách…Phụ nữ Trung Quốc có thể sở hữu túi Gucci hàng hiệu chính hãng đã qua sử dụng với giá rất phải chăng.
Việc người Trung Quốc ngày một chuộng hình thức thanh toán bằng điện thoại di động cũng giúp cho ngành kinh doanh dịch vụ chia sẻ phát triển. Các hệ thống thanh toán bằng điện thoại di động như Alipay của Alibaba hay Apple Pay của Apple ngày một trở nên phổ biến.
Ngày nay, tại khắp các thành phố lớn của Trung Quốc, sẽ không khó để nhìn thấy những người tiêu dùng Trung Quốc cầm máy điện thoại giơ ra trước máy thanh toán hoặc quét mã QR để hoàn tất giao dịch mua sắm, dù nhiều khi số tiền chi ra cực kỳ nhỏ. Vì vậy, có lý do để nhiều doanh nhân tin rằng dịch vụ chia sẻ ô sẽ có thể có lãi.
Trong bầu không khí đầy thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ chia sẻ sản phẩm, dịch vụ như vậy, người ta có thể tin rằng nhiều dịch vụ chia sẻ mới của thế giới sẽ xuất phát từ Trung Quốc chứ không phải Mỹ. Mô hình chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc đang phát triển vượt ra khỏi biên giới nước này và được nhiều nước khác tại Đông Nam Á học tập.
Với nền sản xuất phát triển, người Trung Quốc có thể sẽ sớm chia sẻ các sản phẩm kiểu như máy in ảnh 3D hay nhiều loại thiết bị khác. Tất nhiên, chắc chắn không sự phát triển nào không có lúc thăng trầm nhưng rồi sẽ đến lúc, người Trung Quốc dậy cho thế giới cách chia sẻ sản phẩm như thế nào.
TRUNG MẾN
Theo Bizlive