Trong giai đoạn năm 2015, MPC dự kiến tăng vốn điều lệ từ 700 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng, nhưng cho đến nay công ty vẫn chưa thực hiện được.
Bông Bạch Tuyết: Nỗ lực hồi sinh từ scandal kinh điển có được đền đáp?
- Cập nhật : 17/09/2017
Là một trong 3 doanh nghiệp đầu tiên huỷ niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Bông Bạch Tuyết trở thành một case study kinh điển của làng tài chính Việt Nam và là bài học được nhắc đến mãi cho các doanh nghiệp niêm yết sau này.
Thời kỳ vàng son vụt tắt sau khi lên sàn chứng khoán
Nhà máy Cobovina Bạch Tuyết được thành lập từ năm 1960. Đây là doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ.
Sau giai đoạn 30/4/1975, Cobovina Bạch Tuyết được quốc hữu hóa, đến 1979, nhà máy được đổi tên thành Xí nghiệp quốc doanh Bông Bạch Tuyết.
Đến năm 1997, công ty được chuyển thể thành Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết, hoạt động với vốn điều lệ ban đầu là 11,4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 30%.
Những ngày tháng đó được xem là thời kỳ vàng son của BBT khi công ty này từng chiếm tới 90% thị phần bông băng y tế của cả nước. Ngày 15/3/2004, cổ phiếu của công ty chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán, trở thành công ty thứ 23 có cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, không ai ngờ được nhắc đến Bông Bạch Tuyết lại nhắc đến vụ bê bối lớn của ngành tài chính.
Đơn vị: Tỷ đồng
Năm 2008, báo cáo tài chính 2006 của BBT bỗng nhiên được điều chỉnh từ lãi thành lỗ. Cổ đông ngỡ ngàng khi kết quả thanh tra phát hiện công ty đã thua lỗ liên tục ngay từ năm 2004.
Công ty bị thiếu vốn lưu động trầm trọng, không còn tài sản thế chấp để vay vốn. Cùng với đó, tình hình tài chính lại có quá nhiều điểm không minh bạch, báo cáo tài chính có nhiều điểm ngoại trừ, lưu ý của kiểm toán nên không thể phát hành được cổ phiếu huy động vốn.
Năm 2007, tổng nợ phải trả của công ty là hơn 47 tỷ đồng trong khi đó tài sản ngắn hạn chỉ gần 25 tỷ, nợ phải thu khó đòi là gần 2 tỷ.
Theo kết quả thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của Bông Bạch Tuyết từ năm 2005-2008, đã có nhiều khoản tài chính thiếu minh bạch. Thí dụ dự án xây dựng bệnh viện Bạch Tuyết sau 8 tháng triển khai đã chi 464 triệu đồng, trong đó 355 triệu đồng chi tiếp khách trong khi dự án chưa thực hiện được một công tác cơ bản nào. Hay việc trả lương tổng giám đốc vượt quá hạn mức khi công ty thua lỗ (giai đoạn 2006-2008)…
Ngày 7/8/2009, mã cổ phiếu BBT bị hủy niêm yết theo yêu cầu của UBCKNN do không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ thực góp. Trước đó BBT từng bị tạm ngừng giao dịch do lỗ lũy kế 2 năm liên tiếp và do không công bố thông tin theo đúng quy định.
Trước quá nhiều lùm xùm, BBT tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh từ đầu năm 2008 đến cuối năm 2009 khiến công ty hầu như mất gần hết thị trường.
Nỗ lực hồi sinh của BBT
Sau năm 2009, công ty tiếp tục hoạt động, và vẫn tiếp tục thua lỗ trong giai đoạn 2010 - 2013. Tuy nhiên mức lỗ giảm dần theo từng năm và đến năm 2014, công ty bắt đầu có lãi trở lại.
Năm 2016 đánh dấu công ty có lãi 3 năm liên tiếp. Và từ đây, BBT nhen nhóm ý định trở lại sàn chứng khoán sau 8 năm “mất hút”.
Thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, ngày 22/8 vừa qua là ngày chốt danh sách cổ đông của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết để doanh nghiệp này nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu BBT trên HNX.
Năm 2017, công ty đặt kế hoạch doanh thu 101 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 24,3 tỷ đồng, tăng gần 65% so với thực hiện năm 2016.
Cùng với đó, ĐHĐCĐ cũng thống nhất phát hành cổ phần tăng vốn từ 68,4 tỷ đồng lên 98 tỷ đồng bằng cách phát hành 2,96 triệu cổ phần với giá phát hành bằng mệnh giá.
Tại ĐHĐCĐ, đại diện BBT cũng cho biết, từ tháng 3/2016 công ty đã trả hết nợ gốc cho ngân hàng, do đó năm 2016 công ty không mất phí trả lãi, nhờ đó nâng cao hơn hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Cổ đông vẫn chưa hết băn khoăn
Nỗ lực trở lại của BBT là đáng ghi nhận, nhưng trên thực tế, những cổ đông hiện tại của BBT dường như không còn quá nhiều niềm tin với doanh nghiệp này.
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của BBT phải đến lần thứ 3 mới có thể diễn ra, trong đó chỉ có 24 cổ đông tham dự trên tổng số hơn 2.300 cổ đông, chỉ chiếm tỷ lệ 36,38% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tại đại hội, những cổ đông nắm giữ cổ phiếu BBT từ những ngày đầu cũng bày tỏ thắc mắc về sự xuất hiện của 2 cổ đông chiến lược là CTCP Dệt may Gia Định (Giditex) và CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên Huế, khi 2 công ty này không cùng ngành nghề kinh doanh với BBT và chỉ xuất hiện khi công ty bắt đầu có lãi.
Cổ đông đặt ra dấu hỏi liệu có dấu hiệu lợi ích nhóm ở đây hay không khi XNK và Đầu tư Thừa Thiên Huế là công ty con của Gilimex, cùng với đó Tổng giám đốc Gilimex cũng là Tổng giám đốc của Giditex. Cổ đông cũng yêu cầu BBT đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM trước khi phát hành tăng vốn nhằm minh bạch và tăng sự thanh khoản của cổ phiếu.
Cũng tại Đại hội, Giditex xin rút khỏi danh sách cổ đông chiến lược là đối tượng chào bán cổ phần theo Phương án phát hành cổ phần riêng lẻ tăng vốn, bởi theo Gidimex, “mức giá 10.000 đồng là quá cao” so với đánh giá của Gidimex về tiềm lực của BBT.
Đáng chú ý, ý kiến phủ quyết của các cổ đông nhỏ lẻ không được ghi nhận khi tờ trình bị thay đổi ngay tại đại hội khi Giditex xin rút không mua cổ phần mà chỉ còn lại xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên Huế sẽ mua hết toàn bộ cổ phiếu phát hành thêm. Có đến 22 phiếu phủ quyết nội dung này trong khi chỉ có 4 phiếu tán thành, tuy nhiên do 4 phiếu cổ đông lớn chiếm tỷ lệ tới 87,07% khiến ý kiến “gan ruột” của những đầu tư nhỏ lẻ không có trọng lượng.
Không những vậy, quan trọng là cho đến nay, các con số kế toán trên báo cáo tài chính của BBT vẫn chưa được làm rõ. Cùng với đó, BBT vẫn tiếp tục lựa chọn Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C là một trong 2 đơn vị kiểm toán BCTC công ty mặc dù công ty này đã từng có sai sót trong việc kiểm toán cho doanh nghiệp trong hai năm 2005-2006.
NGUYÊN MINH
Theo Bizlive.vn